Đội tuyển Đức: Chuyện của những người Thổ

08/10/2010 18:58 GMT+7 | Đức

(TT&VH cuối tuần) - Ở Real Madrid, Mesut Oezil vừa có bàn thắng đầu tiên cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, một cú đảo người rất dẻo làm hai hậu vệ của Deportivo lỡ trớn trước khi tung ra cú dứt điểm bằng chân trái hiểm hóc. Bàn thắng ấy là sự động viên tinh thần rất lớn dành cho Oezil trước cuộc chiến đầy cam go vào cuối tuần này, khi sẽ phải chống lại đội bóng cố hương của mình ở vòng loại EURO 2012.

Khi Đức đón tiếp Thổ Nhĩ Kỳ tại sân Olympic ở thủ đô Berlin, đó là một trận đấu hết đặc biệt của Mesut Oezil. Tiền vệ sẽ bước sang tuổi 22 vào ngày 15/10 tới là một người gốc Thổ, sinh ra và lớn lên ở Đức. Anh thuộc thế hệ thứ ba của cộng đồng người Thổ đông đảo đang sinh sống trên khắp đất nước Đức. Ông bà của anh, những người Thổ tiên phong kéo sang Đức lập nghiệp, có quê hương bản xứ ở vùng Zonguldak thuộc miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi bị Chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá khốc liệt với hàng triệu người tử nạn, nước Đức thiếu hụt lực lượng lao động một cách trầm trọng trong công cuộc tái thiết. Khi đó, họ đã mở cửa để đón làn sóng những người di cư từ nước ngoài, mà phần đông là những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.


Mesut Oezil, một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được nước Đức vinh danh - Ảnh Getty
Sau khi đã góp công, chung sức xây dựng nên đất nước Đức thịnh vượng chỉ trong một thời gian ngắn, những người Thổ quyết định ở lại miền đất mới. Họ hình thành nên một cộng đồng lớn, phân bổ khắp nước Đức nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Tây, nơi có các khu mỏ chằng chịt và là trái tim của ngành công nghiệp nặng, cũng như thủ đô Berlin. Thống kê hiện tại cho thấy, nước Đức có khoảng 8 triệu người nhập cư, chiếm chừng 10% dân số. Riêng người Thổ đã chiếm đến 2,36 triệu người, gồm 1,66 triệu người Thổ gốc và 0,7 triệu người Thổ thuộc thế hệ con cái, cháu chắt sinh ra trên đất Đức. Người Thổ ở Đức sống thành những khu riêng biệt và không thực sự hòa nhập với người bản địa. Họ rất lười học tiếng Đức, chỉ đi làm hay buôn bán ở những khu chợ Thổ, ăn đồ ăn Thổ, con cái học trường Thổ và khi cần, họ nhờ đến luật sư hay bác sĩ người Thổ.

Cộng đồng người Thổ ở Đức từng sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi, một phần trở về khoác áo đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, phần khác cống hiến cho đội tuyển quốc gia Đức. Theo thống kê của Liên đoàn bóng đá Đức, hiện có khoảng 200.000 cầu thủ Thổ ở mọi lứa tuổi đang chơi bóng ở Đức đủ điều kiện trở về khoác áo đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là con đường mà anh em nhà Hamit và Halil Altintop hay Nuri Sahin đã lựa chọn. Năm 2005, khi Sahin lần lượt trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân và cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở Bundesliga, Liên đoàn bóng đá Đức đã thuyết phục anh thi đấu cho đội tuyển Đức nhưng cuối cùng, tài năng trẻ này đã quyết định chọn màu áo Thổ Nhĩ Kỳ. Thú vị hơn, Sahin còn trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân và ghi được bàn thắng cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, trong trận giao hữu mà đội chủ nhà đã thắng Đức 2-1 ở Istanbul vào cuối năm 2005.

Nhưng không phải ai cũng lựa chọn con đường mà Sahin đang đi. Mehmet Scholl trước đây, rồi bây giờ là Serdar Tasci và Mesut Oezil quyết định tìm cơ hội tỏa sáng trong màu áo đội tuyển Đức. Nếu như trung vệ Tasci của Stuttgart vẫn còn ít tiếng tăm, thì tiền vệ Oezil của Bremen và Real Madrid đã nổi như cồn tại World Cup 2010. Anh được ca ngợi như một “Diego mới” - so sánh với ngôi sao người Brazil từng khoác áo Bremen, Juventus và nay đá cho Wolfsburg, hay “Messi của Đức” - vì khả năng xử lý bóng điệu nghệ chẳng kém tiền đạo người Argentina đang khoác áo Barcelona. Oezil đã trở thành “nhạc trưởng” dẫn dắt lối chơi của đội tuyển Đức tại World Cup 2010, đóng góp đáng kể vào thành công của “Mannschaft” và cá nhân anh có tên trong cuộc bầu chọn “Quả bóng vàng” - tức danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mà sau đó Diego Forlan đã là người chiến thắng.

Tỏa sáng trong màu áo Bremen, rồi thăng hoa trong màu áo đội tuyển Đức, con đường tương lai rộng mở với Oezil khi Real Madrid trải thảm đỏ đón anh về Santiago Bernabeu. Không bị choáng ngợp ở một môi trường hoàn toàn mới và rất khắc nghiệt, Oezil đã hòa nhập nhanh chóng và giờ đang có chỗ đứng tương đối vững chắc trong đội hình chiến thuật của huấn luyện viên Jose Mourinho. Oezil là trường hợp tiêu biểu của những tài năng bóng đá gốc Thổ nhưng lại đi phục vụ các đội tuyển quốc gia khác. Để tránh bị thiệt thòi, hàng năm Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đã chi ra khoảng nửa triệu euro để cử khoảng 25 chuyên gia săn lùng tài năng trẻ đi khắp châu Âu nhằm tìm kiếm các tài năng mới nổi có gốc gác Thổ, qua đó thuyết phục họ hướng về màu áo đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.

Vào thời điểm hiện tại, có đến 24 tuyển thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ sinh ra trên đất Đức. Ở chiều ngược lại, các đội tuyển ở những lứa tuổi khác nhau của bóng đá Đức cũng đang thu nạp đến 18 cầu thủ gốc Thổ. Và đặc biệt, khi Thổ Nhĩ Kỳ làm khách của Đức ở vòng loại EURO 2010 cuối tuần này, họ sẽ không bị lạc lõng trên sân vận động Olympic ở thủ đô Berlin, bởi dự kiến sẽ có khoảng 30.000 trên tổng số 74.244 chỗ ngồi trên sân bóng từng tổ chức trận chung kết World Cup 2006 này thuộc về giới cổ động viên Thổ. Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ dự khán trận đấu này, khiến công tác an ninh được tăng cường đáng kể. Cộng đồng người Thổ ở Đức vốn không mấy thân thiện, thậm chí là hung dữ, và luôn đoàn kết để sẵn sàng “choảng” nhau với người Đức khi xảy ra mâu thuẫn.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ làm khách ở Đức thì cũng chẳng khác mấy so với việc họ đá trên sân nhà.

Cầu thủ Thổ ở Đức

ĐTQG: Serdar Tasci (Stuttgart), Mesut Oezil (Real Madrid)

U21: Taner Yalcin (Cologne), Mehmet Ekici, Ilkay Guendogan (Nuremberg).

U20: Cenk Tosun (E.Frankfurt)

U19: Tolga Cigeri (Wolfsburg), Yunus Malli (Gladbach)

U17: Koray Kacinoglu (Duisburg), Levent Aycicek (Bremen), Emre Can (Bayern), Timo Cecen, Robin Yalcin (Stuttgart), Okan Aydin, Samed Yasil (Leverkusen), Kadir Goekyer, Kaan Aylan (Schalke)

U15: Cihan Yildiz (Schalke)


Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link