Điện tăng giá, người nghèo thêm gánh nặng

11/10/2008 07:53 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đề xuất tăng giá điện mới được Chính phủ chấp thuận đã gây ra nhiều luồng phản ứng khác nhau từ dư luận xung quanh vấn đề này.

Dù rằng việc tăng giá điện là tất yếu, phù hợp với xu thế và theo lộ trình chung, nhưng dư luận lo lắng sẽ tác động mạnh đến đời sống xã hội của những người nghèo, người thu nhập thấp như nông dân, sinh viên và công nhân lao động. Tác động đó đã xuất hiện trong tâm lí lo âu của nhiều người.

Từ những tác động ban đầu…

Thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao, trong khi giá xăng giảm nhỏ giọt nên đời sống của những người có thu nhập thấp rất khó khăn. Giá thuê phòng trọ và sắp tới giá điện, nước cũng sẽ nhích dần lên. Tại các khu vực cho thuê phòng trọ ở Q.12, Bình Thạnh, TP.HCM, giá điện bình quân thường ở mức 2.000 - 3.000đ/ kwh (tuỳ khu vực nội, ngoại thành), đối với những hộ có nhiều phòng trọ, do hệ số sử dụng điện cao, nên giá thường rất cao, cá biệt có nơi trên 3.000đ/kwh. Và khi đề án tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) được áp dụng, thì giá điện ở các khu nhà trọ sẽ “phản ứng dây chuyền”, có thể tăng lên mức 3.500-4.000đ/ kwh.

Thi công thủy điện Sơn La

Anh Lê Ngọc Cẩn, công nhân Cty Gemtex (đường Tô Ký - quận 12) cho biết: “Với mức giá điện hiện thời, hằng tháng tôi phải tốn khoảng 200.000 - 250.000đ tiền điện, đó là mức khá cao so với thu nhập khoảng hơn 1,5 triệu đồng/tháng”. Rõ ràng, với chi phí sinh hoạt tăng, cộng với giá phòng và điện nước tăng sẽ làm đời sống công nhân vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn khó.

Nhưng đó là với người có thu nhập, còn những bạn sinh viên lên thành phố học tập thì càng khó khăn hơn, vì phần lớn các bạn sinh viên còn phụ thuộc vào trợ cấp của gia đình. Chi phí ngày càng tăng, tiền gia đình gửi lại hạn hẹp do ở quê, cha mẹ chủ yếu làm nông nghiệp. Bạn Lâm Thị Hiền (Trường Lao động xã hội cơ sở TP.HCM ) trình bày: “do giá cả tăng cao, tôi phải làm thêm để trang trải cuộc sống, bớt phần gánh nặng cho bố mẹ ở quê, do đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Sắp tới giá điện tăng, kéo theo nhiều thứ khác cũng tăng, tôi chưa biết phải chi tiêu thế nào”.

Giá điện tăng dự kiến 16 – 30% sẽ làm ảnh hưởng rất lớn.

Và kế hoạch “tiết kiệm năng lượng”

Việc tăng giá điện nhằm bù lỗ và giảm tải cho ngành điện, đồng thời giúp tiết kiệm và hạn chế việc sử dụng điện lãng phí trong nhân dân. Do đó, nhiều người cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch “tiết kiệm điện”. Anh Lê Ngọc Cẩn cho biết, “kế hoạch của mình sắp tới có thể là hạn chế xem tivi và nghe nhạc để giảm chi phí”. Gia đình anh đang định “tích cóp” tiền để mua chiếc tủ lạnh nhỏ, tiện dụng cho sinh hoạt, nhưng bây giờ ý định đó trở nên xa vời, vì nếu mua về mà tiền điện cao thì cũng đành “cho nó nằm bất động”. Còn bạn Lâm Thị Hiền dự định sẽ không đi học thêm, mà dành thời gian để làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên, sau này ra trường đi làm, có điều kiện sẽ học “bổ sung”, chứ chưa biết làm sao?!

Nhưng không phải mọi người đều tiết kiệm được. Bạn N.T.T.Tr.(sinh viên ngành trang trí nội thất, ĐH Hồng Bàng) do đặc thù của ngành học, nên máy tính của bạn thường xuyên hoạt động, nhiều hôm chạy suốt ngày đêm, tiêu tốn khá nhiều điện năng. Nhưng theo bạn thì không làm khác được, vì không muốn ảnh hưởng đến bài vở, học tập. Bạn cho biết: “để hạn chế chi phí đi lại, nên tôi thuê phòng trọ gần trường (quận Bình Thạnh – PV) nên giá thuê phòng khá cao, 750.000đồng/ phòng 3 người, sắp tới có thể tăng lên 900.000 đồng/phòng. Giá điện hiện giờ là 2.500đ/ kwh, trong khi hằng tháng tôi sử dụng khoảng 100 kwh, nên phải mất hơn 200.000đồng, nếu giá điện tăng lên 4.000đồng/kwh thì hằng tháng tiền điện nước có thể lên đến gần 500.000đồng”. Đây là con số khá lớn, nhưng là trung bình so với những bạn khác ở trong nội thành. Bạn còn nói vui “ tránh được tốn xăng, tăng ngay giá điện”.

“Tiết kiệm là quốc sách”, nhưng đôi khi nó lại ảnh hưởng đến nhiều mặt. Khi được hỏi anh sẽ chọn cách giải trí nào, anh Lê Ngọc Cẩn cho biết ngoài xem tivi thì cũng không biết làm gì, tivi là “món” giải trí rẻ tiền duy nhất, còn không thì cũng chỉ đi uống cà phê, vì sân chơi dành cho công nhân vẫn rất hạn chế, nhất là vùng ngoại thành.

Mặc dù giá điện chưa tăng, nhưng tâm lí bất ổn, lo lắng đã xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người, nhất là người có thu nhập thấp, chiếm đại đa số trong xã hội. Những “kế hoạch tiết kiệm” bắt đầu được vạch ra, nhưng đây là bài toán khá nan giải. Thiết nghĩ, nếu bắt buộc phải tăng giá điện thì ngành này cần có những chính sách trợ giúp cụ thể đối với tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp.

Vũ Tiến Lực

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link