Cuộc đua vô địch V-League: Tam anh 'đánh' ngôi vương

15/07/2016 14:49 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là thời điểm rõ nhất mà cuộc đua vô địch V-League thành hình với sự rút lui của B.Bình Dương, trong khi Hải Phòng vẫn trụ lại ở đỉnh, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng đã trở lại, trong khi FLC Thanh Hóa không hề giấu diếm tham vọng.

Có ý kiến cho rằng, chưa thể loại đương kim vô địch B.Bình Dương ra khỏi cuộc đua lúc này, khi đội bóng đất Thủ cũng chỉ kém tốp có huy chương 6 điểm. Nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó.

Luận tướng, luận thời cuộc

Việc B.Bình Dương sa sút ở những vòng đấu gần đây, cũng như sự thiếu ổn định của các ứng viên kiểu Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hoá hay Hà Nội T&T…, khiến cho hoạn lộ của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng trở nên hanh thông. Thời thế là một chuyện, nhưng sức mạnh nội tại và đặc biệt là khâu tổ chức đội bóng, mới là yếu tố quyết định. Hải Phòng là đội giành chiến thắng nhiều nhất (10/15 trận đã đấu), để thua ít nhất (2/15 trận) và để lọt lưới ít nhất (11 bàn/15 trận)…

Những con số không hề vô tri, ngược lại, nó còn biết nói, khi ở đất Cảng, HLV Trương Việt Hoàng thực sự đã thu phục được lòng quân, để tất cả đều “cùng nhìn về một hướng”. Chẳng có nghệ thuật đắc nhân tâm nào ở đây cả, mà chỉ có cái tình, sự trung thực. Thầy trò Hoàng “bột” tình như thủ túc và trong những tình huống cụ thể, kể cả khi có khúc mắc, họ sẵn sàng đối thoại như những người đàn ông, cũng là để hiểu nhau hơn. Đấy là cái lợi của tướng trẻ, khiêm nhường mà quyết đoán.


Hải Phòng cho thấy họ có đủ khả năng vô địch - Ảnh: TTXVN

Về điều này, Lê Huỳnh Đức cũng xứng là bậc kỳ nhân dị tướng. Đức vô địch V-League ngay năm thứ 2 của sự nghiệp huấn luyện, khi mới 38 tuổi (V-League 2009). Cựu danh thủ thế hệ vàng có thêm chức vô địch thứ 2 sau đó 3 năm, để được biết đến như vị tướng trẻ thành công nhất trong lịch sử giải đấu. Huỳnh Đức quyết đoán có thừa, kinh nghiệm V-League trăm trận lớn nhỏ và tài năng cũng đã được kiểm chứng. Vấn đề còn lại là bầu Hiển liệu có bật đèn xanh, dồn lực cho Chi Lăng?!

Chu Đình Nghiêm ở Hà Nội T&T cũng có thể so được với Trương Việt Hoàng, nhưng Nghiêm lại đang vào vai “cascadeur” và ít nhiều cũng dễ thoả hiệp. Thời gian dài trước khi lãnh đạo Hà Nội T&T có ý định chia tay HLV Phan Thanh Hùng, trợ lý Chu Đình Nghiêm đã được mớm ngồi ghế lái trưởng, nhưng cựu hậu vệ xứ Thanh chỉ nhỏ nhẹ: “Làm thế anh em khó nhìn mặt nhau lắm”. Đến khi Thanh Hùng rời Hàng Đẫy, Nghiêm vẫn lần lữa, ngập ngừng, để Minh Đức tạm cầm đội.

Dài dòng thế để thấy rằng, sự quyết đoán rất quan trọng. Nếu Chu Đình Nghiêm cầm Hà Nội T&T ngay từ đầu mùa, với đầy đủ tính kế thừa từ đàn anh Thanh Hùng, đội bóng Thủ đô đã không mất một thời gian dài lao đao, để rồi đến đầu giai đoạn lượt đi mới tìm lại được đường đua. Về mặt con người (cầu thủ), cũng như cơ chế, có thể nói HLV Chu Đình Nghiêm ở Hà Nội T&T hiện tại thuận lợi hơn cả Lê Huỳnh Đức tại Chi Lăng hay Trương Việt Hoàng ở Lạch Tray.

SHB Đà Nẵng thắng, Merlo không ghi bàn

SHB Đà Nẵng thắng, Merlo không ghi bàn

Lần đầu tiên ở mùa giải này, SHB Đà Nẵng giành chiến thắng mà Merlo không trực tiếp lập công. Hải Phòng tổn thất lực lượng nặng nề khi 3 trụ cột Văn Nhiên, Fagan và Lê Văn Phú phải ngồi ngoài vì nhận đủ thẻ phạt.


Chúng ta cũng không thể bỏ qua FLC Thanh Hoá của bậc tiền bối Lê Thuỵ Hải, nhưng như chính lời ông Hải “lơ” từng thừa nhận, lực của xứ Thanh chưa đủ mạnh để đánh chiếm ngôi vương. Đặc biệt, FLC Thanh Hoá đã và đang gặp vấn đề ở hàng phòng ngự, với 24 bàn thua/15 lượt trận và chỉ hơn được 3 đội bét bảng về chỉ số này.

Và vai trò của trọng tài

Khi cuộc đua trở nên rõ ràng với danh sách ứng viên, thì nó lại trở nên bấp bênh bởi yếu tố trọng tài. Có ít nhất hai trong số đó cho rằng họ là nạn nhân: Hải Phòng và FLC Thanh Hóa.

Trong 5 lần mất điểm ít ỏi kể từ đầu mùa giải của đội bóng đất cảng, đó đều là những tai nạn và mới đây nhất, theo tố cáo của BHL Hải Phòng, họ đã bị tổ trọng tài (TT) “dí” ở Pleiku.

“Sự nghiệp thi đấu cũng như huấn luyện, tôi chưa từng có phản ứng gay gắt với đội ngũ TT. Nhưng tình huống dẫn đến bàn thua của Hải Phòng trận đấu với HAGL là rất khó chấp nhận. Trợ lý 2 Nguyễn Thành Trung đã dựng cờ báo việt vị, nhưng lại tự “đè cờ” ngay sau đó, để Ideguchi ghi bàn. Diego Fagan chạy lại hỏi tại sao, ngay lập tức bị dính thẻ vàng. Cầu thủ của tôi đã phải chiến đấu trên sức bình sinh những phút còn lại, để giành lại được 1 điểm”, HLV Việt Hoàng chia sẻ.

Tướng trẻ Việt Hoàng cũng rất bức xúc, không hiểu tại sao BTC V-League 2016, cũng như đài địa phương, đã không bố chí bất cứ máy quay nào để ghi lại diễn biến trận đấu và các tình huống mà Hải Phòng tố là họ bị ép. “Việc họ giấu nhẹm trận đấu ở Pleiku như thời Nguyên thuỷ, có là học thuyết âm mưu hay không, thì tôi không biết, nhưng nếu cứ điều hành nền bóng đá và các giải đấu như thế này, thì đừng mong mỏi bóng đá Việt Nam sẽ đi lên”, trợ lý HLV Lê Sỹ Mạnh tiếp.

Còn FLC Thanh Hóa thì hai vòng đều kêu oan, và nỗi oan trận gần nhất quá rõ khi bóng chạm tay mười mươi cầu thủ đối phương trước khi chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn.

Nếu gạt sang một bên những yếu tố phi chuyên môn, thì Hải Phòng vẫn sáng cửa nhất. Bằng với một hệ thống phòng ngự có chiều sâu, lối chơi rõ mảng miếng, sức công phá của bộ đôi Fagan – Stevens, cùng đôi cánh Xuân Hùng – Văn Thắng…, HLV Trương Việt Hoàng có đầy đủ chất liệu để dệt giấc mộng vàng, mà có thể không cần bận tâm đến phần còn lại. Cách biệt về điểm số là rõ ràng, sức mạnh nội tại và khâu tổ chức đội bóng (tốt) cũng rất hiện hữu. Dẫn đầu kể từ khi V-League 2016 khởi tranh cho thấy họ sẵn sàng là Leicester City của V-League.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link