31/10/2013 07:28 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) luôn bảo vệ quan điểm cần phải do thám các đồng minh châu Âu. Nhưng những tài liệu mật rò rỉ cho thấy chính những hoạt động qua mặt chính phủ Mỹ của NSA đang khiến cơ quan này trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia.
Washington những ngày qua trở nên nóng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh những tài liệu mật do cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tung ra đã hé lộ chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở châu Âu.
Giám sát cả đồng minh
Ban đầu các tài liệu cho biết NSA theo dõi 71 triệu cuộc điện thoại của người dân Pháp. Sau đó, nó cho thấy NSA còn tìm cách giám sát cả điện thoại riêng của Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Thông tin này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao của Mỹ.
Tướng Keith Alexander nói rằng NSA không có nghĩa vụ phải thông báo cho Chính phủ mọi hoạt động của tổ chức |
Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh gần như đóng băng trong thời gian qua. Pháp, Italy, Mexico chỉ trích mạnh mẽ chương trình do thám của Mỹ với đồng minh, trong khi Brazil và Đức công khai ý định xây dựng một hệ thống internet toàn cầu riêng mà không có nước Mỹ.
Nếu Nhà Trắng không sớm có những động thái kiềm chế chương trình do thám của NSA, tình trạng căng thẳng do hoạt động của nó gây ra hoàn toàn có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. "Do thám các nhà lãnh đạo đồng minh là một chính sách gây tổn hại đến chủ nghĩa chống khủng bố trên toàn cầu" - tác giả Eugene Robinson nhận định trên tờ Washington Post.
Nhà Trắng muốn hạn chế vai trò NSA
Chính thức thành lập từ năm 1952 nhưng hoạt động tình báo của NSA chỉ thực sự được chú ý kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001. Khi đó NSA thường xuyên không cung cấp chi tiết những hoạt động của tổ chức, do không được Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Geogre W. Bush chú ý. |
Thực tế ngay cả những tờ báo hàng đầu châu Âu tiết lộ tài liệu mật của Snowden cũng không hề biết rằng Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo hàng đầu nước Mỹ không được thông báo về chương trình do thám mà NSA đã tiến hành trong hàng chục năm qua.
Thông điệp của Nhà Trắng trong cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào ngày 29/10 khá rõ ràng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid nhanh chóng đi đến thống nhất về một dự luật kiểm soát và hạn chế quyền hạn của NSA trong việc duy trì an ninh quốc gia. Tuy nhiên nó sẽ chỉ được thông qua sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Smith đến từ California và Jan Schakowski đến từ bang Illinois tuyên bố trong buổi điều trần rằng NSA không hề thông báo cho các nghị sĩ trong Quốc hội về việc do thám các nhà lãnh đạo châu Âu. Đa số các nghị sĩ lo ngại rằng việc NSA không hề báo cáo những hành động như vậy thể hiện sự coi thường luật pháp nước Mỹ.
Các nhà phân tích nhận định rằng nếu như Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật kiểm soát và hạn chế hoạt động của NSA thì đây là điều chưa từng xảy ra kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Khi đó NSA sẽ không có quyền tùy tiện do thám các đồng minh của nước Mỹ và việc này phải được sự cho phép từ Chính phủ.
Trụ sở của NSA đặt tại Maryland
Đứng trên Chính phủ Mỹ
Giám đốc NSA đã lập tức chống lại khả năng Quốc hội Mỹ hạn chế hoạt động của cơ quan này. Tướng Keith Alexander thẳng thừng tuyên bố tại buổi điều trần ở Ủy ban Hạ viện Mỹ rằng NSA thà chịu sự chỉ trích của dư luận còn hơn việc phải hạn chế chương trình do thám đã tiến hành hàng chục năm qua, để đảm bảo mục tiêu duy trì an ninh quốc gia.
Ông Alexander biện minh cho hành động thu thập thông tin và số điện thoại của công dân cùng các nhà lãnh đạo nước ngoài là công việc bắt buộc mà NSA phải làm. Ông nói rằng thực tế NSA chỉ theo dõi rất ít trong số những dư liệu thu thập được và đã giảm số lượng thông tin tìm kiếm cá nhân xuống 300 lần trong những năm qua.
Được hỏi về việc Tổng thống Mỹ và những nhà lãnh đạo cao cấp trong chính phủ không hề biết về hoạt động do thám của NSA ở châu Âu, Tướng Alexander cho rằng nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo là việc của Cơ quan An ninh Quốc gia và NSA không có nghĩa vụ phải thông báo cho Chính phủ mọi hoạt động của tổ chức.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC thời gian qua, ông Obama thừa nhận NSA đang ngày càng được mở rộng và phát triển đến mức mà Chính phủ Mỹ cũng không thể kiểm soát các hoạt động tình báo trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh những tài liệu mật rò rỉ về hoạt động do thám của NSA có thể sẽ tiếp tục được tung ra trong thời gian tới, đã đến lúc Chính phủ Mỹ cần phải kiểm soát hoạt động của NSA vốn đã được xem nhẹ trong hàng chục năm qua. Đây cũng là yếu tố sống còn trong việc duy trì an ninh nước Mỹ trước những nguy cơ khủng bố toàn cầu.
Hồng Đăng (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất