'Đừng để UNESCO nghĩ chúng ta vội quên cam kết'

25/07/2014 08:29 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - "Những gì vừa diễn ra không chỉ đơn thuần là chuyện vi phạm công ước UNESCO. Xa hơn, điều này còn liên quan tới một lời cam kết của chúng ta trong quá trình xin danh hiệu Di sản Thế giới, khi Việt Nam từng rất vất vả thuyết phục UNESCO rằng việc xây dựng Nhà Quốc hội không ảnh hưởng gì tới tính toàn vẹn của Hoàng Thành" – GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, GS Ngọc là thành viên của Hội đồng tư vấn đặc biệt cho TP. Hà Nội về các vấn đề của Hoành thành Thăng Long (HTTL). Ông chia sẻ với TT&VH những điều ít biết quanh cam kết của VN, cũng như về trách nghiệm của giới nghiên cứu khi để xảy ra sự việc này.

GS Ngọc nói:

GS Nguyễn Quang Ngọc

GS Nguyễn Quang Ngọc

- Ở thời điểm đệ trình hồ sơ HTTL lên UNESCO, chúng ta đã có kế hoạch xây dựng Nhà Quốc hội (NQH) cạnh đó rồi. Đây là điều không thể thay đổi được, nhưng cũng là lý do khiến giới nghiên cứu cực kỳ lo lắng về khả năng thành công của hồ sơ. Bởi với họ, việc xây dựng một công trình hiện đại bên cạnh di sản thế giới (DSTG) là điều tối kị vì nguy cơ tác động lên tính nguyên trạng của nó.

Tôi không thể kể hết số lần những người làm hồ sơ phải bàn lên, bàn xuống về chuyện ấy. Cố gắng thuyết phục UNESCO về giá trị tự thân của HTTL đã đành, chúng ta còn phải cam kết rất mạnh rằng không để quá trình thi công NQH ảnh hưởng lên di sản, rằng kiến trúc của NQH sẽ có sự hài hòa tuyệt đối với không gian của DSTG tương lai này... Cao nhất, Chính phủ cũng đã có công văn số 5129 vào tháng 7/2010 để cam kết thực hiện những khuyến nghị mà UNESCO đưa ra.

* Đã khi nào, các ông nghĩ rằng đó là một trở ngại không thể vượt qua chưa?

- Khoảng cuối năm 2009, UNESCO tiếp tục cử đại diện sang VN để tiếp tục thẩm định về HTTL. Xong việc, ông ta khẳng định giá trị của di sản và cho rằng hoàn toàn có đủ điều kiện được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Nhưng không ngờ, chỉ sau đó ít lâu, chúng tôi được biết vị giáo sư này đã báo cáo với UNESCO những nhận xét thiếu thiện cảm về khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, trong đó đặc biệt là sự hoài nghi về khả năng bảo vệ được toàn vẹn di sản của chúng ta. Và như thế, hồ sơ của chúng ta được dự kiến xếp loại D, nghĩa là... "trả về địa phương" và không còn cơ hội trở thành Di sản Văn hóa thế giới.

Lại rất nhiều mồ hôi của ngành di sản đổ ra. Có lần, vào 3 giờ sáng, GS Phan Huy Lê còn yêu cầu chúng tôi trả lời ngay lập tức nhiều vấn đề cần giải trình, trong đó có nhiều câu hỏi tập trung vào phương án khả thi bảo vệ toàn vẹn di sản. Và nói vắn tắt thì việc nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là nỗ lực vô cùng lớn của Việt Nam để qua được trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Tôi nghĩ rằng, quyết định công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản Văn hóa Thế giới trước hết là UNESCO đã đánh giá đúng giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nhưng cũng không kém phần quan trọng là UNESCO đã thực tin là Việt Nam sẽ nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các cam kết.


Tình trạng xâm phạm mặt bằng HTTL cần được khắc phục ngay

* Vậy, nhìn lại sự việc xảy ra, tại sao các chuyên gia không kiên quyết bảo vệ và giám sát di sản ngay từ khi việc thi công mới bắt đầu?

- Từ trước đó, khi biết đường bao của NQH sẽ lấn sang HTTL vài trăm mét, Hội đồng tư vấn chúng tôi đã kịch liệt phản đối. Và, trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lên các cấp lãnh đạo, Hội sử học và các Hội đồng nghiệp cũng ghi rõ: "Chúng tôi rất ngạc nhiên vì một bản thiết kế vi phạm pháp luật quốc gia và quốc tế như vậy lại được phê duyệt. Tuy nhiên, do yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng nhà Quốc hội, Hội đồng tư vấn khoa học đã đưa ra một giải pháp là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa nhà Quốc hội và khu di sản, phần trên rải cỏ với điều kiện khi thi công, đọn vị xây dựng không được đào sâu vào lòng đất quá 1 mét để không xâm hại di sản".

Khi ấy, chúng ta vẫn hi vọng rằng khi UNESCO biết chuyện, họ sẽ lại thông cảm một lần nữa với giải pháp của chúng ta. Phần sau của câu chuyện, chúng ta đều biết rõ: từ khi thi công, các chuyên gia di sản gần như không được quyền ra vào khu vực này nữa...

* Nhưng, ông nghĩ rằng UNESCO có tiếp tục... thông cảm với chúng ta không, khi trong đơn kiến nghị có ghi rõ rằng sự vô nguyên tắc vừa qua sẽ đặt HTTL trước nguy cơ bị khuyến cáo rút khỏi danh sách DSTG?

- Sẽ không có gì lạ nếu họ đưa ra khuyến nghị. Nhưng ít nhất, chúng ta bây giờ có thể "vớt vát" bằng những hành động cụ thể để chứng tỏ rằng đây chỉ là một sự cố đáng tiếc, rằng không phải VN tìm mọi cách để UNESCO công nhận HTTL là Di sản thế giới rồi xong việc lại bỏ quên cam kết. Tôi không hiểu sao trong vài ngày qua, việc đưa ngành khảo cổ vào cứu nguy cho các hố khai quật ngập nước, cũng như việc dọn dẹp trả lại mặt bằng cho HTTL vẫn chưa được khẩn cấp triển khai.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link