13/01/2017 12:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thấm thoắt, V-League đã vắt qua tuổi 17. Nếu tính từ thời điểm bầu Kiên "khởi nghĩa", đã 6 năm giải đấu cao nhất xứ sở mang trên mình bộ vó mới, nhưng...
Năm 2007, sau khi quyết định xoá sổ Thai-League, lập ra Thai Premier League theo phiên bản giải Ngoại hạng Anh, đến nay, người Thái có thể nói là thành công rực rỡ. Từ chất lượng chuyên môn đến độ lan toả, thu hút đầu tư, giải bóng đá số 1 Thái Lan đã và đang được biết đến như một giải đấu hàng đầu châu lục. Tất nhiên, nó vẫn xếp sau K-League, J-League 1 hay C-League (giải nhà nghề Trung Quốc - PV)...
Lại nói J-League. Chỉ 6 năm sau khi giải đấu này ra đời, năm 1992, ĐT Nhật Bản đã lần đầu tiên giành suất tham dự một VCK World Cup, France 98 tại Pháp. Bằng với sự đầu tư lớn chưa từng có, cùng một chiến lược bài bản, nghiêm túc, từ nhiều năm nay, J-League đã chứng minh là giải đấu số 1 châu lục. Cùng với K-League Classic, đây là 2 trong số không nhiều những giải VĐQG có năng lực xuất khẩu cầu thủ.
Trở lại với V-League. Chúng ta không phải chưa từng tạo nên một giải đấu chất lượng hàng đầu, với các đội bóng hàng đầu, đủ năng lực cạnh tranh ở tầm châu lục, mà B.Bình Dương là một điển hình. Nhưng giải đấu, vì nhiều lý do, vẫn có cảm giác yểu mệnh. Người người, nhà nhà, luôn chực theo người bỏ cuộc chơi. Trước V-League 2017 khởi tranh, cựu vương B.Bình Dương, đội bóng từng 4 lần vô địch, không đánh mà hàng.Chỉ trong khoảng 7-8 năm qua, hơn chục ông chủ nói lời chia tay, và bằng chừng đó các đội bóng giải thể. Đấy là vấn đề của nhà tổ chức, là vấn đề của những người tạo ra cuộc chơi này. Họ phải có trách nhiệm, chứ không phải lấp liếm cho qua, kiểu như có bao nhiêu chơi bấy nhiêu. Ví như mùa hạng Nhất 2017, việc hàng loạt các CLB rút lui, cũng phải xem lại bộ phận đầu tàu. Chân đế yếu thế, khó lòng tạo nên phần thân, hay đỉnh chóp mạnh cho được.
Vắt qua tuổi 17, V-League vẫn được Toyota gắn bó, trong chiến lược quảng bá thương hiệu và phát triển thị phần, tại khu vực Đông Nam Á, nhưng nội tại, quả thật chưa thấy đường ra, hay ít nhất là ánh sáng cuối đường hầm trong việc nâng tầm giải đấu. Khái niệm "giải đấu số 1 khu vực", có thể không hẳn tự phong, nhưng nó chỉ là dĩ vãng và khó thể lặp lại. Chúng ta vừa nhắc đến Thai Premier League, đấy là chưa nói đến Sing League, hay Malaysia League, Indo...
Vấn đề là, người trong cuộc có chấp nhận sự thật và tìm cách vươn lên hay không, hay chỉ vun vén cho mỗi mình.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất