Federer muốn đến Việt Nam

30/01/2015 06:54 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Tám năm sau cái gật đầu trước câu hỏi có sẵn sàng đến Việt Nam không, Federer vẫn nói rằng anh muốn tới đây.

Lần đầu tiên là năm 2005. Federer cho biết anh sẵn sàng tới Việt Nam tham gia một giải đấu nào đó khi trả lời một tờ báo hải ngoại. Còn lần thứ hai, là cuối năm 2013, khi tennis không còn là ưu tiên duy nhất, và muốn cùng gia đình (lúc đó mới chỉ có hai con gái sinh đôi) đi tới những miền đất lạ, có hai địa điểm Federer muốn tới thăm ở châu Á: bên cạnh Campuchia là Việt Nam. Chia sẻ này được đăng trên tờ Điện tín (Telegraph) của Anh.   

Nhưng sự quyến rũ từ Việt Nam với Federer không chỉ dừng ở đó. Nhà hàng anh hay tới ở Dubai có tên là Voi, nằm trên hòn đảo Cọ lừng danh, chuyên phục vụ các món ăn Việt có phần "Pháp hóa". Xin mở ngoặc, Dubai được coi là quê hương thứ hai của Federer. Anh có nhiều dinh thự và tổ hợp tập luyện tennis ở đây. Và là nơi anh dừng chân ở thời gian giữa hai giải đấu.

Rõ ràng rằng Federer đã có một khái niệm nào đó về Việt Nam, một vẻ đẹp bí ẩn mà chúng ta đã và đang quảng bá. 


Federer đã có một khái niệm nào đó về Việt Nam

Câu hỏi đến đây chỉ còn là ai sẽ mời Federer tới Việt Namvà làm thế nào để anh có thể chơi một vài trận đấu ở đây trước khi anh thực sự gác vợt?

Trước khi gợi ý luận bàn một vài khả năng, hãy thử hình dung Federer và một ngôi sao nào đó (lý tưởng nhất là Nadal) đứng trên những chiến thuyền buồn đỏ thắm dạo vài đường bóng trên nền của mặt nước xanh phẳng lặng và những hòn đảo đẹp nhất của Vịnh Hạ Long, như họ đã từng làm trên vịnh Péc-xích ở Doha.

Thể thao kết hợp với du lịch để tạo nên những sự kiện có tính cộng hưởng là mô hình mà thế giới đã áp dụng và thành công: Gần về mặt địa lý có Malaysia năm nào cũng tổ chức giải Malaysia Open để quảng bá cho ngành du lịch nước này. Xa tới nửa vòng trái đất có Charlotte ở bang North Carolina (Mỹ) hàng năm đều đặn lấy giải tennis ở đây để kích thích ngành du lịch có doanh thu cỡ 20 tỉ USD (vốn đã có sự đóng góp đáng kể từ các cuộc đua ô tô Nascar).

Một sự kiện như thế nếu có liệu có trở thành minh chứng cho hiệu quả của việc tại sao chúng ta lại kết hợp ba ngành trong một bộ (còn gồm cả văn hóa).

Dĩ nhiên để Federer tới Việt Nam trong một sự kiện thể thao thương mại không rẻ. Anh là người có phí ra sân cao nhất, chừng hơn 1,5 triệu – 2 triệu USD cho một sự kiện tennis thương mại thuần túy (không gắn với lịch trình tham dự ATP Tour), trong khi Nadal là 1,2 triệu – 1,5 triệu và tiếp theo mới tới Djokovic, Murray...

Số tiền ấy không rẻ, có thể mời một đội bóng tầm cỡ ở châu Âu, nhưng không phải ngẫu nhiên, cả thế giới chấp nhận trả tiền cho những ngôi sao tennis khi mà tầm ảnh hưởng của họ đã buộc hầu hết các định chế tài chính hàng đầu thế giới và những thương hiệu xe hơi, đồng hồ nổi tiếng nhất hành tinh và cả những hãng vận chuyển du lịch lừng danh phải gắn tìm đến.

Và người ta vẫn bảo, tennis dù đã không còn quý tộc một cách tuyệt đối thì nó vẫn là trò chơi thể hiện đẳng cấp (và đam mê) của những tỉ phú. Ông chủ của Oracle, Larry Ellison, kể từ khi mua lại giải Masters 1000 Indian Wells năm nào cũng được cầm vợt dạo bóng với người mà cả nhà ông cùng ngưỡng mộ, Nadal.

Không lẽ, ở một đất nước đã có tới hơn 100 chiếc Rolls-Royce và không ít trong số đó được dùng để đánh bóng tên tuổi như Việt Nam lại không có tỉ phú nào đó không thích cầm vợt đấu với Federer? Mà chưa kể là sự kiện ấy còn có thể sinh lời.

Phạm Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link