30/05/2017 11:09 GMT+7 | Điểm đến
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Myanmar càng lúc càng trở thành điểm đến ưa thích của người Việt. Quốc gia Đông Nam Á có tới 90% dân số theo đạo Phật này hấp dẫn du khách từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ đặc trưng của nó. Từ cố đô Yangon tới thành phố cổ Bagan, mảnh đất của những ngôi đền.
Từ Yangon sống “nhanh”
Cố đô của Myanmar cấm xe máy nhưng không vì thế mà nó mất đi không khí náo nhiệt, chộn rộn của thành phố lớn nhất đất nước. So với lần đầu tôi đến 3 năm trước, Myanmar hôm nay hiện đại và sôi động hơn.
Điều tuyệt vời là ngay trong sự nhộn nhịp, tấp nập ấy, ta vẫn cảm thấy một chút gì đó nhẹ nhàng, êm ả của cuộc sống hiện hữu. Taxi đủ các hãng xuất hiên nhan nhản khắp các con phố để đưa đón khách.
Chim bồ câu sà xuống lòng đường bất chấp xe cộ qua lại liên hồi. Chim bồ câu đi trên vỉa hè dành cho khách bộ hành, đậu trên nóc các tòa nhà cao tầng, trong sân chùa hay đậu chi chít trên những đường dây điện.
Sứ giả của hòa bình hiện diện khắp nơi trên mảnh đất từng hằn bao nỗi đau của xung đột sắc tộc. Dù mầm mống của những cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua ấy vẫn chưa hoàn toàn tan biến, Myanmar hôm nay đã trở nên thanh bình và đáng sống hơn nhiều.
Không cần phải cố công quan sát, không cần tìm kiếm xem có dòng chữ nào kiểu như “Welcome to Myanmar” xuất hiện ở đâu không, chỉ cần nhìn những chiếc longyi (váy) được mặc bởi những người đàn ông ở đất nước có 90% dân số theo đạo phật này, người ta cũng cảm thấy nó chẳng khác gì lời chào mừng dành cho du khách viếng thăm. Bạn đang đứng trên đất Myanmar rồi đó bởi chỉ ở đây bạn mới thấy những người đàn ông quấn longyi, miệng bỏm bẻm nhai trầu thế này.
Yangon nhiều cao ốc, lắm taxi, và dĩ nhiên, không thiếu khách bộ hành xuôi ngược nhưng Yangon cũng không quá ồn ào bởi những thanh âm của cuộc sống. Nhưng có lẽ vì Myanmar là đất Phật nên chỉ một chút huyên náo, một chút sôi động thôi cũng khiến người ta cảm thấy nhịp sống ở đây hối hả rồi.
Đặt chân lên đất Phật thì phải đi lễ Phật nên cũng như bao người khác, chúng tôi có mặt ở chùa vàng Shwedagon. Ngôi chùa 2500 tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Yangon mang trong lòng nó bao nhiều sự tích.
Theo quy định khi vào đền chùa ở Myanmar, mọi người đều phải bỏ giày dép ra và chỉ được đi chân trần vào trong. Nhưng dù trời nắng như đổ lửa, mặt sân chùa bỏng rát, rất đông du khách vẫn háo hức đi vòng quanh chùa Shwedagon để hành lễ và khám phá.
Nhân nói đến chuyện nắng nóng, phụ nữ Myanmar (đàn ông cũng bôi Thanaka nhưng không nhiều) có một cách chống nắng độc đáo là bôi bột trắng Thanaka lên mặt. Đó là loại bột được nghiền từ vỏ cây rồi bôi lên mặt, có tác dụng bảo vệ da chống lại tia cực tím.
Nhưng điều tôi thắc mắc là không hiểu sao họ chủ yếu chỉ bôi lên hai bên má mà thường cũng không bôi kín hết cả má (số ít hơn bôi lên tay và trán). Nếu thế thì làm sao chống nắng hiệu quả được vì vẫn còn nhiều vùng da hở họ không bôi?
Trở lại với Shwedagon, chùa có một tháp chính và vô số tháp nhỏ xung quanh. Tất cả các tháp đều được dát vàng và là vàng thật luôn. Trên đỉnh tháp chính còn nạm cả kim cương, hồng ngọc. Toàn thứ quý giá, đắt tiền nhưng bao ngày tháng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, tuyệt đối không xảy ra nạn trộm cắp.
Tôi hỏi ở chùa người ta có biện pháp an ninh gì để bảo vệ những tòa tháp dát vàng không thì anh bạn người Myanmar hiếm hoi nói được tiếng Anh mà tôi may mắn gặp ở Shwedagon bảo ở đây không có bảo vệ gì ghê gớm.
Trong số vàng dát trong quần thể các tháp ở Shwedagon thì có khoảng 1/3 là do chính người dân tự nguyện đóng góp dù thu nhập bình quân đầu người của Myanmar chỉ cỡ 100$/người/tháng.
Thường cứ chiều chiều là dân Myanmar đến Shwedagon cầu nguyện rất đông. Già trẻ, gái trai đủ cả. Những chỉ dấu cho thấy đức tin của họ mãnh liệt cỡ nào. Ngoài tháp chính cao cỡ 100m và vô số các tòa tháp nhỏ tất cả đều được dát vàng thì điều làm tôi chú ý là trong chùa có rất nhiều góc cầu nguyện. Người ta không chỉ cầu nguyện trong các gian điện mà bên ngoài còn có nhiều góc cầu nguyện khác nhau.
Theo phật lịch của Myanmar thì một tuần có 8 ngày trong đó riêng thứ 4 chia làm 2 ngày là Wednesday Morning và Wednesday Afternoon. Mỗi ngày ứng với một vị thần may mắn và có một linh vật biểu tượng.
Chủ Nhật là chim cánh vàng, một loại chim thần trong Ấn Độ giáo. Thứ 2 là con hổ. Thứ 3 là con sư tử. Nửa ngày đầu của thứ 4 là con voi có ngà, nửa ngày còn lại của thứ 4 là voi không ngà. Thứ 5 là con chuột. Thứ 6 là con lợn và thứ 7 là con rồng.
Mỗi góc cầu nguyện người ta đề là “Sunday corner”, “Monday corner”, “Tuesday corner”...Góc nào cũng có buddha (tượng phật) bên trên và linh vật biểu tượng tương ứng với ngày trong tuần bên dưới.
Ai sinh vào ngày nào thì đến góc cầu nguyện dành cho ngày đó, lấy cốc hứng nước từ vòi rồi đổ lên đầu buddha hoặc linh vật biểu tượng. Bạn bao nhiêu tuổi thì đổ bấy nhiều cốc nước lên buddha. Khi làm thế, người Myanmar nguyện cầu may mắn và bình an cho họ.
Đến Bagan sống “chậm”
Ai đến thành phố của những ngôi đền cũng dậy thật sớm, đi thật nhanh đến chùa Shwesandaw để đón bình minh rồi lại chầu chực ở đây để đợi hoàng hôn buông xuống.
Tây ta chen chúc chật ních trên tầng 3 của ngồi chùa có view đẹp nổi tiếng với đủ loại máy ảnh to nhỏ, đủ loại ống ngắn, ống dài hay có khi chỉ là chiếc smart phone, mặt đầy háo hức và chăm chú, chĩa máy về hướng mặt trời rồi kiên nhẫn chờ đợi.
Rồi những tiếng “wow” thốt lên đầy phấn khích, ngạc nhiên khi chộp được khoảnh khắc đẹp của tự nhiên. Các vị khách của tôi cũng không là ngoại lệ. Nam nữ, già trẻ gì đều trong trạng thái “sẵn sàng”, tập trung cao độ sau khi đã “cắm trại” ở Shwesandaw từ rất sớm.
Tôi thì muốn tìm lại một Bagan của riêng mình nhiều hơn. Thế nên sau khi hoàn tất các công đoạn dẫn khách đi một số điểm thăm quan thuộc dạng “must-see” mà họ được quảng cáo, đưa khách ra sân bay, làm các thủ tục cần thiết, tôi nhờ cô bạn người Việt về cùng chuyến chăm sóc họ trong chuyến bay trở lại Hà Nội còn tôi ở lại, chậm rãi đi tìm một Bagan của riêng mình.
Thành phố của phật nên nhìn đâu cũng thấy đền thờ phật. Các ngôi đền xây bằng gạch nung, đỉnh đền là tháp hình chóp hoặc chóp cụt. Hai bên là nhiều tháp nhỏ hơn, đối xứng nhau.
Các ngôi đền nhìn na ná nhau nhưng người ta không bao giờ thấy chán bởi đến Bagan không phải là để nhìn ngắm các công trình kiến trúc mà để hồn mình lắng đọng, đắm chìm trong cái không gian tịch mịch, tĩnh lặng đến vô cùng, để cảm nhận thật rõ ràng sự thư thái, bình yên nơi cõi phật.
Không một tiếng động. Tất cả chìm vào thinh không. Chỉ có ta với ta trong một thế giới an nhiên nơi sự thanh bình ngự trị. Nơi tất cả những sô bồ, ồn ào của cuộc sống bị giam hãm ở ngoài kia.
Thật khó có ngôn từ nào diễn tả đầy đủ được cái cảm giác nhẹ nhàng, thư thái ấy khi bạn để cảm xúc dẫn dắt vào thế giới hư không huyền hoặc.
Những ngôi đền trải qua bao mưa nắng thời gian vẫn đứng đó, trơ gan cùng tuế nguyệt. Như những chứng nhân của một thời kỳ lịch sử. Bao buổi bình minh đã lên. Bao lần hoàng hôn đã xuống.
Ngày lại ngày, muôn triệu tia nắng chiếu rọi thứ ánh sáng rực rỡ của nó lên những đền đài phật giáo như nhắc nhớ cho tất cả về một thời kỳ lịch sử không bao giờ phai nhạt rồi những tia nắng ấy lại dần chìm khuất, để lại những ngôi đền đứng đó, cô quạnh trong ánh chiều tà.
Cuộc sống vốn vô thường nhưng thời gian đã dừng lại ở Bagan khi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy cho mình một cõi riêng. Không tạp niệm, chẳng sân si. Chỉ có sự nhẹ nhõm xâm chiếm tâm hồn khi ta như lạc vào chốn vĩnh hằng nào đó. Thời gian chảy trôi như mây gió.
Nhiều đền đài, thành quách nguy nga của một thời quá vãng đã trở nên điêu tàn khi mưa nắng làm đổ vỡ không ít và phủ những lớp rêu xanh lên những bức tường gạch đỏ. Nhưng cảm giác thanh bình thì nghìn năm vẫn thế. Không hiện đại, chẳng ồn ào.
Đến Bagan là để thư thả đi tìm những gì xưa cũ. Để thẩm thấu những bình dị, êm đềm của một cuộc sống trôi đi chầm chậm trên mảnh đất chưa từng biết đến vòng quay hối hả của thời gian.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất