27/02/2013 08:44 GMT+7 | Thế giới
Sau khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP chấp thuận địa điểm quy hoạch ga C9 (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) tại vị trí phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Trong đó có ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan Hồ Gươm, một vị trí vô cùng nhạy cảm tại Thủ đô.
Trước những luồng dư luận khác nhau, PV Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ông Tuấn khẳng định, không có việc xây dựng công trình ga tàu điện nổi tại đây. Công trình này được xây dựng ngầm, dưới mặt đường khoảng 15m - 20m. Chỉ có một số hạng mục nổi trên mặt đất là tháp làm lạnh, giếng thông hơi (diện tích chiếm đất khoảng 20m2) và cửa lên xuống. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán đưa những hạng mục này vào phía trong khuôn viên các cơ quan chứ không nằm phía bên hồ hay trên đường Đinh Tiên Hoàng để ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm. Lối lên xuống cũng được thiết kế, bố trí phù hợp với tính chất của khu vực.
Về tính pháp lý, dự án tuyến xe điện đô thị số 2 và hướng tuyến đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, được các bộ, ngành trung ương, thành phố thống nhất; được Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc thành phố thông qua. Ngay như EVN Hà Nội, ban đầu cũng không nhất trí nhưng sau đó đã thông qua phương án này sau khi bàn thảo kỹ lưỡng.
Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn đặt nhà ga trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần Hồ Gươm mà không đặt ở những vị trí khác, ông Tuấn cho biết, từ năm 2008, đã nghiên cứu vị trí ga tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn, gần khu vực đền Bà Kiệu nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không nhất trí. Đến năm 2010, các nghiên cứu mới lại đưa ra 3 phương án. Phương án A bố trí trước đền Ngọc Sơn, gần khu vực đền Bà Kiệu; phương án B cách vị trí phương án A 60m về phía nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội; phương án C cách vị trí A 185m, nằm dưới khu phố cổ, bao gồm cả Nhà hát Múa rối Thăng Long.
So sánh các phương án, phương án B hợp lý hơn cả, trong khi phương án C ít khả thi nhất vì phải di dời nhiều hộ dân. Mặt khác, việc đặt vị trí ga phụ thuộc vào hướng tuyến, với nguyên tắc bán kính 1km/ga và phụ thuộc vào mật độ dân. Trong khi, ga cuối đã "chốt" tại ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo để kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 và ga đầu đặt tại Vườn hoa Hàng Đậu để kết nối với tuyến đường sắt số 1. Hiện nay, mới đến bước chấp thuận vị trí, địa điểm quy hoạch, tiếp theo sẽ đến bước quy hoạch tổng mặt bằng. Lúc đó, mới nghiên cứu chi tiết cửa lên xuống đặt ở đâu, các hạng mục nổi đặt ở đâu.
Phản biện lại các ý kiến cho rằng đặt ga tại đây có thể ảnh hưởng đến việc hình thành tuyến phố đi bộ, ông Tuấn khẳng định, "nếu hình thành tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, việc đặt ga tàu điện và có tuyến tàu điện đi qua sẽ là một sự tương tác cần thiết".
Tại sao ga đường sắt đô thị lại phải "trốn" Hồ Gươm và khu vực phụ cận? Đây là khu vực trung tâm của Thủ đô về hành chính, chính trị, văn hóa, du lịch, tâm linh, thương mại… như quy hoạch chung đã xác định thì càng cần phải có giao thông thuận tiện để khai thác và đáp ứng yêu cầu. Không những không ảnh hưởng đến Hồ Gươm, không gian ngầm của đường sắt đô thị còn tạo điều kiện để dỡ bỏ công trình nhà vệ sinh án ngữ trên bờ hồ lâu nay.
Hay như bài học từ các nước phát triển, có thể đưa một số công trình thương mại xuống dưới không gian ngầm của ga. Tình trạng ùn tắc, quá tải phương tiện cá nhân, thiếu điểm đỗ xe xung quanh khu vực Hồ Gươm cũng sẽ được giải quyết khi hình thành tuyến đường sắt đô thị, một phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện cho người dân và khách du lịch.
Theo Khánh Khoa
Hà Nội Mới
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất