27/05/2015 12:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - FLUXUS bắt nguồn từ gốc latin có nghĩa là “trôi”. “Trôi” xuất hiện mọi nơi mọi lúc; và bắt lấy một khoảnh khắc nào đó. “Trôi” – là nơi nghệ thuật phát triển tự do trên sân khấu cuộc đời, nơi những hình ảnh, những từ ngữ, âm thanh tác động mạnh mẽ lẫn nhau.
Những tiếng ồn ĩ trên đường đánh thức tôi vào lúc 4 giờ rưỡi sáng. Ngay giữa ngã tư là một con lợn – bốn chân bị trói chặt và anh thanh niên. Con lợn đang trên đường đến lò mổ và nó cố hết sức toan trốn thoát, nó vượt qua ghi đông xe rồi nhảy xuống đường.
Sau mười phút chiến đấu anh thanh niên đã mang con lợn đặt kẹp trước ghi đông xe. Tôi quay vào giường, trước khi đặt mình xuống nệm và nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của con lợn, lần này cường độ âm thanh ấy phải tăng gấp mấy chục lần. Chân bước quay lại bên cửa sổ, mắt tôi dán vào con lợn đang kêu thét không ngừng, con lợn sẽ không từ bỏ ý định trốn thoát.
Con lợn và người lái xe như sự xáo trộn giữa quãng ngã tư đang chìm trong đêm.
Hình ảnh đó, tôi gán cho nó cái tên FLUXUS.
FLUXUS là gì?
FLUXUS là một trong những trào lưu nghệ thuật tiên phong, nổi lên vào những năm cuối những năm 1950 với một nhóm nghệ sỹ đánh tan quan điểm, thái độ ảo tưởng của những người được coi là tầng lớp ưu tú trong giới nghệ thuật trên thế giới vào thời điểm đó.
Những nghệ sỹ này lấy cảm hứng từ chủ nghĩa vị lai, và Dada, họ tập trung đặc biệt vào khía cạnh trình diễn cho FLUXUS. Các nghệ sĩ theo trường phái Dada đem sự hài hước của mình vào trong nghệ thuật và cũng chính cách này họ tạo nên sự khác biệt giữa FLUXUS và các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật khác.
Marcel Duchamp và John Cage là hai nghệ sỹ có ảnh hưởng lớn nhất tới FLUXUS. Họ đấu tranh đẩy những vật dụng hàng ngày có cơ hội trở thành những nhân tố của nghệ thuật, sau này đây là những nhân tố cơ bản và được thực hành trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ FLUXUS.
FLUXUS có thể là thế này?
Trời dần sáng, tôi chăm chú nhìn vào hình ảnh quen thuộc.
Người đàn ông trước sân nhà với tinh thần kiên định, ý thức kiểm soát cao. Đôi mắt anh ta tập trung hết mức. Anh ta đang kiểm tra những sợi dây trong mớ loằng ngoằng, dây internet, dây điện và những dây tôi không kể nổi tên. Một chiếc thang nằm ngay giữa dòng xe đông đúc qua lại, dựa vào cái cột cong cong. Người đàn ông tôi nhắc tới, người đàn ông trước sân nhà đang cần mẫn tìm đoạn dây bị đứt.
Nếu ghi hình lại, đây chẳng phải một chuỗi hành động FLUXUS sao?
FLUXUS từng là tổ chức lỏng lẻo của một số nghệ sĩ rải rác trên thế giới, nhưng tại một chuỗi festival nghệ thuật ở New York, Paris, Düsseldorf, Copenhagen, Amsterdam, Stocholm và London, FLUXUS xuất hiện một cách mạnh mẽ.
Nghệ sỹ, nhà thơ người Mỹ George Maciunas được coi như người đầu tiên sáng lập ra trao lưu này và cũng như chủ nghĩa Vị Lai hay Dada trước đấy, những nghệ sỹ FLUXUS không tán thành cách đánh giá các tác phẩm nghệ thuật của các bảo tàng, họ cũng cho rằng tác phẩm nghệ thuật không chỉ dành cho những người được đào tạo trong trường Mỹ thuật, mà cho toàn dân. Điều FLUXUS hướng tới, nghệ thuật không chỉ dành cho số dông mà chính tất cả mọi người đều có thể thực hành nghệ thuật bất cứ lúc nào.
Thực sự rất khó để định nghĩa FLUXUS là gì, các nghệ sỹ FLUXUS cho rằng, hành động đó sẽ hạn chế sự cảm nhận về trào lưu này, đúng vậy, trên thực tế, bạn không thể gói FLUXUS vào trong những cụm từ.
Dòng FLUXUS tiếp tục trên con đường gần phòng tôi.
Một người phụ nữ vừa chạy xe máy, vừa cầm trên tay một ống tuýp nhựa dài cỡ 40m. Chỉ với một tay, chị phải cân bằng chiếc tủ lạnh được đóng gói phía sau xe. Đứa bé ngồi trước cái tủ lạnh và ông bố đang cố điều khiển chiếc xe với 2 túi thức ăn treo hai bên ghi đông. Cả gia đình có lẽ đang đưa đứa bé tới nhà trẻ.
FLUXUS không chỉ là những chuỗi hành động
Mặc dù FLUXUS được biết tới thông qua các tác phẩm trình diễn hoặc các sự kiện nhưng các nghệ sỹ FLUXUS cũng hướng tới những sản phẩm nghệ thuật như những chiếc hộp, bên trong là những vật dụng khác nhau (thường được gọi là hộp đồ FLUXUS), hay những bản in, phim FLUXUS.
Đôi khi những tác phẩm lại không hiện lên tính chất cá nhân, theo như các nghệ sỹ chia sẻ, họ cho rằng cái tôi cá nhân nên rời khỏi tác phẩm, những tác phẩm nên giản đơn và “FLUXUS”.
Một ngày dài trôi qua.
Tôi ngồi trên ghế sau trong một chiếc taxi. Chiếc taxi đi vào con ngõ tối. Và đột nhiên có cái gì đấy không ổn xảy ra. Bác tài dừng xe, quan sát trong gương chiếu hậu. Theo phản xạ tự nhiên tôi cũng ngoái lại. Một bà già đang lúi húi đằng sau xe. Bà nhìn thẳng vào cửa kính phía sau, chỉ tay thẳng vào chiếc taxi và làu bàu vài câu.
FLUXUS có nghĩa là “trôi”. “Trôi” xuất hiện mọi nơi mọi lúc; và bắt lấy một khoảnh khắc nào đó. “Trôi” – là nơi nghệ thuật phát triển tự do trên sân khấu cuộc đời, nơi những hình ảnh, những từ ngữ, âm thanh tác động mạnh mẽ lẫn nhau.
FLUXUS không chỉ mang ý niệm trong những khái niệm nghệ thuật. Thay vào đó FLUXUS nhấn mạnh vào những cơ hội, nhưng điều thông thường, sự hài hước và sự ứng biến trong cuộc sống. Nghệ thuật không tìm kiếm sự độc lập, nó tìm đến sự phát sinh, tính tức thời. Và kết quả cuối cùng, nó luôn mang tính lâm thời, kết quả này không nói lên mục đích của nghệ sỹ, nó phụ thuộc vào khán giả. Chủ nghĩa Hiện đại được nhận ra theo cách như vậy.
Ở đây, nghệ thuật thay vì những sự kiện, những ý tưởng mang màu sắc chính trị, nghệ thuật nằm nay giữa cuộc sống hàng ngày, ngay trong thực tại. Cuộc sống hàng ngày kết hợp với FLUXUS đem tới cái nhìn hoàn toàn mới mẻ và có ảnh hưởng lớn tới các trào lưu nghệ thuật sau này.
Những số tới chúng tôi sẽ đưa tới các bạn những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ FLUXUS.
Xem kỳ 1 TẠI ĐÂY
Phan/ Fredriksson
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất