28/11/2015 18:46 GMT+7 | Euro 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Đường phố, nhà hàng, sân bóng, nhà hát, 129 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong liên tiếp các vụ khủng bố tại Paris ngày 13/11. Những kẻ khủng bố tấn công vào những địa điểm giải trí tụ tập đông người và chúng chắc chắn biết nước Pháp sẽ đăng cai EURO 2016.
Nhưng ông Jacques Lambert, người đứng đầu Hội đồng tổ chức EURO 2016 vẫn cam kết: “Pháp sẽ được trang bị tất cả những gì cần thiết để tổ chức EURO”, ông nói. “Đặt ra khả năng hủy bỏ giải đấu này là chúng ta đã tự đầu hàng bọn khủng bố. Mức độ cảnh báo được tăng lên 1 nấc vào tháng 1 vừa qua (khi xảy ra vụ xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo - PV), và tiếp tục tăng thêm nữa sau vụ vừa rồi. Chúng ta sẽ không gục ngã!”.
EURO 2016 là sự sống của nước Pháp
EURO không phải là một trận giao hữu Pháp – Đức tại sân Stade de France. EURO là 24 đội tuyển, 51 trận đấu được tổ chức ở 10 sân vận động, cùng hàng triệu người hâm mộ… Người Pháp kì vọng rất nhiều vào giải đấu này. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp, Noel Le Gaet cam kết: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo an ninh cho giải bất chấp những đe dọa”.
Tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Đô thị, thanh niên và thể thao Patrick Kanner tiết lộ, nước Pháp đã đầu tư 2 tỉ euro vào việc sửa sang các sân vận động, tạo ra 20 ngàn việc làm trong quá trình chuẩn bị. Người Pháp kì vọng thu về tối thiểu 1,5 tỉ euro từ giải đấu và cũng kì vọng EURO sẽ tạo ra sức bật cho du lịch với việc đón khoảng 1 triệu du khách nước ngoài.
EURO không tóm gọn trong 51 trận đấu và khuôn viên của 10 sân vận động, mà còn là một bài toán phát triển và không ngoa, thì là sự sống của nền thể thao Pháp. Bởi, nó là kì giải đầu tiên trước khi Pháp đăng cai giải bóng rổ châu Âu năm 2017, giải bóng ném nam thế giới năm 2017, giải vô địch bóng đã nữ thế giới năm 2019, và đang vận động giành quyền đăng cai Olympic 2024.
Tham vọng của người Pháp là tạo ra một quá trình tái tạo các cơ sở thể thao trong vòng 10 năm. EURO 2016 là một trong những bước đi đầu tiên, khi chính phủ đã dự chi khoản 6,2 tỉ euro cho việc xây dựng làng vận động viên, khoảng 4.000 nhà ở phục vụ Olympic 2024. Quá trình vận động đăng cai sẽ ngốn thêm của người Pháp 60 triệu euro nữa, nên đây rõ ràng là một bài toán kinh tế nghiêm túc và chặt chẽ, cần thận trọng.
Vụ khủng bố Paris hôm 13/11 đã khiến EURO từ một cơ hội trở thành thách thức lớn với chính phủ
Nhưng vụ khủng bố Paris hôm 13/11 đã khiến EURO từ một cơ hội trở thành thách thức lớn với chính phủ. Chi phí cho an ninh từ đây sẽ đội lên mức kỉ lục và đó là bài toán khó. Ở World Cup 2014, Brazil đã phải chi hơn 700 triệu euro để huy động trên 170 ngàn nhân viên an ninh đảm bảo an toàn cho 12 sân vận động. Khoảng 30 ngàn nhân viên, 60 tàu biển và 15 máy bay túc trực sẵn sàng cho các sự cố. Chi phí cho an ninh này ước tính cao gấp 5 lần so với World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi.
Nước Pháp sẽ phải chi ra số tiền tương đương thế để đảm bảo an toàn cho EURO, và cũng là bộ mặt quốc gia, trước một series kế hoạch thể thao và kinh tế mà họ chuẩn bị. Những hình ảnh kinh hoàng của vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo chưa kịp tiêu tan, thì thảm họa 13/11 đã để lại dư chấn nặng nề. Trận giao hữu Bỉ - Tây Ban Nha bị hủy bỏ. Các cầu thủ David Luiz, Edinson Cavani nói không muốn trở lại Paris thi đấu nữa (họ là cầu thủ của PSG). Chị họ của Lassana Diarra bị sát hại trong khi hai người bạn thân của thủ môn Salvatore Sirigu cũng bị bắn chết trong vụ xả súng tại nhà hát Bataclan.
Theo Carol Gomez, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế và Quan hệ chiến lược (IRIS): “An ninh phải là ưu tiên hàng đầu của EURO 2016, và các bài tập mô phỏng kịch bản khủng bố phải được tập luyện thường xuyên dưới sự liên kết của Bộ thể thao, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao. Nói về chủ nghĩa khủng bố là nói về rủi ro. Không có an toàn tuyệt đối, và hãy sẵn sàng cho mọi tình huống”.
Những bài học cho nước Pháp và EURO
La Marseillaise - Quốc ca Pháp đã được ngân vang kể cả khi 80 ngàn người trong Stade de France đang kinh sợ trước những vụ xả súng bên ngoài sân bóng. La Marseillaise cũng được cử lên trong những lễ tưởng niệm ở Paris, và tuyên bố “tấn công IS trên mọi mặt trận” của Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Tuy nhiên, tinh thần lạc quan thôi là chưa đủ trong một cuộc chiến mà kẻ thù luôn ở trong bóng tối. Bài học của người Đức ở Olympic Munich 1972 vẫn chưa nguội, khi thái độ chủ quan của nước nhà đã phải trả giá bằng vụ thảm sát kinh hoàng khiến 11 VĐV của đoàn Israel thiệt mạng, cùng một số nhân viên người Đức do những kẻ khủng bố.
Tổng cộng có 14 VĐV, nhân viên của Đức bị sát hại tại Olympic 1972
Đó là kỳ Thế vận hội mà Tây Đức (cũ) muốn xóa bỏ hình ảnh những tay lính canh lăm lăm khẩu súng bên sườn để bảo vệ an ninh mà thay bằng sự tự do nhất có thế. Cụ thể, mọi người ra vào làng VĐV Thế vận hội mà không cần xuất trình giấy tờ. 8 thành viên của nhóm khủng bố "Tháng 9 đen" nhờ đó đột nhập vào làng Olympic bắt theo 11 VĐV của Israel, đòi trả tự do cho 234 tù nhân bị giam giữ tại các nhà tù của Israel và Đức. Tổng cộng có 14 VĐV, nhân viên của Đức bị sát hại, tạo ra vết đen trong lịch sử Olympic.
Gần nhất còn có vụ đánh bom giải marathon Boston năm 2013 khiến 3 người chết và 282 người bị thương. Đội tuyển Togo phải bỏ CAN 2010 vì vụ xả súng vào xe bus chở đội, khiến tài xế thiệt mạng và 2 cầu thủ bị thương. Năm 2009, 12 tay súng tấn công xe bus của đội criket Sri Lanka, khiến 6 thành viên bị thương, 8 nhân viên an ninh thiệt mạng…
Vì thế, người Pháp, và cả các quốc gia khác, như Nga chẳng hạn (đăng cai World Cup 2018) sẽ phải chuẩn bị rất nhiều tiền bạc và kế hoạch để tổ chức những giải đấu tầm cỡ, khi bóng ma khủng bố luôn lởn vởn quanh chúng ta.
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất