Ngược dòng ký ức| EURO 2000: Sự lên ngôi của bóng đá tấn công

04/06/2012 09:45 GMT+7 | EURO 2024

(thethaovanhoa.vn)- Sau EURO 1996 diễn ra vô cùng tẻ nhạt, người hâm mộ bóng đá châu Âu đã được bù đắp bằng những bữa tiệc tấn công hoành tránh tại EURO 2000.

Năm 1996, khán giả bị tra tấn bởi những trận cầu tẻ nhạt, nặng về toan tính chiến thuật, hạn chế về số bàn thắng nhưng chỉ bốn năm sau, họ đã được thỏa thuê thưởng thức những bữa tiệc tấn công có tổng cộng 85 bàn thắng. Tính từ EURO 1980, giải đấu có sự gia tăng về số đội tham dự và thể thức thi đấu (có vòng bảng thay vì loại trực tiếp như năm kỳ EURO trước), EURO 2000 là giải có tỷ lệ bàn thắng/trận cao nhất.

Trung bình, mỗi trận đấu của EURO 2000 có tới 2,74 bàn/trận, nhiều hơn EURO 1980 (2,73), EURO 2004 và 2008 (cùng 2,48) và dĩ nhiên bỏ xa EURO 1996 tẻ nhạt (2,06). Trong 31 trận đấu tại EURO 2000, chỉ có ba trận kết thúc với tỷ số hòa 0-0, 28 trận còn lại đều có ít nhất một bàn thắng, thậm chí có tới bảy bàn (Hà Lan đánh bại Nam Tư 6-1, Nam Tư thua Tây Ban Nha 3-4) hay sáu bàn (Nam Tư hòa Slovenia 3-3).



Pháp, đại diện tiêu biểu cho bóng đá tấn công, đã lên ngôi- Ảnh Getty

Những trận cầu kịch tính như cuộc chạm trán giữa Nam Tư hay Slovenia đến nay vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí người hâm mộ. Trong lần đầu dự một giải lớn, Slovenia đã gây sốc khi dẫn trước Nam Tư tới 3-0 rồi ngây thơ, để đối thủ gỡ hòa. Chỉ sau đấy đúng tám ngày, Nam Tư lại rơi vào cảnh ngộ tương tự khi dẫn trước Tây Ban Nha tới ba lần nhưng chung cuộc, phải nhận thất bại 3-4 với hai bàn thắng ghi ở phút 90+4 và 90+6!

Tới trận chung kết, các CĐV lại được chứng kiến những bàn thắng muộn màng khiến mọi trái tim như bị bóp nghẹt. Trong trận đấu cuối cùng, Italia đã dẫn trước Pháp, nhiều thời điểm có thể kết liễu “Les Bleus” với những cơ hội mười mươi. Nhưng tới phút 90+4, chỉ trong một khoảnh khắc hiếm hoi mất tập trung, “Azzurri” đã để Sylvain Wiltord gỡ hòa và khi trận đấu tiến dần tới loạt đá penalty, bị nhấn chìm bởi bàn thắng vàng của David Trezeguet.

Hai trận bán kết trước đó cũng diễn ra nghẹt thở không kém. Như trong trận đấu giữa Hà Lan và Italia, “Oranje” đã hoàn toàn lấn lướt “Azzurri” nhưng do bỏ lỡ tới…bốn quả penalty, phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Hay Bồ Đào Nha đã dẫn trước Pháp nhưng lại bị gỡ hòa rồi đánh bại bởi một quả penalty gây tranh cãi ở phút 117. Những tình huống tiếc nuối hay gây tranh cãi như vậy càng khiến hình ảnh của EURO 2000 thêm phần sâu đậm trong tâm trí người hâm mộ.

Một giải đấu được gọi là thành công dĩ nhiên cần có sự xuất hiện của các cầu thủ lớn và EURO 2000 may mắn “được mùa” các nghệ sỹ sân cỏ. Từ những đội tí hon tới những gã khổng lồ, tất cả đều đóng góp được không ít gương mặt sáng giá cho làng túc cầu. Những màn trình diễn của Zlatko Zahovic (Slovenia), Gheorghe Hagi (Romania), Luis Figo (Bồ Đào Nha), Francesco Totti (Italia) hay Zinedine Zidane (Pháp) đã tạo nên những khoảnh khắc sống động cho EURO 2000.

Nói chung, EURO 2000 là giải đấu hội tụ những đỉnh cao của bóng đá tấn công, nơi có những bữa tiệc bàn thắng, những nghệ sỹ sân cỏ và cả những tình huống gây tranh cãi, dường như đã là một phần tất yếu của bóng đá. Tất cả hòa quện lại, tạo nên một giải đấu lôi cuốn bậc nhất trong lịch sử.

Trần Khánh An

Khởi đầu kỷ nguyên đồng tổ chức EURO

2000 là giải đấu lớn đầu tiên được tổ chức bởi hai quốc gia. Nhờ sự khơi dòng của Bỉ và Hà Lan đã mở ra một kỷ nguyên đồng tổ chức ở mọi cấp độ. World Cup 2002 được đăng cai bởi Hàn Quốc và Nhật Bản. EURO 2008 tổ chức bởi Áo và Thụy Sỹ, 2012 bởi Ba Lan và Ukraina. CAN 2012 tổ chức bởi Gabon và Guinea Xích đạo. Cúp châu Á năm 2007 thậm chí còn được tổ chức bởi bốn quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. (Con số) Vô địch Pháp Á quân Italia Hạng ba Bồ Đào Nha, Hà Lan Vua phá lưới Patrick Kluivert (Hà Lan, cùng 5 bàn) Savo Milosevic (Nam Tư)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link