10/05/2014 09:28 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Thể thao & Văn hóa đặt vấn đề với ông Ngọc Anh cựu đội trưởng kiêm HLV Trà Dilmah, rằng tại sao và như thế nào mà đội bóng đại diện Hà Nội lại có thể chiếm lĩnh đỉnh cao trong một thời gian dài với bộ môn futsal (gọi nôn na là bóng đá trong nhà, luật sân 5 người) vốn không phải sở trường, chúng tôi chỉ nhận được cái cười hiền…
Cầu thủ từng trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công cho biết: “Khoảng hơn chục năm về trước, chúng ta gần như không biết đến khái niệm futsal, với cầu thủ nghiệp dư Hà Nội thì càng không. Ngoài hệ thống các sân bóng và luật 11 người, chúng tôi thi đấu chủ yếu trên mặt sân đất nện, 7 người hoặc cùng lắm đá sân 5, gọi là bóng đá mini chứ không biết luật futsal. Dù kỹ năng chơi bóng, kích thước quả bóng, mặt sân, phương thức di chuyển và cả thể lực có nhiều sự khác biệt, nhưng để có thể thích nghi nhanh như thế, đòi hỏi phải có tư duy”.
Như đã nhắc, dù rất hiếm khi “chui” vào nhà thi đấu để tập và chơi futsal, nhưng Trà Dilmah đã thống trị các giải đấu tứ hùng, giải cụm và cả giải vô địch quốc gia futsal những năm đầu tiên được tổ chức (2006-2007), cho đến trước khi họ chính thức rút lui khỏi cuộc chơi (cuối năm 2009).
Theo kể lại của người trong cuộc, đã có hẳn một chiến dịch chống lại sự thống trị, thậm chí loại bỏ Trà Dilmah ra khỏi các cuộc chơi vào thời điểm đó. Từ những án kỷ luật (cá nhân và tập thể), cho đến những tác động, o ép, như một “thuyết âm mưu”.
Khoảng hơn nửa thập niên đầu của thế kỷ 21, phong trào tập luyện futsal ở TP.HCM đặc biệt phát triển, thông qua hệ thống các giải đấu như 2030, giải các trường Đại học hay đỉnh cao là giải vô địch TP.HCM và giải mở rộng, cùng sự xuất hiện của các phiên hiệu như Thái Sơn Nam, Ô tô Phạm Gia, Tâm Nhật Minh, Tân Hiệp Hưng, FC Đồng Đồng…
Có cả những chuyên gia nước ngoài được mời về và trong một nỗ lực “phổ cập” bộ môn futsal ở Việt Nam, AFC đã hỗ trợ tối đa để TP.HCM lần đầu tiên đứng ra đăng cai giải vô địch châu Á năm 2005.
Từ bóng đá mini nghiệp dư (trong nhà cũng như trên sân cỏ nhân tạo ngoài trời và chơi bằng quả bóng 2030 ít nẩy), TP.HCM là lá cờ đầu của cả nước chuyển mình qua futsal chuyên nghiệp trong khoảng 7-8 năm đổ lại, nhưng futsal TP.HCM vẫn cứ thua nhiều hơn thắng, đặc biệt là mỗi lần đối đầu với… Trà Dilmah. Tất nhiên, bằng quyết tâm, những đầu tư, cùng lộ trình được vạch sẵn, vị thế số một của futsal TP.HCM dần được khẳng định từ đôi ba năm qua. Nói như người trong giới thì ở TP.HCM, chỉ bầu Tú (ông Trần Anh Tú) mới có thể đưa futsal Việt Nam ra châu lục.
Sự khắc nghiệt của futsal là điều không phải bàn cãi, khi ngay cả những danh thủ như Hồng Sơn, Minh Hiếu, Tuấn Thành…, cũng “không biết chạy thế nào trên sàn gỗ” (hoặc sàn nhựa tổng hợp chống bào mòn). Một nhóm 4 người (không kể thủ môn) chỉ cần chạy khoảng 3 phút là mệt bở hơi tai nếu không được chuẩn bị tốt về thể lực. Thoạt nhìn, 2 đội hình 4 x 4 chơi bóng như kiểu “đá ma” phổ thông với đủ các kỹ năng như vê gầm giầy, chích mũi, gót, kéo, đảo, đá “lé”…, nhưng khác biệt lớn nhất là cách di chuyển đội hình không bóng.
Phần vì futsal mới chỉ du nhập vào Việt Nam chừng chục năm, phần nữa, sự hạn chế về hình thể, cơ địa…, là những bất lợi rất hiện hữu khác. Ông Bruno Formoso, HLV trưởng ĐT futsal Việt Nam, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: “Sẽ rất khó khăn để tấn công và duy trì sự ổn định của futsal Việt Nam trong tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, mà không phải thông qua một giải đấu như AFC Futsal Championship 2014, khi chúng ta đã lọt vào tới tứ kết. Đó là một chặng đường dài và chúng tôi sẽ làm việc cật lực để hướng tới mục tiêu này”.
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất