23h15 ngày 7/1, Qatar – Uzbekistan: Bruno Metsu & Sứ mệnh hóa rồng

07/01/2011 09:56 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Những ai đã phải sửng sốt theo những bước chạy hoang dã của đội tuyển Senegal ở VCK World Cup 8 năm về trước hẳn không thể quên người đàn ông tóc xoăn có ánh mắt nhìn thăm thẳm này. Bruno Metsu, một trong những gã du mục nổi tiếng bậc nhất của bóng đá Thế giới một thập kỷ qua, hiện đứng trước sứ mệnh nặng nề của một nền bóng đá đang cố gắng khỏa lấp mọi khoảng cách bằng tiền.

Mảnh đất đầu tiên ông chinh phục là châu Phi. Chỉ một năm sau khi nắm ĐT Guinea, ông sang dẫn dắt Senegal, và đưa đội bóng này đến với World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Sau đó là cú sốc đầu tiên: Senegal, vốn được coi là một đội tuyển Pháp B (phần lớn các cầu thủ Senegal khi ấy đều chơi ở Ligue 1), đánh bại chính đội tuyển Pháp “xịn”, khi ấy là ĐKVĐ châu Âu và Thế giới, 1-0 ngay trận mở màn. Cú sốc thứ 2: Họ vào vòng Hai và đánh bại Thụy Điển 2-1 trong hiệp phụ. Senegal dừng bước trước Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chỉ chừng ấy đã đủ khiến họ đi vào lịch sử là đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup, sau Cameroon năm 1990.

Phép màu với ĐT Senegal năm 2002 có được “Phù thủy” Metsu tái hiện ở Trung Đông? - Ảnh Getty

Phương pháp huấn luyện của Metsu thực sự là một cuộc cách mạng đối với đội tuyển Senegal. Các cầu thủ châu Phi vốn có kỹ thuật và thể lực rất tốt, nhưng ý thức chiến thuật và tâm lý thi đấu còn hạn chế. Metsu bắt các học trò của ông xem đi xem lại các băng hình các đối thủ để tự phân tích lối chơi, trước khi nghe ông giảng giải chi tiết. Ông cũng sử dụng một thủ thuật tâm lý khích lệ Senegal: Trước đội tuyển Pháp, Metsu khuyến khích các cầu thủ của ông tập trung nghĩ đến những điểm yếu của đội ĐKVĐ Thế giới khi ấy, và tạm quên điểm mạnh của họ. Kết quả: Senegal vứt bỏ sự sợ hãi và chơi một trận khiến người Pháp phải… sợ hãi.

Ông sở hữu những phẩm chất đặc trưng của một nhà “truyền giáo bóng đá”: Thích ứng rất tốt, và thậm chí còn trở thành một công dân đúng nghĩa của nơi ông làm việc. Metsu cải sang đạo Hồi, cưới một người vợ cũng theo đạo Hồi, và sở hữu một cái tên khác là Abdul Karim. Rời ghế ĐT Senegal sau World Cup 2002, tín ngưỡng ấy đưa ông đến với Trung Đông, tiếp tục lang bạt và ở đâu ông cũng thành công, dù là cấp CLB (Al Ain, Al-Ittihad…) hay ĐTQG (UAE). Bây giờ, Metsu đã trải qua năm thứ 2 dẫn dắt ĐTQG Qatar.

Trong số 16 đội dự VCK bóng đá châu Á, theo thứ hạng trên BXH FIFA 2010, Qatar chỉ xếp trên mình… Ấn Độ (113 và 142). Ở VCK gần nhất năm 2007, đội tuyển của đất nước dầu mỏ này đứng bét bảng đấu có sự hiện diện của UAE (được chính Metsu dẫn dắt), Nhật Bản và Việt Nam. Thành tích tốt nhất của Qatar ở Cúp bóng đá châu Á là tứ kết năm 2000, và đội bóng này chưa từng dự World Cup, cũng như không hề có cầu thủ nào “bén mảng” được đến châu Âu. Uzbekistan đã từng sở hữu những cầu thủ đủ sức cạnh tranh ở Lục địa già, trung tâm của bóng đá Thế giới: Maxim Shatskikh (từng chơi cho Dinamo Kiev ở Champions League) hay Alexander Geynrikh (từng chơi cho CSKA Moscow).

4 năm trước, Metsu cũng là một kẻ thất bại (UAE chỉ xếp thứ 3 ở vòng bảng, sau Nhật Bản cùng “hiện tượng” Việt Nam, và bị loại). Thất bại đầu tiên cùng với bóng đá Qatar, ông cũng đã trải qua, sau khi không thể đưa đội tuyển nước này đến World Cup 2010. Bây giờ, ông lại đứng trước một thử thách khác. Qatar có thể bỏ ra hàng tỉ USD để giành một vé dự World Cup (với tư cách… chủ nhà), nhưng cho dù họ có thể bỏ ra hàng chục tỉ trong nhiều năm liên tục, cũng chưa chắc đã tạo ra một thế hệ có đẳng cấp. Và Metsu cũng chỉ là một mắt xích nằm trong kế hoạch hóa rồng của bóng đá đất nước dầu mỏ này, chứ ông không thể thay đổi cả một nền bóng đá.

Dự đoán: 1-1

Phạm An

Đội hình dự kiến

Qatar: Burhan – Al-Hamad, Mohamed, Majid, Al Ghanim – Siddiq, Rizik, Montezine, Ibrahim – Ahmed, Yasser.

Uzbekistan: Nesterov – Ismailov, Ibrohimov, Karpenko, Juraev – Djeparov, Kapadze, Ahmedov, Haydarov – Geynrikh, Shatskikh.


Coi chừng bộ đôi sát thủ của Uzbekistan!

HLV Abramov của Uzbekistan không có bản lý lịch đẹp như Bruno Metsu, nhưng nhà cầm quân này có một thứ vũ khí mà HLV người Pháp phải thèm muốn: Cặp tiền đạo rất sắc bén. Đặc biệt là chân sút Maksim Shatskikh, người đang giữ kỷ lục ghi bàn cho ĐTQG với 32 bàn sau 52 trận cho Uzbekistan. Cầu thủ này từng chơi cho CLB số một Ukraina Dinamo Kiev, và từng là một trong những chân sút đáng chú ý ở Champions League. Đối tác của anh là tiền đạo Alexander Geynrikh, hiện đang chơi cho Pakhtakor, từng thi đấu cho CLB hàng đầu của Nga là CSKA Moscow. Mùa giải vừa qua, anh ghi 21 bàn qua 36 trận cho Pakhtakor ở giải VĐ Uzbekistan.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link