(Thethaovanhoa.vn)- Ngày 16/7, tại bảo tàng Đà Nẵng, 170 thanh thiếu niên là kiều bào Việt Nam từ hơn 30 quốc gia trên thế giới đã được tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong buổi tham quan này, các bạn được tiếp cận với hơn 200 bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó có một số văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX - khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 - 1841) đến thời Bảo Đại (1925 - 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa…
Đây là những văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá trị về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Buổi tham quan giúp các kiều bào trẻ của Việt Nam hiểu thêm về chủ quyền đất nước Ngoài ra, còn có các bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; các bản đồ nước ngoài và Trung Quốc về cương vực lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, có Bộ Atlas thế giới của Phillipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ lần đầu tiên được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Cảnh sát biển kể chuyện việc Trung Quốc hung hăng trên biển Việt Nam như thế nào Đây là khối lượng lớn các tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước sưu tầm, tập hợp gửi về nước để góp phần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam.
Bạn Trần Hồng Ngọc (Ukraine) chia sẻ: “Em là du học sinh tại Trung Quốc hơn 4 năm. Tại đây, người dân chỉ được nghe thông tin một chiều từ phía chính phủ Trung Quốc. Nhưng em và nhiều người Việt đã giúp các bạn của mình hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam, về việc đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của nước ta”.
Cảm tưởng của một bạn trẻ khi xem các tư liệu. Mới 18 tuổi, mặc dù nói tiếng Việt còn chưa chuẩn nhưng bạn Khánh Ngân đến từ Ba Lan đã rất xúc động khi được nghe thuyết trình và tận mắt chứng kiến những tư liệu lịch sử này: “Em rất tự hào khi được chứng kiến những bằng chứng lịch sử này. Ở Ba Lan, bố mẹ và gia đình em cũng biểu tình để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào biển Việt Nam”.
Buổi tham quan đã giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm về chủ quyền và tự hào về lịch sử đất nước. Qua đây, các bạn trẻ sẽ chia sẻ với bạn bè quốc tế về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hồng Thúy