Fan Kpop sục sôi vì hãng phân phối album nổi tiếng Synnara Record xuất phát từ tà giáo hại người, nhưng vì sao rất khó để tẩy chay?

11/03/2023 12:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Một bộ phim truyền hình Hàn Quốc In the name of God: A holy betrayal (tạm dịch: Nhân danh Chúa: Một sự phản bội thần thánh) mới đây đã thổi bùng lại nỗi ám ảnh quá khứ về một tà giáo khét tiếng. Đáng chú ý, người hâm mộ Kpop đang ra sức kêu gọi tẩy chay hãng phân phối album có liên quan tới tà giáo này.

Loạt phim In the name of God: A holy betrayal gần đây đã gây sóng tại Hàn Quốc và khắp thế giới khi khơi lại một vấn đề nhức nhối của xã hội nước này: các tà giáo, giáo phái hoạt động mờ ám, thao túng và lợi dụng người dân bằng chiêu bài tôn giáo, mê tín dị đoan.

Đáng chú ý, loạt phim nhắc lại vụ việc của Kim Ki Soon, "giáo chủ" của giáo phái Aga Dongsan, hay còn được biết tới với cái tên "Khu vườn Trẻ thơ".

Giáo phái được thành lập vào năm 1982 và là một cộng đồng giáo phái "tọa lạc" tại các trang trại và nhà máy ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Kim Ki Soon tự phong là người đứng đầu giáo phái và tự coi mình là một đứa trẻ, rồi lập luận mình vô tội trước tòa khi bị pháp luật đụng tới.

Bên cạnh những nghi thức hành đạo kỳ quái, giáo phái của Kim còn nổi tiếng với việc liên quan tới nhiều tội ác khác nhau. Đầu tiên, Aga hoạt động như một kiểu trang trại bóc lột sức lao động của các tín đồ. 

Tín đồ ở đủ mọi lứa tuổi và giới tính được cho là phải phục vụ Kim, lao động và kiếm tiền để bà ta có cuộc sống thượng lưu. Vì điều kiện lao động khắc nghiệt, nhiều người đã chết vì kiệt sức. Cũng có nhiều trường hợp hành hung và giết người được báo cáo.

Quá qqqqqqqFan Kpop sục sôi vì hãng phân phối album nổi tiếng xuất phát từ tà giáo hại người, nhưng vì sao rất khó để tẩy chay? - Ảnh 1.

Aga Dongsan do giáo chủ Kim Ki Soon (hình bên trái) lập ra được cho là tà giáo kỳ quái và hại người, nhưng không đủ bằng chứng kết tội.

Cuối cùng, người ta phát hiện ra rằng ít nhất có 3 tín đồ đã bị sát hại. Năm 1997, cậu bé Choi Nak Gwi khoảng 5 tuổi bị bỏ đói và đánh chết vì không nghe lời Kim. Một trường hợp khác là cô gái trẻ khoảng 20 tuổi tên Mi Gyeong bị sát hại vì từ chối tình cảm con trai Kim. Người thứ ba là người quản lý vườn cây ăn quả, bị sát hại cũng vì không nghe lời Kim.

Sau khi thông tin này bị tiết lộ bởi hàng chục cựu tín đồ, Kim bỏ trốn trước khi ra đầu thú cuối năm 1996. 4 người liên quan chủ chốt tới giáo phái bị bắt giữ, nhưng vì thiếu bằng chứng, Kim chỉ bị kết tội một số tội danh kinh tế và hành chính như tham ô, trốn thuế... và kết án 4 năm tù.

Điều gây phẫn nộ là Kim đã sáng lập ra Synnara Record, một công ty phân phối album Kpop nổi tiếng của Hàn Quốc và giờ vẫn làm chủ tịch. Một số thành viên chủ chốt của giáo phái năm xưa vẫn đang nắm giữ các vị trí cấp cao hơn trong công ty.

Thư ký cũ của Aga Dongsan, Shin Ok Hee, được biết tới là Giám đốc điều hành của Synnara Record trên trang web của công ty này.

Fan Kpop sục sôi vì hãng phân phối album nổi tiếng xuất phát từ tà giáo hại người, nhưng vì sao rất khó để tẩy chay? - Ảnh 2.

Kim Ki Soon vẫn đang chễm chệ vị trí chủ tịch của Synnara Record.

Một tín đồ xuất hiện trong loạt phim tài liệu đã làm chứng, "Kim Ki Soon đã kiếm được rất nhiều tiền từ Synnara Record. Bà ta đã thu được lợi nhuận lớn vì không có nền tảng nào khác kinh doanh âm nhạc vào thời điểm đó". Hơn nữa, theo Namuwiki và đài MBC, số tiền đầu tư vào Synnara có đến từ việc Kim bóc lột các tín đồ của Aga Dongsan. Nhờ số vốn này, Synnara có thể cung cấp album giá rẻ để dễ bề chiếm lĩnh thị trường.

Tuy hiện nay sức ảnh hưởng đã giảm nhưng Synnara Record từng được biết đến là nhà phân phối album lớn nhất Hàn Quốc. Đặc biệt, nó đã nhận được sự quan tâm từ các fandom của thần tượng khi tổ chức các sự kiện ký tặng người hâm mộ dựa trên doanh số bán album.

Từ nhiều năm trước, đã có nguồn tin báo cáo rằng Synnara Record có liên quan đến Khu vườn Trẻ thơ. Một số người hâm mộ đã nhận ra điều này và muốn tạo ra phong trào tẩy chay nhưng chưa dẫn đến hành động cụ thể.

Bình luận về sự liên quan giữa Khu vườn Trẻ thơ với Synnara, nhiều fan Kpop thể hiện sự bức xúc:

Trên Twitter, người dùng @doobidubabb nói: 

"Nếu bạn muốn biết Synnara được xây dựng như thế nào, hãy xem phim tài liệu trên Netflix, tập 4-6 (nếu tôi không nhầm thì nó đã được giải thích trong tập 5).

Nó được xây dựng bằng tiền của những người theo Aga Dongsan, những người phải làm nô lệ cho chủ tịch, Kim Ki Soon".

Một tài khoản khác kêu gọi tẩy chay Synnara đã thu được gần 20 nghìn lượt thích trên Twitter:

"*Vui lòng KHÔNG mua bất kỳ album Kpop nào từ SYNNARA RECORD*

Theo bộ phim tài liệu Netflix "In the name of God: A holy betrayal", người sáng lập giáo phái có tên Aga Dongsan, Kim Ki Soon đã thành lập Synnara Record.

Bà ta đã mua đất bằng số tiền kiếm được từ Synnara Record".

"Quyền lực" của Synnara Record

Tuy nhiên, bất chấp kêu gọi của fan quốc tế, sẽ có rất nhiều khó khăn thực tiễn trong việc đẩy cao phong trào tẩy chay đối với một nhà phân phối âm nhạc lớn như Synnara. Để biết được tại sao Synnara lại trụ vững như vậy, trước hết cần hiểu vì sao ngay cả trong thời đại kỹ thuật số, album vật lý vẫn có giá trị rất cao với ngành âm nhạc Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc chứng kiến doanh thu từ định dạng đĩa cứng tăng gần 29% trong năm 2018, đó là năm thứ hai liên tiếp quốc gia này báo cáo mức tăng doanh thu đĩa cứng lớn nhất trên toàn thế giới. 

Theo tổ chức ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu IFPI, tới hơn 40% trong tổng doanh thu âm nhạc trị giá 599,9 triệu đô la của Hàn Quốc đến từ các ấn phẩm vật lý.

Fan Kpop sục sôi vì hãng phân phối album nổi tiếng xuất phát từ tà giáo hại người, nhưng vì sao rất khó để tẩy chay? - Ảnh 3.

Album Kihno 'Attacca' của nhóm nhạc K-pop SEVENTEEN và các phần tặng kèm.

Một album Kpop hiện nay thông thường không chỉ bao gồm đĩa CD chứa nhạc, mà còn có rất nhiều ấn phẩm, quà tặng kèm khác để thu hút fan, chẳng hạn như standee, áp phích, thẻ bo góc, các ấn phẩm truyền tải thông điệp của nghệ sĩ… mang giá trị sưu tầm cao. Ngoài Synnara, một số hãng phân phối loại mặt hàng này nổi tiếng là ktown4u, Webly, Hottracks…

David Price, giám đốc phân tích của IFPI, cho biết có lý do cụ thể cho sức hấp dẫn của các ấn phẩm Kpop vật lý. Ngoài các bìa biến thể, các album Kpop thường chứa nhiều món quà bổ sung, chẳng hạn như ảnh sưu tập được hoặc thẻ hình ba chiều, áp phích, nhãn dán và thậm chí cả bản sao các bức thư viết tay của các thành viên trong một nhóm. 

Không có gì lạ khi 50 thẻ sưu tập khác nhau được sản xuất cho một lần phát hành album và người hâm mộ thường mua nhiều bản sao của một đĩa CD với hy vọng sưu tập được cả bộ hoặc tìm được những thẻ hiếm. (Các thị trường thứ cấp trên eBay, Facebook và Twitter cũng tồn tại nơi người hâm mộ mua và trao đổi các quà tặng kèm này).

"Người hâm mộ không mua album để nghe nhạc; Họ thậm chí còn không có đầu đĩa CD", Jiyoon Lee, người đứng đầu studio sáng tạo XXX có trụ sở tại Seoul, nơi đã sản xuất album và các nội dung khác cho các nhóm nhạc Kpop như EXO, BTS, TXT và LOONA, cho biết. 

"Vì vậy, các album phải là thứ gì đó đặc biệt, thứ mà người hâm mộ muốn thu thập", Lee cho biết nhu cầu về bìa album Kpop sáng tạo, bắt mắt đã tăng đều đặn kể từ khi cô mở studio của mình vào năm 2011.

Chris Lee, Giám đốc điều hành của SM Entertainment cho biết, hình ảnh được kết hợp vào thiết kế giúp tăng cường câu chuyện sáng tạo của mỗi bản phát hành Kpop.

Các chiến lược tiếp thị kiểu xổ số khuyến khích người hâm mộ mua hàng trăm, thậm chí kêu gọi tạo nhóm mua hàng chục nghìn album để nâng cao cơ hội giành được vé tham dự các buổi gặp gỡ và giao lưu của ban nhạc cũng đang góp phần làm tăng số lượng album Kpop vượt qua mốc doanh số quan trọng như một triệu bản.

Bernie Cho, người đứng đầu DFSB Kollective, một công ty xuất khẩu âm nhạc Hàn Quốc cho biết: "Đối với người hâm mộ, quan trọng không phải là mua nhạc. Bạn đang thể hiện lòng trung thành của mình. Và sự trung thành đó giúp album được xếp hạng cao hơn".

Thật vậy, việc mua album không chỉ có ý nghĩa sưu tập, mà có đóng góp "thực tiễn" cho thần tượng. Tại Hàn Quốc, có 2 bảng xếp hạng quan trọng sử dụng doanh số bán hàng vật lý để xếp hạng nghệ sĩ và trao giải theo từng mốc thời gian, đó là Hanteo và Gaon. Chẳng fan nào không muốn thần tượng mình được xếp thứ hạng cao và có thành tích tốt, từ đó giúp họ có sự nghiệp thăng hoa hơn, nên họ càng đổ xô mua album.

Fan Kpop sục sôi vì hãng phân phối album nổi tiếng xuất phát từ tà giáo hại người, nhưng vì sao rất khó để tẩy chay? - Ảnh 4.

Bảng xếp hạng danh giá như Gaon và Hanteo thu thập dữ liệu doanh số từ các nhà phân phối như Synnara.

Vấn đề nảy sinh ở chỗ để có thứ hạng cao trên Hanteo và Gaon, fan phải đặt trước (pre-order) và mua thật nhanh khi album ra mắt để tăng khả năng tính điểm theo thời gian thực. Synnara đáp ứng rất tốt nhu cầu này, bởi hãng nổi tiếng là bán hàng uy tín, giá cả cạnh tranh và giao cực nhanh so với các hãng khác, nhất là trên thị trường quốc tế. Quan trọng không kém, Synnara có một đặc quyền khó chê là tạo cơ hội cho các fan mua album được xuất hiện trong sự kiện giao lưu, ký tặng của idol.

Hơn nữa, việc đặt mua hàng qua website của Synnara hay qua trung gian (trong trường hợp người hâm mộ ở Việt Nam chẳng hạn) là khá dễ dàng với nhiều hướng dẫn chi tiết, cụ thể, càng khiến lựa chọn này khó chối từ với fan quốc tế.

Theo một bài báo trên trang tin của đài MBC, Synnara Distribution chiếm 30% thị phần phân phối âm nhạc vào những năm 1990 và nền tảng cho thành tích này là sự hy sinh của khoảng 200 nhân viên, tất cả đều là tín đồ của Aga Dongsan, những người làm việc không lương, được bao ăn ở hoàn toàn bởi công ty và từ chối cung cấp thông tin cho người ngoài. Nhờ việc này, Synnara có khả năng hạ giá một số album tới 15%.

Sức hút của Synnara khiến nó vẫn đứng vững ngay cả trong thời kỳ ngành bán lẻ âm nhạc chịu suy thoái. Theo Namuwiki, trong cộng đồng người hâm mộ Kpop còn lưu truyền câu nói nổi tiếng: Synnara Records trực tuyến và Hottracks ngoại tuyến. 

Chưa kể, người hâm mộ của những nhóm nhạc mới sau này là những người trẻ ở độ tuổi thiếu niên và ngoài 20, hoặc thậm chí ở nước ngoài - những người không biết nhiều về vụ việc Aga Dongsan. Trên thực tế, nhiều người trong số những người hâm mộ này bị sốc khi biết rằng Synnara Record có dính líu tới hoạt động kiếm lợi nhuận giả danh tôn giáo.

Synnara Record đang thực hiện nhiều nỗ lực nhằm rũ bỏ hình ảnh của Aga Dongsan trong quá khứ. Công ty này nỗ lực phát hành các đĩa nhạc truyền thống và in lại các đĩa nhạc Hàn Quốc hiện đại từ trước những năm 1950, tập trung vào các dự án công cộng.

Họ tuyên bố rằng 'nghi phạm giết người trong quá khứ đã được chứng minh là vô tội trước tòa và Synnara Record là một cộng đồng gồm những người lao động đầy nhiệt huyết"..

Trước khi tái cấu trúc vào năm 2016, màn hình chính của trang chủ công ty Synnara Media có khẩu hiệu và hình ảnh bé gái gây liên tưởng đến Aga Dongsan. Khi trang chủ được tổ chức lại, hình ảnh được đề cập đã biến mất.

Để ảnh hưởng của Synnara thu hẹp, hoặc các bảng xếp hạng như Gaon và Hanteo phải loại bỏ doanh thu tính từ Synnara (ít có khả năng do mối quan hệ làm ăn lâu dài), hoặc cộng đồng fan cả nội địa và quốc tế phải dừng coi Synnara là một "thánh địa" mua album và bỏ qua những hấp dẫn khó chối từ của nhà phân phối này.

Việt Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link