27/02/2015 07:03 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Một người đàn ông Anh vừa được xác định là đao phủ "John thánh chiến" nổi tiếng, kẻ mặc đồ đen bịt mặt đã xuất hiện trong nhiều đoạn video cắt đầu con tin phương Tây rất rùng rợn của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tờ Guardian cho biết gã đao phủ bí ẩn này, kẻ cầm dao đoạt mạng nhiều con tin, là Mohammad Emwazi, một thanh niên 26 tuổi sống ở Tây London. Gã đã được một nhóm con tin phương Tây đặt cho biệt danh "John thánh chiến". Họ cũng mô tả gã là thành viên của một nhóm chiến binh mang tên “the Beatles”.
Hành trình tới chủ nghĩa cực đoan
Cái tên Mohammad Emwazi được tờ Washington Post nêu ra đầu tiên trong buổi sáng ngày 26/2, qua đó kết thúc nỗ lực che giấu danh tính kéo dài lâu nay của gã đao phủ. Theo Guardian, Emwazi đã trực tiếp canh gác các con tin phương Tây và xử lý những cuộc thương thuyết đòi tiền chuộc với gia đình họ. Gã tự tay hành quyết các con tin mà gia đình và chính phủ của họ không trả tiền chuộc, gần như chẳng thể hiện cảm xúc nào khi thực hiện các màn cắt đầu rùng rợn.
Emwazi tới Anh từ khi mới được 6 tuổi, sau khi chào đời ở Kuwait. Gã lớn lên ở Tây London và được biết tới như một thanh niên trẻ bặt thiệp, cư xử phải phép. Những người quen biết Emwazi nói rằng gã thích mặc quần áo thời trang và rất sùng đạo Hồi. Gã để râu rậm và thường tránh nhìn thẳng vào phụ nữ.
Emwazi tốt nghiệp đại học hồi năm 2009 trong ngành công nghệ thông tin. Ngoài tiếng Anh, gã nói trôi chảy tiếng Arab. Tuy nhiên thay vì trở thành một kỹ sư máy tính, gã lại lọt vào tầm ngắm của lực lượng tình báo MI5 của Anh.
Theo những người có quan hệ với "cộng đồng thánh chiến" sống kín đáo ở Tây London, Emwazi bắt đầu bị an ninh Anh để ý từ cách đây 5-6 năm. Trong số những kẻ là bạn bè của Emwazi có Bilal el-Berjawi, một người London gốc Lebanon, đã thiệt mạng vì trúng tên lửa không người lái ở Somali cách đây 3 năm.
Tháng 8/2009, Emwazi tham gia một chuyến đi nghỉ ngắm động vật hoang dã ở Tanzania. Nhưng ngay khi vừa xuống khỏi máy bay, gã đã bị bắt. Emwazi sau đó đã viết thư điện tử cho CAGE, một tổ chức hoạt động bênh vực quyền lợi của những người bị ảnh hưởng từ cuộc chiến chống khủng bố của Anh - Mỹ, biết rằng mình bị các thành viên lực lượng an ninh Tanzania cầm súng đe dọa và đánh đập.
Sau khi không được nhập cảnh vào Tanzania, Emwazi bị đưa lên máy bay tới Hà Lan. Ở đây gã bị một nhân viên MI5 có biệt danh Nick thẩm vấn. Người này cáo buộc gã đã tới Somalia chiến đấu cùng nhóm chiến binh al-Shabaab.
Trong các lá thư điện tử gửi tới cho CAGE, đã lọt vào tay tờ Guardian, Emwazi nói rằng tình báo Anh "biết mọi thứ về gã". "Họ biết nơi tôi sống, tôi làm gì, chơi với ai" - gã thổ lộ.
Emwazi còn cho biết tình báo Anh đã tìm cách tuyển mộ gã, đề nghị việc hợp tác với họ. Khi Emwazi từ chối, MI5 đã cảnh cáo rằng cuộc sống từ nay sẽ khó khăn hơn với gã.
Trong vòng vài tháng tiếp theo, Emwazi lại bị bắt và thẩm vấn. Đó là khi Emwazi quyết định dọn tới sống ở Kuwait, nơi gã tìm được việc làm tại một công ty máy tính. Emwazi có trở lại London 2 lần và lần thứ 2 là để hoàn tất kế hoạch cưới một người phụ nữ ở Kuwait.
Tuy nhiên tháng 6/2010, tình báo Anh đã bắt giữ Emwazi thêm một lần nữa. Họ lấy dấu vân tay và còn lục soát đồ đạc của gã. Khi Emwazi tìm cách bay tới Kuwait trong ngày tiếp theo, gã đã bị cản trở. Trong thư gửi CAGE, gã nói rằng đã bị một nhân viên an ninh bóp cổ lúc thẩm vấn.
Chính quyền Anh từ chối bình luận
Guardian đánh giá dường như việc bị cấm bay tới Kuwait - nơi Emwazi chào đời, có việc làm và chuẩn bị kết hôn - đã là giọt nước tràn ly, khiến gã hết sức chịu đựng. "Tôi có việc làm và một cuộc hôn nhân đang chờ đón mình" - Emwazi viết trong một lá thư gửi tới CAGE vào tháng 6/2010 - "Nhưng giờ tôi cảm thấy mình như một tù nhân, chỉ khác là không sống sau chấn song mà thôi. Tôi là một con người bị tống giam và kiểm soát bởi các nhân viên an ninh. Họ ngăn không cho tôi sống cuộc sống mới ở nơi tôi sinh ra, Kuwait.”
Các bạn thân của Emwazi cho tờ Washington Post biết rằng điều kiện sống tồi tệ ở London đã khiến gã khao khát muốn rời Anh. Emwazi từng tìm cách tới Saudi Arabia để dạy tiếng Anh vào năm 2012, nhưng không thành công. Sau đó một thời gian, Emwazi đã biến mất.
Trước khi bị báo chí công khai danh tính trong ngày 26/2, hoạt động tìm kiếm tên Emwazi chỉ mang lại các kết quả hạn chế, gồm vài địa chỉ ở Tây London, nơi gã sống cùng gia đình. Hiện nay tài khoản Facebook của Emwazi và em trai gã đã bị xóa. Các tài khoản mạng xã hội liên quan tới em gái gã cũng đã biến mất, dù gần đây cô này mới mở tài khoản LinkedIn mới ở Kuwait.
Hiện chính quyền Anh đã từ chối bình luận rằng Emwazi là "John thánh chiến". Phó phát ngôn viên của Thủ tướng David Cameron tuyên bố chính quyền không thể xác nhận hoặc phủ nhận điều gì liên quan tới hoạt động tình báo.
Tường Linh (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất