Pháp vung tiền 'tân trang' tháp Eiffel

06/10/2014 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dự án tu bổ tầng 1 đã xuống cấp của tháp Eiffel vừa được khởi động trong ngày 6/10. Thành phố Paris hy vọng dự án sẽ biến khu vực này thành điểm hút khách tham quan lớn.

Dự án tu bổ là một phần trong nỗ lực của giới chức thành phố Paris nhằm quảng bá tháp Eiffel. Người Pháp muốn tòa tháp không chỉ là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, mà còn là biểu tượng sống cho tính năng động và khả năng tái sinh của thủ đô Pháp.  

Thay đổi tầng 1 để thu hút du khách

Theo kế hoạch của chính quyền Paris, tầng 1 với diện tích rộng 5.000m2 sẽ được lắp sàn kính. Du khách tới tầng 1 có thể nhìn xuyên qua lớp kính xuống dưới từ độ cao 57m và chiêm ngưỡng các gian hàng thân thiện với môi trường, được xây dựng xung quanh khoảng trống trung tâm dưới chân tòa tháp. Trước đó, tầng 1 của tháp Eiffel là nơi có ít khách tham quan ghé qua nhất.


 Từ chỗ bị chê bai, chế nhạo, tháp Eiffel đã thành biểu tượng của Paris và nước Pháp

Dự án tốn kém 30 triệu euro (37,5 triệu USD) này sẽ được tiến hành trong 2 năm, gồm cả việc xây dựng các cửa hàng, nhà hàng và một bảo tàng, nơi khách tham quan có thể tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của tòa tháp 125 tuổi. Thành phố Paris đã thuê công ty kiến trúc Moatti-Riviere thực hiện hoạt động tân trang tầng 1 tòa tháp.

Được biết dự án được thực hiện còn để làm giảm lượng khí thải carbon của tòa tháp, thông qua việc lắp đặt nhiều cánh quạt tạo phong điện và các tấm pin năng lượng mặt trời. Các nhà vệ sinh nằm trên tòa tháp cũng sẽ được lắp đèn LED tiếp kiệm năng lượng và sử dụng cả nước mưa bên cạnh nguồn nước thông thường. “Chúng tôi muốn tạo nên một mô hình mẫu mực” - Jean-Bernard Bros, Chủ tịch SETE, công ty điều hành tháp Eiffel, cho biết.

Biểu tượng khó thay đổi của nước Pháp

Tháp Eiffel giờ đã trở thành điểm đến nổi tiếng nhất của nước Pháp, song khi tháp được xây dựng vào năm 1889 để phục vụ Hội chợ Thế giới, nhiều người đã phản đối nó.

“Chúng tôi là các nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư - những người đam mê cái đẹp nguyên thủy của Paris - hết sức phản đối và phẫn nộ trước việc xây dựng tháp Eiffel vô dụng và quái dị ngay giữa thủ đô của chúng ta” – các học giả, văn nghệ sĩ Pháp đã viết như thế trong bức thư gửi tới chính quyền thành phố Paris, bày tỏ sự bất bình của họ khi hoạt động xây dựng tháp Eiffel diễn ra. Trong số những người phản đối có cả nhà văn Guy de Maupassant và Alexandre Dumas con.


Hình ảnh mô phỏng tầng 1 tháp Eiffel sau khi được lắp sàn kính

Maupassant và các nghệ sĩ đã có phản ứng dữ dội như thế vào tháng 2/1887, thời điểm phần móng của tòa tháp cao 312m vừa được thi công. Sinh thời, Maupassant không ngừng chỉ trích về tháp Eiffel. Khi tháp Eiffel mới được xây dựng xong, Maupassant thường tới ăn trưa tại nhà hàng nằm ngay bên trong Eiffel, vì cho rằng đây là nơi duy nhất ở Paris giúp ông không phải nhìn thấy tòa tháp. Ông nói rằng tòa tháp giống như một bộ xương khổng lồ vô duyên.

Maupassant còn thể hiện sự ghét bỏ đó trong cuốn tiểu thuyết La vie errante (Lassitude): “Tôi rời Paris và nước Pháp bởi vì tháp Eiffel đã làm cho tôi rất buồn bực. Bạn thấy nó hiện diện ở khắp mọi nơi. Thật là một cơn ác mộng không thể tránh nổi”.

Giờ đây, tòa tháp ‘kỳ quái” này đã tròn 125 tuổi và lời phàn nàn của nhà văn Maupassant cùng những người chung quan điểm với ông đã không còn quan trọng nữa.

“Tháp Eiffel giờ là biểu tượng của thủ đô nước Pháp, tượng trưng cho sức lôi cuốn đặc biệt của Paris. Tòa tháp là sự phô trương khả năng kỹ thuật của Pháp, đồng thời là hiện thân của Paris, một thành phố đầy hoài bão, gắn bó với quá khứ song luôn hướng tới tương lai với một tinh thần cởi mở” -  Phó Thị trưởng Paris Jean-François Martins, tuyên bố.

Kể từ khi được khánh thành vào ngày 31/3/1889, tầng 1 của tháp Eiffel đã trải qua 2 lần tu bổ lớn, với lần đầu tiên vào năm 1937 và lần thứ 2 vào năm 1981. Hiện tháp Eiffel thu hút khoảng 7 triệu du khách/năm, trong đó lượng khách tham quan nước ngoài chiếm tới 85%. Năm 2013, tòa tháp thu về 73 triệu euro doanh thu (91 triệu USD).

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link