14/10/2016 05:15 GMT+7 | Ẩm thực
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Đến Sa Pa, ngoài việc thăm quan những danh thắng đẹp, du khách đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản ở đây.
Sa Pa là xứ sở của các loại rau đặc trưng vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su, ngồng tỏi, ngồng cải… Rau trồng tại Sa Pa khi ăn có vị ngon đặc biệt, ngọt mềm, hấp dẫn. Các món rau nổi tiếng nhất ở Sa Pa gồm: Su su luộc chấm muối vừng, ngồng cải xào tỏi, lẩu gà ăn với các loại rau…
Cá hồi
Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang trở thành món ăn được nhiều du khách yêu thích khi đến với Sa Pa. Cá hồi có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như gỏi cá hồi, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad… Tuy nhiên, lẩu cá hồi vẫn là món ăn được lòng du khách nhất.
Những miếng cá hồi săn chắc được nhúng vào nồi nước dùng ninh từ xương cá hồi nên vô cùng đậm đà. Ăn cùng cá hồi là các loại rau như cải mèo, su su…
Cá suối
Cá suối ở Sa Pa có nhiều loại và không hề có vị tanh như nhiều nơi khác. Cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc đem rán giòn là đã có thể khiến vạn người mê.
Lợn cắp nách
Đây là giống lợn của người Mông bản địa nuôi theo kiểu thả rông. Vì có kích thước nhỏ, người mua kẻ bán chỉ cần “cắp nách” là có thể mang đi dễ dàng nên được gọi là lợn cắp nách.
Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì giòn, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo Sa Pa, nhậu xuyên đêm chưa chán.
Các món nướng
Đến Sa Pa không thể bỏ qua các món nướng. Trong cái không khí lành lành, cùng bạn bè ngồi quầy quần bên nhau và thưởng thức những món nướng nóng hổi thì còn gì bằng. Các món nướng ở Sa Pa rất phong phú và đa dạng, dường như món gì cũng đều có thể mang nướng được. Từ trứng gà, trứng vịt, thịt xiên, rau cải quấn thịt, cơm lam, chân cánh gà tới ngô, khoai... Đặc biệt, các món nướng ở đây thường được tẩm ướp bằng các gia vị chỉ có ở vùng cao nên hương vị vô cùng hấp dẫn.
Thắng cố
Thắng cố là đặc sản của người Mông ở Bắc Hà, thường được bán trong các phiên chợ. Thắng cố Sa Pa chế biến chủ yếu từ ngựa, một nồi thắng cố có thịt, tim, gan, lòng, tiết ngựa và 12 thứ gia vị: thảo quả, quế chi, sả, gừng, hồi, lá thơm...
Thắng cố thường ăn kèm với các loại rau nhúng cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu,… Ngoài ra, ăn thắng cố phải uống cùng rượu ngô thì mới đúng vị.
Xôi bảy màu
Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bảy màu của xôi thường là hồng, đỏ tươi, đỏ thắm, xanh cửu long, xanh vàng, xanh lá chuối và vàng. Màu sắc của xôi đều được tạo ra từ nhiều loại lá rừng tự nhiên nên mùi vị rất đặc trưng và tuyệt đối an toàn. Đồng bào ở đây quan niệm rằng, ăn xôi vào những dịp lễ tết sẽ mang lại nhiều may mắn.
Cơm lam
Cơm lam là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, nguyên liệu chính là gạo nếp được nướng trong ống tre. Khi nướng chín, chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy bên ngoài, chừa lại một lớp lạt tre mỏng vừa tay người bóc khi ăn cơm. Cơm có vị đậm, thơm dịu, rất dẻo.
Ở Sa Pa, người ta thường ăn cơm lam với thịt xiên làm từ lợn cắp nách hay gà nướng.
Gà đen Sa Pa (Gà ác)
Là loại gà đặc biệt của người Mông có da, thịt và xương màu đen. Thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn mang lại cho người thưởng thức cảm giác rất thú vị. Món nổi tiếng nhất được chế biến từ gà đen của Sa Pa là gà nướng mật ong. Món gà nướng thơm nức mũi ăn cùng lá bạc hà chấm muối tiêu chanh, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Cuốn sủi
Nếu có dịp đến Sa Pa, Lào Cai, du khách không nên bỏ qua món cuốn sủi – một trong những món ăn đơn giản nhưng lại rất độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được. Cuốn sủi (hay phở khan) không có nước dùng như phở mà chỉ có nước sốt được rưới lên phở trắng. Khi ăn, thực khách chỉ cần đảo đều các loại gia vị với bánh phở, gia giảm thêm chút tương ớt, gia vị và ăn kèm với món rau bạc hà tươi ngon,
Các loại bánh truyền thống
Bánh đao “Páu Cò”: bánh thường được làm vào khoảng tháng 6 – tháng 10 hàng năm. Loại bánh này khi ăn có hương thơm của gạo nếp và đao, vị mát, dẻo không ngấy. Bánh đao bảo quản nơi khô ráo có thể để hàng chục ngày mà không thiu.
Bánh ngô “Páu Pó Cừ”: bánh thường được làm vào tháng 4-5 âm lịch. Với nguyên liệu chủ yếu là ngô non nên khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được mùi ngô thơm lừng.
Bánh dầy “Páu plậu”: Bánh dầy làm từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước lã khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đổ ra giá để róc hết nước rồi cho vào chõ xôi. Xôi chín, cho vào cối giã. Khi giã, thỉnh thoảng lại bôi mỡ vào chầy cho khỏi dính. Khi xôi đã nát nhừ, nặn thành từng viên và có thể ăn ngay.
Xuân Phùng
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất