25/11/2011 08:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Cùng đi tới đích cuối như hát xoan còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể giá trị khác mà TT&VH muốn giới thiệu với độc giả.
1. Múa saman ở Indonesia
Theo hồ sơ của Indonesia gửi lên UNESCO, múa saman là di sản văn hóa của người Gayo bản địa, có truyền thống bắt nguồn từ thế kỷ 13, được phát triển sau đó bởi Syeh Saman để truyền đạt các thông điệp mang nội dung tôn giáo.
Múa saman do các bé trai hoặc thanh niên trẻ thực hiện, với số lượng các vũ công luôn là con số lẻ. Các vũ công ngồi thành một hàng ngang, thường mặc trang phục đen, được thêu các họa tiết trang trí nhiều màu sắc. Nhóm trưởng của cả đội múa luôn ngồi ở giữa hàng và bắt nhịp hát các câu thơ mang nhiều nội dung khác nhau. Trong quá trình biểu diễn, các vũ công sẽ vừa hát vừa vỗ tay, vỗ ngực, đùi và nện xuống đất. Họ cũng búng ngón tay, lắc lư uốn éo đầu và cơ thể, lúc nhanh lúc chậm, tuân theo nhịp điệu của bài hát.
2. Nghệ thuật thổi sáo limbe Mông Cổ
Sáo limbe là một trong những nhạc cụ cổ của người du mục Mông Cổ, làm từ gỗ cứng hoặc tre. Nó được xem là một trong những nhạc cụ truyền thống giá trị nhất với người Mông Cổ, do khả năng tạo ra các giai điệu du dương, trầm bổng, nhưng lại rất khó chơi.
Mỗi bài hát dân ca truyền thống Mông Cổ thường dài 4-5 phút và mỗi lần biểu diễn ca sĩ thường hát liên tục 3-5 bài. Do đó nghệ sĩ chơi limbe phải biết giữ hơi để có thể thổi sáo liên tục không ngừng nghỉ, ngắt quãng trong vòng 12-25 phút. Nghệ thuật giữ hơi này vô cùng phức tạp, trong đó người nghệ sĩ vừa phải đẩy hơi đã trữ trong khoang miệng vào cây sáo để tạo âm, vừa bổ sung lượng hơi mới vào phổi qua đường mũi và nhanh chóng chuyển nó tới miệng.
Việc học được cách giữ hơi để chơi tốt sáo limbe được xem là một thành tựu lớn với người Mông Cổ du mục và để đạt được điều này, nghệ sĩ phải vừa cố gắng khổ luyện, vừa phải thật sự có khiếu cảm thụ âm nhạc.
Nghệ thuật múa saman của Indonesia trở thành di sản thế giới cùng với hát xoan
3. Nghệ thuật kể chuyện yimakan của Trung Quốc
Hezhen là cộng đồng người thiểu số nhỏ nhất ở Trung Quốc, với quy mô dân số chỉ khoảng 4.600 người. Tuy nhiên tộc người này lại sở hữu nghệ thuật kể chuyện truyền khẩu yimakan. Đây là các câu chuyện nhiều đoạn, nhiều chương hồi, kể lại chiến tích của các anh hùng, chiến binh thời cổ đại.
Các nghệ sĩ Yimakan thường pha trộn giữa việc kể và mộc. Giọng kể của họ cũng luôn biến đổi để phù hợp với tuổi tác, giới tính của nhân vật hoặc bối cảnh buồn bã hay bi tráng của câu chuyện. Do người Hezhen không có chữ viết, nên chuyện truyền miệng yaimakan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và quá khứ của họ.
4. Các bài thơ sử thi của người Moor ở Mauritania
Theo phát ngôn viên UNESCO Rasul Samadov, trong ngày hôm nay (25/11), sẽ có thêm nhiều di sản được xem xét để đưa thêm vào danh sách cần bảo vệ.
T’heydinn là các tác phẩm mang đậm chất sử thi có nguồn gốc từ thế kỷ 17, tạo thành từ hàng chục bài thơ ca ngợi nhiều chiến tích vinh quang của người Moor ở Mauritania.
Tác phẩm này được biểu diễn bởi một nhóm những người chuyên kể chuyện và họ vừa kể, vừa hát trong âm thanh khi thánh thót, lúc dồn dập của các nhạc cụ truyền thống như đàn 5 dây tidnit, đàn 13 dây ardin và trống tbal.
5. Nghi lễ chống hạn hán yaokwa của Brazil
Yaokwa là nghi lễ tạo ra với ước vọng duy trì trật tự xã hội và vũ trụ của người Enawene Nawe ở Brazil. Nghi lễ này là một sự tổng hợp của kiến thức, nghệ thuật, ký ức vào một hoạt động chung kéo dài nhiều tháng, gồm có múa, hát, hiến tế...Vì thế nó trở thành nền tảng cơ bản của di sản văn hóa Enawene Nawe.
6. Hội kín Koredugaw ở Mali
Koredugaw là các nhóm các nghệ sĩ dân gian tồn tại trong nhiều cộng đồng dân cư ở Mali. Họ luôn ăn mặc trang phục rách rưới, đeo trên người những dây chuyền làm từ đậu đỏ hoặc đủ thứ đồ lỉnh kỉnh khác và thường nhảy các vũ điệu mang tính chọc cười người khác. Ngoài ra, họ còn biểu diễn các nghi lễ mang tính tôn giáo để ca ngợi Thượng đế; dùng cây cỏ để chữa bệnh cho những người ốm; đóng vai trò các chuyên gia hòa giải trong xã hội Mali...
7. Nghệ thuật kể truyện cổ naqqa-li
Naqqa-li là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Iran, bắt nguồn từ cổ đại. Khi biểu diễn, nghệ sĩ thường ngâm nga các bài thơ ngắn, thể hiện các động tác hình thể kèm theo, dưới âm thanh của nhạc đệm hoặc đơn giản là hát “mộc”.
Sự khó khăn nằm ở chỗ các nghệ sĩ naqqa-li thường chỉ có một mình, nhưng phải hóa thân vào rất nhiều vai khác nhau như vua, hoàng hậu, chiến binh, công chúa, hoàng tử, ăn xin... và họ phải diễn một cách thật thuyết phục. Ngoài ra họ còn phải tạo các âm thanh phụ trợ như tiếng vó ngựa, tiếng dao kiếm chạm nhau...
8. Nghệ thuật chế tạo và điều khiển thuyền lenj
Cư dân bờ biển phía Bắc của Vịnh Ba Tư, thuộc đất Iran đã chế tạo ra loại thuyền lenj làm hoàn toàn thủ công nhưng cực kỳ hiệu quả khi đi biển. Ngoài việc đóng thuyền và hạ thủy, người ta còn biết các kỹ thuật để tìm đường trên biển, xem thời tiết, đoán hướng gió, nghiên cứu mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao... và chuyển lại chúng cho thế hệ sau bằng những bài thơ, câu chuyện truyền miệng...
Tuy nhiên thời hiện đại, nghệ thuật này đã dần mai một.
Tường Linh (Theo AFP, UNESCO)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất