Dịch bệnh tăng cao tạo áp lực cho các bệnh viện

30/10/2008 10:47 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tình trạng bùng phát các bệnh theo mùa (hô hấp, chân - tay - miệng, sốt xuất huyết…) vào cuối mùa mưa ở trẻ em diễn ra rất mạnh. Hầu hết các khu vực khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2… (TP.HCM) đều trong tình trạng quá tải. Phần lớn trẻ em đến khám khi đã bị sốt cao, ho, mẩn ngứa… Dù trẻ đang mang bệnh trong người, nhưng vẫn phải rất vất vả mới được khám.

Sốt xuất huyết gia tăng      

So với những năm trước, cuối tháng 10 là giai đoạn dịch bệnh sốt xuất huyết giảm, thì năm nay lại tăng mạnh. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ nằm viện do sốt xuất huyết khoảng 100 bệnh nhi, tăng so với tháng 8 (khoảng 80 bệnh nhi nằm viện). Trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết. Theo thống kê, tháng 10 năm 2007 số bệnh nhi nhập viện do căn bệnh này trung bình khoảng 20 ca mỗi ngày.

Chen lấn lấy số thứ tự


Phần lớn các bệnh nhi ở TP.HCM bị sốt xuất huyết đều thuộc các quận, huyện ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh, Quận 9, Hóc Môn… Đây là những vùng có nhiều kênh rạch, nước thường xuyên tù đọng, không được vệ sinh, nạo vét thường xuyên nên rất ô nhiễm. Đó chính là nơi “thích hợp” giúp loăng quăng, muỗi sinh sống và gây dịch bệnh. Dịch sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng tăng mạnh ở người lớn.

Tình trạng các bệnh viện quá tải vào những tháng cuối mùa mưa hầu như năm nào cũng tái diễn, do các tuyến bệnh viện mỏng so với yêu cầu thực tế. Cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn ở các tuyến này còn nhiều bất cập. Đáng chú ý là dịch bệnh có chiều hướng ngày càng tăng cao, trong khi việc phổ biến tới các gia đình cách phòng bệnh cho trẻ, cũng như kiến thức về bệnh, sớm phát hiện dấu hiệu bệnh ở trẻ, để đưa trẻ điều trị kịp thời còn hạn chế.

Xếp hàng khám chữa bệnh

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, các ông bố, bà mẹ đều phải xếp hàng để chờ lấy số thứ tự khám bệnh cho con. Ai cũng muốn lấy được số thứ tự nhỏ để nhanh chóng được khám, vì vậy tình trạng chen lấn, xô đẩy thường xuyên xảy ra. Phần lớn mọi người đưa con đến khám từ rất sớm. Đi trễ chắc chắn phải đợi khám sau, nhưng đi sớm chưa chắc… đã về sớm. Có người đi từ sáng sớm, nhưng vẫn phải đợi đến chiều mới được khám, do số lượng bệnh nhi đến khám quá nhiều.

Để hoàn thành một đợt khám bệnh, các bé phải trải qua nhiều “cửa ải gian nan”. Sau khi chờ lấy số thứ tự, rồi đợi lấy sổ khám bệnh (đối với bé chưa có sổ sức khỏe), gian nan nhất là đợi đến lượt được khám, có khi mất cả ngày trời. Tuy vậy, sau khi khám xong (có khi khám chỉ mất vài phút), các bé lại phải đợi để được phát thuốc hoặc làm thủ tục nhập viện. Với một khoảng thời gian dài như vậy, người lớn cũng rất khó chịu, nói chi đến những đứa trẻ đang mang bệnh trong người. Các gia đình đưa trẻ đi khám bệnh đều đi hai người, để có thể vừa chăm sóc trẻ, vừa lấy được sổ khám bệnh. Tại bệnh viện, gương mặt mọi người đều rất mệt mỏi, tiếng trẻ la khóc khắp khu vực tạo nên bầu không khí rất ngột ngạt. Chị Trương Thị Ngọc Dung (quận Phú Nhuận) cho biết, mỗi lần đưa con đi khám bệnh đều rất khó khăn, cả hai vợ chồng đều phải nghỉ làm để đưa con đi khám. Dù đi từ rất sớm, nhưng có khi phải chiều tối mới về, do phải chờ quá lâu. Nhưng chị còn may mắn hơn chị Đỗ Thị Nga (Linh Trung, Thủ Đức), có lần chị phải mất 2 ngày mới khám được, vì chị đi trễ nên không được khám trong ngày. Nhà xa, con chị lại sốt nên không dám cho con đi về nhiều, hai mẹ con đành mướn nhà nghỉ qua đêm, đợi sáng sớm được khám trước.

Gia đình người bệnh ngồi chờ rất đông dù đã quá trưa


Đón trung bình 3.500 bệnh nhi mỗi ngày

Theo thống kê tại bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày ở đây đón khoảng 3.500 bệnh nhi ngoại trú đến khám. Đây là con số rất lớn. Tuy nhiên, trong tháng 10, con số đó còn lớn hơn, tình hình quá tải thường xuyên xảy ra, do lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là vào những tháng chuyển mùa, số trẻ mắc bệnh theo mùa tăng cao. Hoặc do thời tiết thay đổi thất thường, trẻ thường bị cảm sốt, ho, mẩn ngứa. Vì vậy áp lực khám bệnh tại các bệnh viện nhi rất lớn.

Tuy nhiên có một thực tế rất nghịch lí, đó là phần lớn các gia đình thường đưa trẻ đến khám vào buổi sáng, để mong được khám sớm. Vì vậy tình trạng ngồi chờ khám bệnh thường rất lâu, và kéo sang buổi chiều. Điều này vừa gây quá tải cho bệnh viện, vừa làm mất thời gian của gia đình, cũng như gây ra sự mệt mỏi, khó chịu cho trẻ. Qua quan sát, thì buổi sáng tại khu vực nhận số thứ tự thường rất đông, trong khi buổi chiều tương đối ít. Mọi sức ép buổi chiều chủ yếu là ở khu vực khám bệnh, gồm đa phần là bệnh nhân đợi từ buổi sáng.

Cũng theo thống kê tại BV Nhi Đồng 2, thì số lượng bệnh nhi đến khám bệnh vào buổi sáng thường chiếm khoảng 80%. Đây là con số chênh lệch khá cao. Thực trạng này còn phổ biến ở các bệnh viện khác tại TP.HCM như: BV Nhi Đồng 1, BV nhân dân Gia Định, BV Nguyễn Tri Phương…

Chị Lê Thị Hoa (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) cho biết: “rút kinh nghiệm lần đi khám trước, phải dậy để đi thật sớm, vừa vội vàng, vừa gây lạnh cho bé, mà vẫn phải chờ lâu mới được khám nên bây giờ chị thường đưa cháu đến khám vào buổi chiều, đỡ mất thời gian chờ lâu”. Tuy vậy, vào những ngày quá tải, nhiều người đi buổi chiều thì phải đợi… sáng hôm sau quay lại. Do đó điệp khúc “chờ” vẫn được lặp đi lặp lại.

Bước vào tháng 11, tình trạng quá tải tại các bệnh viện có thể sẽ giảm. Qua quan sát tại một số khoa ở bệnh viện Nhi Đồng 2, không còn tình trạng thiếu giường bệnh. Nhưng một phần là do phòng còn chật, nóng bức, nên gia đình bệnh nhân thường cho trẻ ra ngoài hành lang cho thoáng, giảm sức ép về giường bệnh. Họ chỉ đăng kí giường bệnh để nhận thuốc và khám bệnh, sau đó ra hành lang cho rộng rãi. Vì vậy tình trạng thiếu giường bệnh không còn.

Vũ Tiến Lực

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link