Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài

23/08/2023 19:05 GMT+7 | Văn hoá

Trò chuyện với nhà văn Trần Bảo Định trong một chiều mưa, nghe được bao nhiêu chuyện thú vị từ thế giới con chữ. Tất cả tác phẩm của ông đều mang bóng dáng của vùng đất Nam bộ quê hương, nên ông mới được bạn đọc gọi là "ông già Nam bộ nhiều chuyện".

Trần Bảo Định đến với văn chương khá muộn màng, ở tuổi 70, nhưng sức viết lại rất khỏe, đã xuất bản hơn 25 tác phẩm, nhiều thể loại. Tác phẩm Lời má năm xưa được trích đưa vào sách Ngữ văn 10, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Tạ lỗi với những chuyện xưa cũ

Tác phẩm Lời má năm xưa vốn có tên là Cánh chim thằng chài, in trong tập tạp bút Chim phương Nam, sau đó trong tập truyện Thương những ngày… Sau đó nữa thì chính tác giả trích một đoạn để minh họa cho bài viết của mình trong cuốn Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm. Đây là tác phẩm phi hư cấu và là lần đầu tiên ông viết về các loài chim ở phương Nam.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Bảo Định

Cậu bé trong tùy bút này chính là ông lúc 12 tuổi. Ngày đó, ông cùng bạn bè lấy ná rình bắn một con chim thằng chài rớt xuống sông. Má ông biết chuyện đã đánh 2 roi, kèm theo câu nói: "Sao con cướp đi sự sống của nó. Rồi, ai cướp đi sự sống của con?".

Câu nói đơn giản của má nhưng là bài học theo ông suốt đời, với nỗi ray rứt. Một lỗi lầm đã kịp thời khép lại và một thế giới về loài chim vô cùng thú vị mở ra trước mắt. Con chim run rẩy được vớt đem để ở gốc cây, rồi đồng loại của chúng đã kéo đến mớm mồi, nó khỏe lại và bay theo bầy.

Trần Bảo Định vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra hồi 1956, nay ở tuổi ngoài 70, ông viết lại trong nỗi bồi hồi nhớ má, nhớ bến sông cũ đã không còn và làng mạc đã thay đổi.

Đọc tác phẩm của Trần Bảo Định lúc nào cũng thấy thấm đẫm tình đất và nhịp sống người phương Nam. Tập tính của từng loài chim, từng loài cá hoặc bông trái quê nhà đều được ông kể lại hết sức thú vị. Nhưng khi nghe ông trực tiếp kể trong tiếng cười rổn rảng rặt Nam bộ, càng thú vị hơn nhiều lần, nghe hoài không chán.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 2.

Ông nói cá chốt hay lắm, khi con cái có bầu không bơi nổi thì con đực luôn bên cạnh để đỡ đần vợ; chuyện con cá lóc đực làm ổ cho vợ đẻ; loài rắn chuyên đi cướp hang chuột; rồi cứ thế câu chuyện kéo dài qua loài le le, bọ hung… Đời sống của các loài vật cùng với bản năng và sự sắp xếp trong trật tự của chúng được Trần Bảo Định miêu tả vô cùng sinh động, cùng với những ngẫm nghĩ liên tưởng đến con người, như cách bảo vệ đồng loại của loài chim thằng chài, hoặc sự thủy chung của cá linh…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 3.

Trang sách “Lời má năm xưa” trong “Ngữ văn 10”, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo

Đến với văn chương, hẳn ai cũng yêu thiên nhiên, nhưng nhiều nhà văn chỉ dừng lại ở mức miêu tả cảnh quan, không nhiều người tìm hiểu cặn kẽ thế giới quanh mình và viết lại như Trần Bảo Định. Mất bao nhiêu ngày tháng mới có thể quan sát (mà ông thường dùng chữ "rình coi") và viết được vậy?

Có lẽ, yêu thiên nhiên kiểu như ông mới gọi là yêu. Những trang sách của ông dễ khiến người đọc thấy thiệt thòi nếu ai đã lỡ bỏ qua, hoặc không có cơ hội "rình coi" thế giới muôn loài như "ông già Nam bộ nhiều chuyện" này. Vì có "nhiều chuyện" như vậy nên Trần Bảo Định phải viết.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 4.

Trang sách hướng dẫn phân tích “Lời má năm xưa”

Phật tính gần gũi với người bình dân

Chữ nghĩa trong văn chương của Trần Bảo Định giản dị, sáng sủa và hiền lành, cho dù viết về những điều buồn bã. Vùng đất Nam bộ hồn hậu thắp lên trong ông một cái tình chan chứa. Vậy nên, không ngạc nhiên khi cuốn Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm đã ra đời.

Ông nhận thấy trong mỗi con người bình dân Nam bộ đều có trái tim từ bi hỷ xả. Phật tính trong họ không có bóng dáng của kinh kệ hàn lâm, mà luôn biết làm điều đúng với đạo lý. Ông dùng chữ: "làm điều trái tim không thấy mắc cỡ". Ví như má ông, một người bình dân, kiệm lời, luôn dạy con những điều giản dị mà sâu sắc. Bài học bà dạy về chú chim thằng chài đã giúp ông sống đàng hoàng từ đó về sau: không lấy thứ không phải của mình, chịu thiệt thòi một chút cũng chẳng sao.

"Người bình dân không mạnh về ngôn giáo, nhưng mạnh về thân giáo và tín ngưỡng, như kim chỉ nam giúp họ sống tốt ở đời" - Trần Bảo Định nói. Đó chính là điều hấp dẫn, khiến ông miệt mài viết về những người bình dân Nam bộ, cả trong sáng tác cũng như khảo cứu.

Theo ông, Phật tính dân gian xuất phát từ nhiều nguồn, trong đó thiên nhiên là yếu tố quan trọng giúp con người học bình an, hướng về điều thiện; nếu tách rời thiên nhiên thì dễ đến gần với điều ác. Vì vậy, ngoài việc viết về hệ sinh thái xung quanh mình như một thế mạnh, ông viết để bạn đọc thấy thế giới ấy đẹp lắm, sinh động lắm, rất đáng được giữ gìn.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 5.

Tập tạp bút “Chim phương Nam”

Hỏi ông, trong khi các nhà văn dùng chữ nghĩa để bảo vệ thiên nhiên, thì bên ngoài trang sách, thiên nhiên vẫn đang bị tàn phá, có lúc nào ông thấy bất lực không? Trần Bảo Định trả lời: "Không, các nhà văn phải lên tiếng. Mỗi người góp một tiếng chuông nhỏ để đánh thức mọi người cùng nhau bảo vệ thiên nhiên - cũng là bảo vệ chính chúng ta. Thiên nhiên không bao giờ tách rời hoặc làm tổn thương con người".  

Ông không nói suông về tình yêu của mình dành cho các con kinh, dòng nước, ngọn gió, cái cây… trong khi chọn sống tiện nghi nơi phố thị. Thực sự, ông chọn sống ở một vùng quê, trong một ngôi nhà tuềnh toàng, sớm hôm "rình coi" ruộng vườn, hoa lá, đàn cá, con gà… Chính ở đây đã làm nên những tác phẩm như Bông trái quê nhà, Đời bọ hung, Kiếp ba khía, Khói un chiều

"Tôi viết để tạ lỗi với những chuyện xưa cũ, viết như một liệu pháp trị bệnh, và viết như là một thú vui" - nhà văn Trần Bảo Định.

"Là người kể chuyện"

"Ông già Nam bộ nhiều chuyện" vẫn còn rất nhiều chuyện để kể. Ở tuổi 80, hỏi ông có sợ còn nhiều điều để viết mà không viết kịp?, ông cười khề khà: "Tôi viết chơi thôi mà, có phải chạy theo mục tiêu nào đâu mà sợ không kịp. Tôi không phải là nhà văn, mà chỉ là người kể chuyện - những chuyện mắt thấy tai nghe".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 7.

Tập truyện “Thương những ngày…”

Nhưng với công chúng, ông là một nhà văn đặc sệt Nam bộ, nhẹ nhàng đem đến sự thú vị và kiến thức cho bạn đọc qua những tác phẩm khảo cứu công phu. Chẳng hạn, với cuốn Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa, bạn đọc sẽ gặp lại các nhân vật lịch sử như Lương Văn Can, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hào Vĩnh, Nguyễn An Ninh…; hoặc cuốn Phật tính dân gian Nam bộ - Đôi điều suy ngẫm sẽ thấy cái nhìn của tác giả về tính ngưỡng thờ mẹ Nam Hải, đạo Tứ Ân…

Làm sao không khâm phục khi biết ông viết trong lúc cơ thể đang bệnh nặng nhiều năm. Nhưng ông không là một ông già chậm chạp, hụt hơi. Ông trẻ và đầy năng lượng đến khó tin: xài điện thoại thông minh, chơi Facebook, nhắn tin, gửi ảnh trong Zalo rất sành điệu. Trò chuyện với ông luôn được "lây lan" niềm vui, vì luôn cười nói vui vẻ về mọi câu chuyện của mình.

Ông nói về bệnh tật trong tiếng cười quen thuộc: "Bệnh đó mà, tại sao phải nghĩ về nó. Cứ để đó và làm quen với nó, mình diệt nó thì nó diệt mình, mình ăn thì nó cũng ăn, nhiều khi 2-3 ngày nó không làm mình đau, cũng thấy nhớ". Hằng ngày, ông vẫn làm vườn, cuốc đất và chơi với đám trẻ con hàng xóm, kể chuyện cho chúng nghe.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Trần Bảo Định - người 'rình coi' thế giới muôn loài - Ảnh 9.

Tác phẩm đã xuất bản của Trần Bảo Định

Ông kể mình sống rất vui với người bạn đời: "Bả nói tôi nấu cơm thì tôi đi nấu cơm, biểu giặt đồ thì tôi giặt đồ… Nhiều khi yên lặng quá buồn, tôi chọc bả cằn nhằn cho vui". Đó là người phụ nữ tên Lê Kim Phượng mà ông rất biết ơn, vì bà đã luôn động viên chồng viết lách. Trong nhiều bài báo, ông đã dùng tên vợ mình làm bút danh.

Hiện Trần Bảo Định đang hoàn thành 3 cuốn sách cho Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Hỏi sau 3 cuốn này, có viết gì nữa không? Ông lại cười khề khà: "Chắc tôi viết được chừng một năm nữa thôi".

Trần Bảo Định sinh năm 1944 tại tỉnh Long An, hiện sống ở quê nhà. Các bút danh khác: Cao Thị Hoàng, Lê Kim Phương.


Trong 26 tác phẩm đã xuất bản, về thơ có: Ngao du sơn thủy, Thầy tôi, Tiếng lòng, Vợ tôi…, về văn xuôi có Kiếp ba khía, Phận lìm kìm, Ông già Nam bộ nhiều chuyện - Dấu chưn lưu dân, Đất phương Nam ngày cũ, Đời bọ hung…; về tiểu luận-phê bình có: Lá rụng mùa - Mấy vấn đề về sinh thái Nam bộ, Già ham sách - Giấc mơ chữ nghĩa, Đọc thơ bạn

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link