20/06/2012 16:37 GMT+7
(TT&VH)- Đội tuyển Đức toàn thắng cả ba trận vòng bảng không phải với lối chơi tấn công vũ bão, mà đơn giản là bằng một phong cách hạn chế tối đa sai lầm, trước khi khai thác bài bản những sai lầm của đối thủ, một phong cách có phần tương đồng với lối chơi thực dụng của đội tuyển Hy Lạp, đối thủ của Đức ở tứ kết.
9 điểm sau 3 trận, một thành tích tuyệt đối. Không thể mong chờ một kết quả tốt hơn thế ở bảng tử thần, dù chúng ta không được chứng kiến thường xuyên một đội tuyển Đức với phong cách tận hiến. Các cầu thủ của HLV Joachim Loew đã chơi khá an toàn và thận trọng, nhưng họ duy trì được tinh thần thi đấu nhất quán trong những ngày qua và trưởng thành lên từng ngày. Một đội tuyển Đức kiểm soát rất tốt bản thân, và kiểm soát được thế trận bằng lý trí và khả năng tổ chức.
Ông Loew đang áp dụng một lối chơi ưu tiên sự hiệu quả cho đội tuyển Đức- Ảnh Getty
Trong cả ba trận đã qua, đội bóng của ông Loew đều kiểm soát được trận đấu, dù không phải theo cách tuyệt đối. Trước BĐN, Đức kiểm soát được trận đấu trong chừng 75 phút đồng hồ, và gần như phong tỏa được mọi ngòi nổ, cũng như dập tắt được sự hưng phấn của các cầu thủ BĐN. Trận gặp Hà Lan, Đức không kiểm soát hoàn toàn thời lượng bóng lăn và thậm chí là cả thế trận, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo nhất định ở phía sau. Trận gặp Đan Mạch, Đức chơi rất an toàn và thậm chí là khá thực dụng, rồi kết liễu đối phương bằng những pha bóng rất đơn giản. Đội tuyển Đức dưới sự dẫn dắt của ông Loew đang thể hiện mình là một tập thể khá hiệu quả, và kiểm soát tốt trạng thái tâm lý. Họ không chơi ồ ạt như phong cách thường thấy, mà luôn biết cẩn trọng ngoảnh lại phía sau, và tiêu diệt đối thủ bằng cách khai thác những khoảnh khắc mang tính chi tiết của trận đấu.
Không một đối thủ nào khiến Đức phải chơi theo phong cách trình diễn thường thấy trên chặng đường đã qua, và ông Loew cũng nhận thức rất rõ rằng đội tuyển Đức sẽ phải đối mặt với những gì: “Mọi đối thủ đều chơi với đội hình rất thấp khi đụng độ chúng tôi”. Và những gì ông áp dụng cho đội tuyển Đức ở vòng bảng cũng hướng đến sự hợp lý và hiệu quả, hơn là trình diễn lối chơi tấn công đã giúp họ nhận được rất nhiều lời khen trong nửa thập kỷ tiến hành cuộc cách mạng tấn công.
Khi ông Loew làm gì cũng đúng
Những gì mà đội tuyển Đức thể hiện trên chặng đường đã qua mang dấu ấn rất rõ nét của HLV Loew, người mà gần như mọi quyết định ông đưa ra từ đầu giải đến giờ đều rất chính xác và hợp lý. Trước khi EURO khởi tranh, ông đã phải chịu khá nhiều áp lực khi quyết định tin tưởng Mario Gomez, thay vì Miroslav Klose, và quyết định ấy được tưởng thưởng bằng ba bàn thắng của Gomez.
Ông Loew cũng đã quyết định gạt Per Metersacker khỏi danh sách chính thức, vì sự thiếu thực tiễn thi đấu, và người thay thế Mats Hummels đã không phụ sự tin tưởng của ông. Khi Jerome Boateng bị treo giò, ông Loew sử dụng Lars Bender ở vị trí hậu vệ cánh phải, vai trò mà anh chưa từng được thử nghiệm ở Bundesliga. Kết quả? Bender chính là người ấn định tỉ số trước Đan Mạch. Với vị trí tiền vệ công, thì hai cầu thủ rất triển vọng của bóng đá Đức là Goetze và Reus đều chưa có lấy một phút được ra sân, bất chấp việc họ vừa trải qua một mùa giải rất thành công ở CLB.
Tất cả những gì mà ông Loew áp dụng cho tuyển Đức từ đầu giải đến giờ đều là những quyết định khá mạo hiểm, nhưng đều thu được thành quả rất đáng ghi nhận, thậm chí là những thành quả thần kỳ. Đó là xương sống cho thành công của tuyển Đức cho đến thời điểm này, với một con đường không còn quá chú trọng phong cách, mà ưu tiên cho sự hợp lý và hiệu quả. Trước khi chiến thắng, họ đang học cách không mắc sai lầm trước.
Đó là phương pháp đang giúp họ tiến những bước vững chắc trên con đường giải cơn khát danh hiệu sau 16 năm.
Phạm An
Có 5 vấn đề mà đội tuyển Đức cần cải thiện, trước khi bước vào các loạt trận knock-out: 1) Màn trình diễn của họ không còn thỏa mãn về mặt thị giác như trước, một phần vì họ chủ động làm điều đó, một phần thì họ thiếu không gian trình diễn. Tại World Cup 2010, các đội tuyển khác để lộ nhiều khoảng trống hơn cho Đức khai thác, nhất là trong các pha phản công. Bây giờ, ai cũng rõ sự nguy hiểm ở mặt trận tấn công của Đức, và thường tiếp cận trận đấu rất thận trọng. 2) Không phải tất cả các cầu thủ đều có thể lực tốt để chơi với phong độ tốt nhất. Per Metersacker và Miroslav Klose đã vắng mặt vì chấn thương trong một thời gian dài và mất đi thực tiễn thi đấu. Bastian Schweinsteiger cũng không có được thể lực tốt nhất. Ngay cả Mesut Oezil cũng không thực sự chơi với phong độ cao nhất 3) Trong cả ba trận đấu vừa qua, Đức hoàn toàn là đội có thể bị rơi vào trạng thái phải bám đuổi. Trận gặp BĐN, Pepe đánh đầu đập xà ngang khung thành Manuel Neuer. Robin van Persie có thể đã ghi một cú đúp chỉ trong 11 phút đầu khá hứng khởi trước đội tuyển Đức. Ở trận gặp Đan Mạch, khi tỉ số là 1-1, Jakob Poulsen đã đưa bóng đi trung cột dọc 4) Yếu kém trong phòng ngự bóng chết. Ở trận bán kết World Cup 2010, Đức từng phải trả giá vì điểm yếu này, với bàn thắng từ cú đánh đầu của Carles Puyol trong một tình huống phạt góc. Pepe đã đe dọa hàng thủ Đức nhiều lần, và các cầu thủ Đan Mạch cũng đã gây ra rất nhiều sóng gió trước khung thành Neuer từ những tình huống tương tự 5) Việc các cầu thủ trẻ xuất sắc Schuerrle, Marco Reus và Mario Goetze chưa được ra sân một phút nào phần nào cho thấy sự thiếu tin tưởng vào những cầu thủ trẻ này, và việc bám sâu vào những giá trị đã được khẳng định có thể khiến tuyển Đức bị sức ì cản lại |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất