04/05/2016 21:36 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - "Pep là một người cầu toàn. Nếu là một nhạc sĩ, ông ấy sẽ là một nhạc sĩ vĩ đại" - Xavi từng nói như thế về Pep, một thiên tài luôn bất an. Một thiên tài không bao giờ thỏa mãn với chính mình. Một thiên tài cô đơn.
Ám ảnh bởi chi tiết, và sự hoàn hảo
Pep tự nhốt mình trong văn phòng hàng giờ để nghiên cứu băng hình của đội khách, khi ấy đứng ở giữa bảng xếp hạng, để rồi hôm sau cung cấp cho các cầu thủ của ông một bản báo cáo rất chi tiết về các khoảng trống sẽ phải khai thác.
Đúng như dự đoán, Cologne đã tử thủ bằng một hàng phòng ngự 5 người và đội hình lùi rất sâu tại Allianz Arena. Nhưng các khoảng trống bắt đầu mở ra ở đúng những khu vực mà Pep đã dự báo. Bayern sau đó đè bẹp đối thủ 4-0. Trông mọi thứ có vẻ rất dễ dàng, như vẻ ngoài của Pep: Lúc nào cũng bóng bẩy, thời trang, và chỉn chu đến mức không ai nghĩ rằng con người ấy có thể vò đầu bứt tai chỉ vì trận đấu với một đối thủ trung bình.
Pep bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo
Nhưng không thể trông mặt mà bắt hình dong. Ở Barcelona trước đây và Bayern sau này, Pep hay bị mang tiếng rằng ông chiến thắng chẳng qua vì sở hữu một đội hình quá “khủng”. Nhưng bất kỳ ai đã từng làm việc với Pep hoặc xem cách Pep làm việc đều cảm thấy được sự chăm chú đáng ngạc nhiên của ông với những tiểu tiết.
Không biết rằng nếu Pep không chu toàn đến mức ấy, liệu Bayern có thể đánh bại Cologne dễ đến thế hay không. Nhưng có một điều chắc chắn: Pep phải kiểm soát được mọi thứ, trong bộ óc bị ám ảnh bởi sự toàn bích.
Một tháng sau trận đấu ấy, Bayern của Pep đè bẹp Arsenal 5-1 ở Champions League, với tỉ lệ kiểm soát bóng lên đến 66%! Nhưng đấy chưa phải là tận cùng điên rồ. Trong phòng họp báo, Pep cao hứng bảo: “Điều tôi muốn, đam mê của tôi, là kiểm soát bóng 100%”.
Đi kèm với tuyên bố cao ngạo ấy là những chỉ trích nghiêm khắc nhắm vào chính các cầu thủ Bayern, chỉ bởi trong 10 phút đầu hiệp hai, họ đã để “mất bóng trong những tình huống dễ dàng”: “Chúng tôi muốn kiểm soát trận đấu nhưng lại để cho đối thủ phản công quá nhiều” – Guardiola nói, mắt nheo nheo. “Điều này không chuẩn lắm và chúng tôi sẽ phải cải thiện, tất nhiên rồi”.
Bayern, một phòng thí nghiệm sự hoàn hảo
Hãy lại quay về thêm 1 năm trước đó, vào cuối tháng 10/2014. Bayern chỉ kém Borussia Dortmund 2 điểm, và chỉ thua có 1 trận trong 1 tháng rưỡi. Với một HLV khác, đó là hoàn hảo, với Pep, đó là... vô số vấn đề.
1 đoạn trong cuốn sách Pep Confidential: The Inside Story of Pep Guardiola's First Season at Bayern Munich (Tạm dịch: Bí mật của Pep: Câu chuyện bên trong mùa giải đầu tiên của Pep ở Bayern Munich) đã chỉ ra rõ nỗi bất an này: "Ông đã giả vờ là mình hoàn toàn hài lòng với kết quả và hiệu suất của đội trong buổi họp báo sau trận (thắng Hannover 4-1 ở vòng 7 Bundesliga), nhưng thực tế là ông đã thất vọng sâu sắc. Bị phân tâm suốt bữa ăn tối sau trận, Pep lo lắng rằng ông đã thất bại trong việc truyền bá những ý tưởng của mình cho các cầu thủ.
Pep rời sân tập ngay sau buổi tập sáng, thay vì ở lại trao đổi với trợ lý như thường lệ. Sau bữa trưa vội vàng, Pep rút vào nơi trú ẩn bằng một câu vỏn vẹn với vợ: "Xin lỗi Cristina, anh phải làm việc". Cristina đã sống lâu với Pep đủ để không cần phải được giải thích. Khi Pep như thế này - chán nản, lặng lẽ, và suy tư - có nghĩa là ông đang tự dằn vặt bản thân. Ông không đổ lỗi cho các cầu thủ Bayern vì màn trình diễn yếu kém. Ông tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân khi đã không thể giúp họ chơi hết khả năng, vì không tìm được chỉ dẫn hoặc các bài tập phù hợp, hoặc vì không đặt họ đúng vị trí, hoặc không cung cấp đủ một bệ phóng cho họ thể hiện tài năng.
Ông dành sáu tiếng xem video trận đấu hôm thứ Bảy và ghi chép. Ông vẽ lại sơ đồ chiến thuật trên sổ, tẩy chúng đi và bắt đầu khởi động lại dòng suy nghĩ. Pep giải quyết từng vấn đề một suốt tối và cuối cùng, ông tìm thấy câu trả lời. Ông hét lên: "Maria! Marius (2 đứa con của Pep, người mà ông thường trò chuyện khi tìm ra một giải pháp chiến thuật - TT&VH)! Tới đây! Nhanh lên!"
Pep say sưa kể cho các con mình: "Ta sẽ giữ Lahm ở giữa sân. Hỗ trợ hai bên là Boateng và Dante, để Lahm có thể thoải mái đột phá. Bastian (Schweinsteiger) và Toni (Kroos) chơi tiền vệ công, và ta bắt đầu tổ chức di chuyển".
"Rafinha và (David) Alaba không còn là hai hậu vệ biên đơn thuần vào lúc này - họ tăng cường cho hàng tiền vệ. Về nguyên tắc, họ sẽ chiếm lĩnh không gian ở trung lộ, dù họ có thể sẽ phải di chuyển ra biên hỗ trợ (Arjen) Robben và (Franck) Ribery nếu cần thiết. Khi chúng ta cầm bóng, ta sẽ triển khai theo chiều dọc, xây dựng từ ưu thế ở hàng tiền vệ với sự bổ sung của Rafinha và Alba. Nếu chúng ta mất bóng, chúng ta có đủ những cầu thủ tốt nhất chơi gần nhau để tạo áp lực khi dâng cao".
Phát kiến 3-4-2-1 của Pep
Đấy là sự ra đời của 3-4-2-1, với Lahm chơi tiền vệ trung tâm, một trong những phát kiến đầu tiên của Pep trên cương vị mới. Và từ đó, những ý tưởng bất tận ra đời. Người ta thống kê rằng chỉ trong vòng 1 năm sau đó, Pep đã cho Bayern đá với 9 đội hình khác nhau, với những sơ đồ và vai trò kỳ dị. Điển hình là trận thắng Dortmund vào ngày 4/10 năm ngoái, Pep cho Bayern chơi với sơ đồ 3-1-2-3-1, không cần một trung vệ thứ thiệt nào (Alonso đá trụ ngay trên bộ ba Boateng - Martinez - Alaba. Bayern đang khủng hoảng, và cần một thay đổi mạnh mẽ? Không hề. Trước đó, đội bóng của Pep đã thắng 11 trận trên mọi đấu trường.
Nhưng với Pep, lúc nào Bayern cũng chỉ là một trò thí nghiệm. Và Pep thí nghiệm ngay cả trong những trận đấu quan trọng nhất, như để thử lửa phát kiến của mình qua những điều kiện khắc nghiệt nhất, mà đội hình lạ lẫm trong trận thua Atletico Madrid ở lượt đi mùa này chỉ là một ví dụ.
Tử huyệt của một bộ óc hoàn hảo
Sự cầu toàn ấy là tử huyệt của Pep. Giống như triết gia Blaise Pascal từng bảo: Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi yên một chỗ; mọi vấn đề của Pep cũng thế. Cuốn Pep Confidential từng tiết lộ rằng Pep đã thay đổi sơ đồ chiến thuật dự trù đến 3 lần trước trận bán kết lượt về Champions League mùa 2013-2014 (lượt đi họ đã thua Real Madrid 0-1 ở Bernabeu). Kết quả? Bayern đầy hoang mang ấy của Pep đã thảm bại 0-4 ngay tại Allianz.
Bên trong bộ óc ấy là một trái tim với những cảm xúc cũng bất thường: Nếu cảm thấy có điều gì đó không an toàn, Pep sẵn sàng gạt bỏ bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. Ngày Zlatan Ibrahimovic bước khỏi sân Camp Nou, khi bị các ống kính truyền thông vây lấy, anh ta đã nhổ nước bọt: "Gã triết gia làm trái tim tôi tan vỡ". Gã triết gia ấy là Pep. Một triết gia không nói nhiều. Ibra không được giải thích rằng vì sao anh phải ra đi. Đơn giản là cứ thế mà đi.
Trước đó một năm, Samuel Eto'o bị đẩy khỏi Camp Nou để đổi lấy chính... Ibra. Pep chỉ giải thích rằng có "cảm giác" phải làm thế. Tiền đạo người Cameroon là trung tâm của cú ăn ba thần thánh trước đó, nhưng không quan trọng. Trước đó, khi nhậm chức, Pep tuyên bố rằng Barca sẽ tốt hơn nếu Ronaldinho, Deco và Eto'o biến mất. 2 người đầu ra đi ngay lập tức, còn Eto'o thu xếp hành lý sau đó 1 năm.
Sự cầu toàn theo chân Pep ở mọi nơi
Ronaldinho, Eto'o hay Ibra có thể chẳng có lỗi gì cả, chỉ là sự có mặt của họ khiến Pep cảm thấy không an toàn. Đấy là sự cầu toàn đã theo chân ông ở mọi nơi: Khi ở đội B Barca, Pep đã ra điều kiện phải để ông chọn lựa từ trợ lý, cho đến các bác sĩ và tuyển trạch viên ưa thích. Nguyên nhân được cho là khiến Pep chia tay Bayern chỉ là mâu thuẫn với bác sỹ kỳ cựu Hans-Wilhelm Mueller-Wohlfahrt, người đã phục vụ cho Bayern trong 40 năm, nhưng đã phải ra đi vì làm mất lòng Guardiola.
Đấy là vấn đề của Pep: Một thiên tài luôn bất an, dù là trong suy nghĩ hay trực giác. Một thiên tài luôn cho rằng để mọi thứ tốt lên, ông phải luôn kiểm soát mọi thứ và thúc đẩy nó. Một thiên tài không bao giờ thỏa mãn với chính mình. Một thiên tài vẫn chưa hiểu được rằng nếu không biết chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân, thì hoàn hảo chỉ là ảo tưởng. Một thiên tài làm việc không ngừng, nhưng chưa bao giờ thấm hết nghệ thuật của... không làm việc. Một thiên tài cô đơn. Một thiên tài có tên Pep. Guardiola.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất