Bệnh nhân được chữa khỏi HIV - Một phương pháp đầy rủi ro

17/07/2012 11:15 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng liệu pháp chữa trị cho Timothy Brown, người đầu tiên được chữa khỏi virus HIV, rất nguy hiểm với các bệnh nhân và chỉ nên  áp dụng trong các tình huống hết sức đặc biệt.

Timothy Brown là một cư dân 46 tuổi sống ở miền Tây nước Mỹ, nhưng anh còn được cánh báo chí gọi đùa là "Bệnh nhân người Berlin". Brown nổi tiếng chỉ vì một nguyên nhân: anh từng mang trong người virus HIV/AIDS, nhưng nay chúng đã không còn có thể gây hại tới anh được nữa.

Gene đột biến kháng HIV vốn không xa lạ

Timothy Brown chính thức hé lộ thân phận của anh lần đầu vào năm 2010, ba năm sau khi tham gia một phương thức điều trị chống HIV mang tính cách tân. Trong một cuộc hội thảo tổ chức hồi tháng trước ở Washington, Brown thổ lộ rằng anh coi như đã khỏi bệnh.

"Tôi vẫn còn một số vấn đề liên quan tới khả năng vận động. Nhưng ngoại trừ việc đó, tôi cảm thấy rất tuyệt. Vâng, thật tuyệt khi được chữa khỏi" - anh nói trong sự kiện được tổ chức bởi Quỹ nghiên cứu AIDS hay amfAR.

Các bác sĩ cũng xác nhận việc anh là người đầu tiên trên Trái đất được công nhận chữa khỏi HIV. "Tôi được chữa lành về mặt chức năng. Điều này có nghĩa tôi không chịu bất kỳ tác động nào từ virus HIV và tôi cũng không phải uống thuốc chế áp chúng. Chừng nào cơ thể tôi vẫn có thể khống chế HIV, điều tôi chắc chắn mình đang làm tốt, thì sức khỏe của tôi sẽ chẳng gặp vấn đề gì" - Brown nói.

Timothy Brown, người đầu tiên được chữa khỏi HIV/AIDS

Brown đang sống và làm việc ở Berlin, Đức vào năm 1995 khi anh bị xét nghiệm dương tính với virus HIV. Tim nói rằng anh đã sợ chết khiếp khi biết kết quả xét nghiệm. Sau đó anh bắt đầu uống thuốc kiềm chế virus. Hơn 1 thập kỷ trôi qua và Brown bắt đầu cảm thấy mệt mỏi tới mức khó chịu đựng. Anh đi xét nghiệm hồi năm 2006 và thêm một lần đứng tim nữa, khi các bác sĩ nói anh bị bệnh ung thư máu.

Sau quá trình hóa trị kéo dài, bác sĩ của Brown là Gero Huetter đã đề nghị anh tiến hành một liệu pháp chưa từng áp dụng ở nơi nào khác: ghép tủy sống để chữa cả bệnh ung thư máu lẫn virus HIV. Qua nghiên cứu, bác sĩ Huetter biết rằng cứ 100 người sống ở Bắc Âu lại có 1 người có khả năng đề kháng HIV rất mạnh nhờ một đột biến gene đặc biệt mang tên Delta 32. Gene này ngăn chặn protein CCR5 xuất hiện trên bề mặt của tế bào. Các protein trên vốn là cánh cửa không khóa để virus HIV đi vào tế bào và việc loại bỏ chúng đã khiến tế bào được bảo vệ.

Paula Cannon, một trợ lý giáo sư tại Đại học Southern California đã cho cánh báo chí biết rằng loại gene đột biến này không phải thứ gì lạ lẫm với cộng đồng những người nghiên cứu thuốc chống HIV. Bà nói rằng khi những người có gene này tiếp xúc với HIV, virus "chẳng có nơi nào để bám vào trong cơ thể họ và chúng dần tự tiêu tan".

Một phương pháp đầy rủi ro

Tuy nhiên trước Brown, chưa ai thử chữa HIV bằng cách ghép tủy của người có mang đột biến gene Delta 32.

Năm 2007, Brown bắt đầu trải qua quá trình trị xạ toàn thân để ngăn chặn tế bào ung thư. Cuối cùng Brown đồng ý ghép tủy của một người hiến tặng với gene đột biến có khả năng kháng HIV. Sau khi được ghép tủy, Brown đã ngừng uống các loại thuốc kháng virus vốn giúp ức chế sự phát triển của HIV. Dù căn bệnh ung thư máu có quay trở lại, virus HIV đã không xuất hiện nữa.

Tuy nhiên cái giá Brown phải trả không hề rẻ. "Ca cấy ghép đầu tiên diễn ra tốt đẹp, nhưng lần thứ 2 thì thật khủng khiếp" - Brown nhớ lại. Ca phẫu thuật khiến anh gặp các biến chứng như hôn mê và anh đã bị thương tổn hệ thần kinh.

Cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng liệu pháp chữa trị của Brown rất nguy hiểm với các bệnh nhân và chỉ nên được áp dụng trong các tình huống hết sức đặc biệt. "Tim được sử dụng liệu pháp này không chỉ bởi anh ấy đã dương tính với HIV. Anh ấy còn bị ung thư máu và có thể chết vì căn bệnh này" - Cannon nói tại cuộc hội thảo amfAR. 

Nhưng với Brown, việc thoát khỏi cái chết do HIV/AIDS là trải nghiệm không thể diệu kỳ hơn. Anh giờ dành cuộc sống của mình cho việc gây hy vọng với các bệnh nhân khác. "Đôi lúc tôi vẫn có cảm giác thật khó khăn, nhất là khi bắt chuyện với những người vẫn còn HIV trong cơ thể. Tôi có cảm giác thật tội lỗi... Đó là lý do vì sao tôi đi khắp thế giới, nói chuyện với mọi người. Tôi muốn phương thức này được nghiên cứu" - anh nói.

Thay đổi hướng chữa trị HIV/AIDS

Tiến sĩ Robert Siliciano ở Đại học Johns Hopkins cho biết Timothy Brown đã được kiểm tra liên tục và hoàn toàn không còn dấu vết của HIV trong cơ thể của anh. Ông bác bỏ các nghi ngờ về việc virus vẫn còn lẩn khuất trong cơ thể Brown.

"Thực tế Tim đã được chữa trong 5 năm và virus không còn bắt đầu nhân bản nữa đã khiến tôi nghĩ rằng anh ấy được chữa lành" - Tiến sĩ Siliciano nói.

Còn Tiến sĩ Susan Blumenthal, một nhà nghiên cứu cao cấp của amfAR thì cho biết trường hợp của Brown đã thay đổi con đường nghiên cứu phương thức chữa trị HIV/AIDS."Sự kiện đã truyền cảm hứng để chúng tôi đổ tới 75% vốn nghiên cứu vào việc tìm ra một liệu pháp. Tôi nghĩ anh ấy là con người rất can đảm" - bà nói.

Trường hợp của Brown đã khuyến khích các nhà nghiên cứu như Cannon. Bà cho biết các nhà khoa học hiện đang cố tìm cách cấy ghép gene Delta 32 vào tế bào tủy sống của một người bình thường và qua đó giúp cho người này có khả năng kháng HIV tự nhiên mà không mắc các nguy cơ khác do việc ghép tủy gây nên. Cannon nói rằng các thử nghiệm trên loài chuột đã cho thấy hướng điều trị này tỏ ra thành công và giờ các nhà khoa học đang hướng tới việc áp dụng nó cho loài sinh vật to lớn hơn: con người chúng ta.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link