16/07/2018 07:29 GMT+7 | Nghệ sĩ với World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã xuất bản hơn 15 tác phẩm, trong đó dịch và chú thơ Đường có bộ ba: Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng; Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng; Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng. Về thơ cổ điển Việt Nam, ông dịch và chú Trúc Lâm tam tổ thi - Thơ của ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm. Cứ tưởng ông “cổ điển”, nhưng ông rất mê bóng đá hiện đại, thường viết bình luận bóng đá cho nhiều báo.
“Nhà thơ, chưa nói đến chuyện có sâu sắc hơn hay không, nói chung là người nhạy cảm. Đã nhạy cảm mà trước thiên nhiên tráng lệ; trước ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc trong cuộc đời; trước phụ nữ và trước... bóng đá, lại không tràn đầy cảm xúc/cảm hứng, thì chắc là... không phải” - nhà thơ Đỗ Trung Lai bắt đầu câu chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khi World Cup 2018 đã khép lại.
* Chắc bóng đá và thơ ca có nhiều mẫu số chung về cảm hứng, nên mùa World Cup 2018 có nhiều nhà thơ vào cuộc bình luận, viết thơ, trong Nam ngoài Bắc hơn chục người. Ông nhìn thấy cảm hứng thơ ca trong bóng đá thế nào?
- Khi xem tuyển Senegal, tôi viết 6 câu: “Có người đến tự châu Phi/ Vào chơi World Cup như đi hội làng/ Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Gặp ai cũng muốn “mở hàng” cho vui/ Trời ơi! Thời ấy qua rồi/ Người này sống được giữa đời này sao?”. Vậy thì bóng đá không chỉ còn là bóng đá nữa.
Nhưng với tuyển Anh thì khác, bóng đá chỉ là bóng đá thôi: “Thụy Điển triển lãm bóng dài/ Tam sư cười nụ: Sao dài bằng anh?/ Anh đẻ ra trò đá banh/ Bóng dài, bóng bổng đã thành ca dao/ Bây giờ anh pha thêm vào/ Bóng sệt - bóng nhỏ cùng cao với dài/ Làm cho các chú mệt nhoài/ Rồi anh lại thắng bằng hai... cái đầu!/ Sông sâu mà giếng cũng sâu/ Tiễn chú ra tàu, anh ở chơi thêm”.
Tóm lại, bóng đá là một món quà mà con người chế ra để tặng chính mình. Để thấy lại ở mình, cả chủ nghĩa/tính cách anh hùng phong lưu mã thượng lẫn thói khiếp nhược dở hơi; cả sự hào hiệp lẫn những trò ngược lại. Để giải những nỗi buồn bực/vất vả đời thường. Để được hòa đồng với thiên hạ sau những cô đơn/cô quạnh cá nhân. Để được ngắm lại chính mình với tài thao lược, độ tinh khéo, độ mạnh mẽ, độ dũng cảm, độ kiên nhẫn... và cả những trò lố như ăn vạ, đóng kịch, gắp lửa bỏ tay người…
Và đương nhiên có cả chủ nghĩa cống hiến song hành cùng chủ nghĩa thực dụng; tình/tính đồng đội và cả sự cao ngạo, ích kỷ rất riêng... Có nhà thơ nào lại từ chối một món quà như thế chứ?
* Ngoài vẻ đẹp thân thể và kỹ thuật, về khía cạnh tâm hồn, ông nghĩ bóng đá mang lại hoặc lấy ở chúng ta những điều gì?
- Khi Johan Cruyff nói: “Bóng đá, nói cho cùng, là một trò chơi. Hãy để cho đối thủ được chơi cùng mình, miễn là mình sút vào lưới họ nhiều hơn họ sút vào lưới mình” - đó là tư tưởng, là chủ nghĩa. Nó đối lập với việc: “Trước hết là hủy hoại đối phương rồi thắng tối thiểu” - mà những người như José Mourinho thường làm. Thực ra, José Mourinho cũng chỉ chịu lỗi ít thôi, thời bóng đá kim tiền này đã “bắt” anh ta phải làm vậy. Nghĩ thêm, thì điều đó lại không chỉ là bóng đá nữa rồi. Tư tưởng quyết định tâm hồn, hoặc tâm hồn nào thì tôn thờ tư tưởng ấy. Vấn đề nằm ở sự lựa chọn của cá nhân mà thôi. Chọn nghề, chọn vợ, chọn bạn, chọn lối sống... đều thế cả.
* Ông nghiên cứu thơ Đường - thời bóng đá hiện đại chưa tồn tại, nếu có một so sánh nhỏ nào đó về mặt tinh thần, bóng đá ngày nay có khía cạnh nào giống với một quan niệm trong thơ Đường không?
- Nói về thơ Đường và thơ phương Đông nói chung thì phải thấy rằng phương trời thơ này giàu khả năng tải đạo, tức là chở cái lý của vũ trụ/trời đất trong vẻ đẹp bốn mùa của thiên nhiên; chở cái số của con người - cho nên lý số mới trở thành một khoa học cổ đại phương Đông. Nó cũng chở tư tưởng - tôn giáo - đạo giáo - đạo lý; chở nhân tình thế thái và triết lý nhân sinh trong cõi đời. Cho nên thơ Đường - thơ phương Đông có thể dùng để nói chí, diễn tình, bàn về xuất/xử; có thể dùng tâm sự và đánh giặc; có thể dùng ngâm vịnh và thuyết giảng; có thể dùng thù tạc và thi cử; có thể dùng đối nội/đối ngoại; có thể dùng ru con và hát xướng; có thể dùng để sống và cũng có thể dùng để... chết! Như: “Ba hồi trống giục - đù cha kiếp/ Một nhát gươm đưa - bỏ mẹ đời”, chẳng là thơ đi... chết là gì?
Hoặc như: “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”, “Ai bảo nhà giàu không nước mắt?”, “Đừng buồn trước mặt không tri kỷ/ Thiên hạ ai người không biết anh?”... Đây chẳng phải là những câu thơ mà Messi, Ronaldo, Neymar, Suarez... có thể ngồi đọc cho nhau nghe, bên ly rượu, sau World Cup này sao?
* Từ sự ưu tư như vừa nêu, anh quan niệm thế nào về vẻ đẹp của một đội bóng? Nếu gọi tên cụ thể, đó là đội bóng nào?
- Cái tinh thần cống hiến thời cổ đại thì có đại biểu xuất sắc nhất là Senegal, dù đã về sớm. Cả 4 đội bóng vào bán kết đều chơi cống hiến, hoặc càng ngày càng cống hiến. “Cống hiến một cách khôn ngoan”. Vô tư nhất trong 4 đội này là Croatia. Tất cả họ đều cố giữ cho bóng đá chậm bị hủy hoại vì chủ nghĩa thực dụng.
Tôi thấy huấn luyện viên có đấu pháp thú vị nhất là Zlatko Dalic, của đội Croatia. Còn hai cầu thủ chơi đẹp nhất giải này là Luka Modric và Kevin De Bruyne. Ở họ, quyết thắng không có nghĩa là chơi xấu, kiểu như “phê phán không có nghĩa là phản bội” vậy.
* Từ bối cảnh kim tiền và thực dụng như ông đã đề cập, nó dẫn đến điều gì là đáng tiếc của World Cup 2018?
- Điều đáng tiếc nhất ở World Cup 2018 là: hoặc huấn luyện viên ấy, hoặc nước ấy không có đủ tài năng và nhân tài trong tay để Messi, Neymar, Ronaldo, Suarez... phải đá trong các đội bóng gần như “chỉ có một người”, rồi phải ôm hận! Cũng may, những Mbappe, Griezmann, Modric, Rakitic, Bruyne, Kane, Hazard... không phải ôm hận. Họ là vẻ đẹp còn sót lại của bóng đá cống hiến.
* Trân trọng cảm ơn ông.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất