EURO 2012: Sự thách thức dành cho đội tuyển Đức

03/06/2012 06:49 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH Cuối tuần)- Bayern thua. Rồi đội tuyển Đức cũng thua. Không phải là không có một vài lý do để bào chữa, nhưng phải chấp nhận và dũng cảm nhìn vào sự thật. Một chút bất ngờ khi thua tuyển Pháp, và bây giờ là thực sự âu lo sau trận thua Thụy Sĩ. Đối với tuyển Đức, ngọn lửa thử vàng đang bốc cháy: Bản lĩnh Đức sẽ được tìm lại như thế nào?

Cỗ xe tăng

Bóng đá Đức thực sự trở thành một hiện tượng vào năm 1954, với ngôi vô địch thế giới lần đầu tiên, sau khi đánh bại đội bóng mạnh nhất ngày đó là Hungary, chính là đội đã hạ Đức với tỷ số 3-8 ở vòng ngoài. Thắng lợi này đã vượt qua khuôn khổ bóng đá, trở thành một câu chuyện lịch sử trong cả xã hội Đức. “Chuyện thần kỳ ở Bern” vào phim ảnh, lời thuyết minh bóng đá khi Helmut Rahn ghi bàn quyết định 3-2 trong trận chung kết vẫn thường được phát và nghe lại, như một sự cỗ vũ, như một lời ghi nhớ.

Người Đức tự hào về đội bóng của mình, với những cầu thủ đã thể hiện được sự nỗ lực của cả dân tộc đang vất vả đứng dậy xây dựng lại cuộc sống sau những mất mát chiến tranh, tiếp tục tìm lại những dấu ấn đẹp đẽ hình thành trong lịch sử, qua những cuộc cách mạng công nghiệp, những công trình khoa học, văn hóa nổi tiếng. Hình như, cũng từ ngày ấy, đội tuyển Đức được ví như một cỗ xe tăng.

Bóng đá Đức được đặc trưng bởi tinh thần thi đấu không biết mệt mỏi, luôn biết cách vươn tới thắng lợi ngay cả khi đối thủ mạnh hơn rất nhiều, bằng một ý chí, bằng một quyết tâm mà bất cứ đối thủ nào cũng kiêng nể. Cũng phải ghi nhớ rằng, ngay trong thời gian dài rất thành công ấy, ngoài ý chí, bóng đá Đức không thiếu tài năng, mà đội hình vô địch châu Âu năm 1972 vẫn được xem là mẫu mực, với cái trục hoàn hảo gồm Maier - Beckenbeuer - Netzer - Mueller. Đấy là sự kết hợp đẹp đẽ giữa lối chơi và ý chí.



Thử thách lớn đang chờ Joachim Loew và đội tuyển Đức ở EURO 2012- Ảnh Getty

Giai đoạn thoái trào

Từ năm 1998, sau thất bại trước Croatia ở Pháp, dường như bóng đá Đức đi vào giai đoạn thoái trào mà ngay cả ngôi á quân bất ngờ và may mắn tại World Cup 2002 cũng không che đậy hay cứu vãn nổi. Vẫn còn đó những tài năng đầy ý chí đã trở thành truyền thống như Kahn, Effenberg, Ballack. Nhưng Bundesliga đi xuống, đội tuyển cũng chẳng thành công. Người ta bỗng nhận ra một điều: Bóng đá Đức không phát triển về lối chơi, thiếu niềm say mê. Bóng đá nhiều khi chỉ còn là làm việc miệt mài, là chiến đấu ngoan cường. Vẫn còn đó, những chiến sĩ, nhưng lại thiếu đi chất nghệ sĩ. Kỹ thuật và chiến thuật bóng đá không đủ để đem lại thắng lợi, không đủ để hấp dẫn và thuyết phục khán giả.

Trong khi lối chơi của Đức đã trở thành nặng nhọc, thì các đội tuyển khác lại rất trưởng thành về mặt ý chí, quyết tâm. Brazil chơi phòng thủ không còn trễ nải như nhiều năm trước. Hà Lan không chỉ là một cơn bão bất tận màu da cam thổi miên man một cách phóng khoáng. Thời còn ở Bayern, Mark Van Bommel được khen là mang tính cách Đức rõ ràng hơn bất cứ một cầu thủ Đức nào khác, và sắp tới, một De Jong sắt thép mà cả thế giới e ngại sẽ lại ra sân. Barcelona và Tây Ban Nha lại có lối chơi hoàn mỹ đến mức vừa hay đẹp lại vừa thắng lợi. Đấy là lúc Đức phải suy nghĩ lại về lối chơi của mình.

Làn gió đổi thay

Cũng trong thời gian này, thế giới đã thay đổi diện mạo và cấu trúc. Công nghệ thông tin uy lực, cởi mở và thanh thoát đã dần dần thay thế nền công nghiệp cũ vốn uy nghiêm, nhưng nặng nề. Một cộng đồng châu Âu ra đời và phát triển, với những biên giới mở và cả với đồng tiền chung. Tại World Cup 2006, thế giới bỗng nhận ra một nước Đức khác với những điều người ta vẫn hình dung. Đấy là một nước Đức không chỉ có kỷ luật mà còn hết sức cởi mở. Đấy là một nước Đức không chỉ lo nghĩ đến thành công, mà còn vô cùng thân thiện. Đấy là những người Đức biết quên đi thất bại 0-2 trước Italia ở trận bán kết để vui đến cùng trong sự thắng lợi chung của toàn giải.

Bóng đá Đức đã có vị trí xứng đáng trong những hình ảnh mang tính đổi thay ấy, với Juergen Klinsmann và Joachim Loew, bằng lối chơi phóng khoáng hơn, kỹ thuật hơn, lối đá tấn công rõ nét hơn, với lứa cầu thủ trẻ trung hơn, với ý thức hướng tới khán giả mạnh mẽ hơn. Đức liên tục giành thắng lợi tại các giải trẻ châu Âu, từ U-17 cho tới U-23. Rồi năm 2010, tại Nam Phi, đã có một cuộc thoát xác. Vị trí thứ ba được xem là một thắng lợi lớn của đội Đức trẻ trung, với lối chơi lôi cuốn, thuyết phục. Đội trưởng Philipp Lahm chính thức đề nghị: “Xin đừng gọi chúng tôi là những cỗ xe tăng nữa”. Suy cho cùng, thì xe tăng khó có thể là hình ảnh đặc trưng của thế giới hôm nay.

Đội tuyển này tiếp tục toàn thắng 10 trận vòng loại EURO 2012, để Loew có thể vui mừng nói rằng: “Lối đá của chúng tôi đã tiến bộ lớn về độ ổn định. Đức đủ sức đá và giành thắng lợi ngay cả trước những đội mạnh nhất”. Đội tuyển Đức từ năm 2010 có một đặc trưng mới: Đội tuyển “đa văn hóa” điển hình của nước Đức hiện nay (Multi- Kulti). Có rất nhiều người nhập cư đang sống trên đất Đức, và vấn đề hòa nhập của cộng đồng này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả nước Đức. Thị trưởng Berlin từng phát biểu: “Tương lai của Berlin phụ thuộc vào việc những trẻ em có nguồn gốc nhập cư được hưởng một nền giáo dục ra sao”.

Trong khuôn khổ chung của quá trình hòa nhập và giáo dục như vậy, bóng đá cũng vẫn thể hiện đúng vai tròng của mình. Đội tuyển Đức có Gomez (Tây Ban Nha), Cacau (Brazil), Khedira (Tunisia), Klose và Lukas Podolski (Ba Lan), Oezil (Thổ Nhĩ Kỳ), Boeteng (Ghana). Mỗi cầu thủ lại là một tài năng, một tính cách riêng. Mourinho cho rằng Oezil là một kiểu số 10 hay nhất thế giới hiện nay, còn Sammer hy vọng Khedira, cùng với Schweinsteiger, là một tính cách Đức điển hình. Xây dựng đội tuyển trong hoàn cảnh mới cũng là một thử thách.

Những thử thách

Có hai người luôn tỏ ra lo âu cho đội tuyển Đức: Sammer và Kahn. Trong lối đá và thành phần hiện nay, Sammer và Kahn thấy vắng thiếu những tính cách thủ lĩnh, mà “trong những thời điểm khốn khó, biết nhận lấy trách nhiệm về mình, biết cách xông lên, không nao núng, và từ đó dẫn đồng đội vượt qua thử thách”. Sammer và Kahn vẫn muốn rằng, ngay cả trong cấu trúc mạng cũng vẫn cần có một vài cầu thủ đứng trên đỉnh tháp. Chứ không phải mạng hoàn toàn phá hủy tháp. Đội tuyển Đức không có những tính cách như Lothar Matthaeus, Effenberg, Kahn, Ballack là một sự thiếu hụt. Nỗi lo âu này lúc đầu ít được chú ý, nhưng gần đây lại được thổi bùng lên, khi Bayern và đội tuyển Đức liên tục thất bại.

Trong trận chung kết Champions League 2012, Bayern không thể hiện được bản lĩnh vững vàng đã trở thành truyền thống của bóng đá Đức, của chính Bayern. Và ai cũng thừa nhận rằng, ngay cả khi vắng thiếu những cầu thủ Bayern hay biện hộ rằng đây chỉ là trận đấu tập, đội tuyển Đức lại thể hiện một bộ mặt nhợt nhạt đến như thế trước Thụy Sĩ, nhất là lối chơi phòng thủ chẳng còn gì là tường đồng vách sắt, với 5 bàn thua đầy những lỗi lầm không chỉ ở kỹ thuật hay chiến thuật, mà còn ở sự quyết tâm. Vai trò đội trưởng của Klose (sau đó là Mertesacker) dường như cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Xử lý vấn đề này như thế nào? Ai cũng hiểu rằng, nhân tố quyết định cuối cùng trong bóng đá chính là thắng lợi. Loew, Klopp... là những người đi tìm thắng lợi bằng một con đường khác, và tới cuối năm 2011 thì Loew đã có nhiều thành công với đội tuyển, Klopp đặc biệt thắng lợi với Dortmund. Nhưng như thế là chưa đủ. Để đến bậc thang cuối cùng, bóng đá Đức phải kiện toàn thêm lối chơi và tăng cường thêm yếu tố bản lĩnh thi đấu. Sammer so sánh đội Đức 2012 với đội vô địch châu Âu năm 1996: “Chúng tôi ngày ấy không có khả năng chơi một thứ bóng đá đẹp, nhưng yếu tố bản lĩnh mang tính con người. Với một ý chí tuyệt đối hướng đến chiến thắng đã đem lại cho chúng tôi danh hiệu vô địch”.

Bây giờ thì tất cả đều hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này, vốn chưa từng bị bỏ qua nhưng có lẽ chưa chú trọng đúng mức chăng? Bên cạnh những ưu thế đã đạt được về lối đá, Đức cần củng cố thêm sức mạnh của tinh thần và ý chí. Berti Vogts tin rằng, Schweinsteiger và Khedira sẽ chín muồi thành một thủ lĩnh đích thực. Sammer bổ sung thêm, cả đội phải nhận thức rằng, tuyển Đức cần những thủ lĩnh kiểu như thế, để từ đó, sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ những tình huống mới. Bên cạnh một cái nút trung tâm trong mạng là Lahm vốn đã làm tốt vai trò, sẽ cần thêm một Schweinsteiger ngay ngắn trên đỉnh tháp. Bên cạnh một người điềm tĩnh trong sự kết nối, bóng đá Đức cần thêm một người luôn sẵn sàng xả thân ở vị trí tiên phong.

EURO 2012 có vị trí hết sức quan trọng với đường lối chung trong phát triển bóng đá tương lai ở Đức. Cái thử thách mà đội tuyển Đức đương đầu quả là rất lớn. Chúng ta chờ đợi cách mà họ sẽ vượt qua trên sân cỏ, nơi duy nhất chứng minh cho chân lý bóng đá. Còn trong lòng, xin mong cho đội tuyển Đức thành công.

Vũ Chí Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link