Sự thật về ban nhạc huyền thoại tàu Titanic

13/04/2012 14:11 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Phần lớn người ta đều biết 2 điều về những nhạc công của tàu Titanic. Họ chơi bản "Nearer, My God, To Thee", khi con tàu gãy làm đôi và tất cả đều trượt chân khỏi sàn tàu, rơi xuống làn nước biển lạnh giá ở Bắc Đại Tây Dương cùng với con tàu. Khi lễ kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra thảm họa chìm tàu Titanic tới gần, đã có thêm thông tin mới liên quan tới những con người dũng cảm này được hé lộ ra cho dư luận biết.

Ban nhạc đã chơi trên tàu Titanic gồm có 8 người, nằm dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Wallace Hartley.

Từ những nghệ sĩ tài ba

Hartley vốn không lạ lẫm với biển cả hay các con tàu lớn. Ông từng là nhạc trưởng trên tàu Lusitania và Mauretania, nhưng rất mê Titanic - con tàu lớn và hiện đại nhất trên thế giới khi đó - nên đã tới đây làm việc.

Ông cùng với các thành viên còn lại của ban nhạc đã đi trên còn tàu với tư cách hành khách ở khoang hạng hai và họ thực tế không phải là nhân viên của công ty White Star Line vốn sở hữu Titanic. Công ty tuyển dụng họ là Messrs. C.W. & F.N. Black đóng ở Liverpool và họ nhận lương ở đây.

Mặc dù được gọi là ban nhạc của Titanic, nhóm gồm có 2 đội hoạt động riêng biệt và biểu diễn âm nhạc ở từng thời điểm, địa điểm khác nhau. Đội 5 người của Wallace Hartley trình diễn vào các buổi uống trà và tiệc tối, lễ Chủ Nhật. Ngoài ra có 3 nghệ sĩ chuyên chơi violin, cello và piano sẽ chơi nhạc tại phòng tiếp đón bên ngoài nhà hàng A la Carte và quán cà phê Parisien.

Các nhạc công đều rất giỏi nghề. Họ phải thuộc rõ 352 giai điệu trong sách nhạc của công ty White Star vốn sở hữu tàu Titanic và họ không được phép mang theo các cuốn sách chép giai điệu lên tàu. Hành khách trên khoang hạng nhất sẽ được trao cho cuốn sách nhạc và họ sẽ gọi các nhạc công phục vụ theo yêu cầu.

2 đội này hoạt động hoàn toàn độc lập và khi Hartley tập hợp ban nhạc lúc Titanic va phải băng trôi, đó cũng là lần đầu tiên 8 người họ biểu diễn chung với nhau. Những cái tên Wallace Hartley,  Roger Marie Bricoux, John Wesley Woodward, John Frederick Preston Clarke, Georges Alexandre Krins, Theodore Ronald Brailey, John Law Hume,Percy Cornelius Taylor đã vĩnh viễn đi vào lịch sử trong đêm 14/4 khi họ chơi nhạc cho tới phút chót cùng con tàu xấu số.

Các nghệ sĩ đã chấp nhận chơi nhạc tới phút chót để khích lệ tinh thần của các hành khách trên tàu Titanic yểu mệnh, dù việc này có nghĩa họ phải trả giá bằng sinh mạng

Thành những người hùng thầm lặng

Các nhân chứng kể rằng không lâu sau nửa đêm, khi những con tàu cứu hộ bắt đầu được thả xuống khỏi Titanic, Hartley đã tập hợp ban nhạc của ông tại khu Hạng nhất của tàu và bắt đầu chơi nhạc. Nhiều người nhớ lại cảm giác vô cùng kỳ lạ khi thấy trong lúc bản thân họ đang mặc áo phao cứu sinh và chờ được tới lượt lên xuồng cứu hộ, tiếng nhạc vẫn vang lên như không có chuyện gì xảy ra.

Cả 8 con người can đảm này chỉ mặc áo phao vào phút chót, trước khi rơi xuống làn nước giá lạnh cùng Titanic. Với việc nước biển Bắc Đại Tây Dương dao động ở mức -2 độ C, các nhạc công sẽ chết vì cảm lạnh. Các áo phao cứu sinh giúp họ không bị ngạt nước, nhưng không được thiết kế để giữ ấm cho họ. Theo phóng viên Christopher Ward, nhân vật là cháu trai của nghệ sĩ violin Jock Hume, họ có thể đã bất tỉnh khoảng 15 phút sau khi rơi xuống nước lạnh và qua đời khoảng 10 phút tiếp theo.

Đâu là bản nhạc cuối cùng?

Sau cái chết của các nghệ sĩ, đã có nhiều tranh cãi về việc họ đã chơi những bản nhạc gì. Theo lời nhiều nhân chứng, họ chơi đủ thể loại, từ các bản walt cho tới giai điệu ragtime. Một số người còn nhớ đó là các bản Alexander's Ragtime Band và In The Shadows.

Sự chú ý của dư luận hiển nhiên tập trung nhiều nhất vào bản nhạc cuối cùng. Có ý kiến nói rằng đây là bản Song d'Automne, tuy nhiên đa số khẳng định bản nhạc cuối là Nearer, My God, To Thee (tạm dịch Càng gần Chúa hơn). Có ít nhất nửa tá phiên bản của bản nhạc Nearer, My God, To Thee từng tồn tại. Tại Anh, bản nhạc này được gọi là Horbury. Ở Bắc Mỹ nó tên là Bethany và đây cũng là bản nhạc phần lớn người tin rằng các nhạc công đã chơi. Bản nhạc này cũng xuất hiện trong phim Titanic của James Cameron.

Nhà nghiên cứu David Langstroth, bản thân ông cũng là nghệ sĩ, sau thời gian tìm tòi xem xét các nhạc cụ của 8 nhạc công và phỏng vấn những người còn sống sót, lại cho rằng bản nhạc được chơi là Horbury do John Bacchus Dykes sáng tác.

Theo lời Langstroth, những người sống sót chỉ nhớ bản thánh ca đó là Nearer, My God, To Thee. Thời điểm xảy ra thảm họa Titanic, hầu hết người đi trên tàu đều chăm đi nhà thờ và hát thánh ca nằm trong danh sách các hoạt động chung trên con tàu. Ai cũng biết lời bài hát này. Nhưng trong một đêm lạnh cóng, tối đen và đầy ác mộng, với hình ảnh một con tàu khổng lồ đang chìm dần đập vào mắt, khi tiếng la hét và đủ mọi âm thanh náo loạn vang lên, chẳng ai còn đủ tỉnh báo để biết bản nhạc là Horbury hay Bethany. Dù gì, theo mọi thông tin thì ban nhạc đã chơi tới phút chót và âm nhạc của họ thực sự đã giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và ngăn chặn sự hoảng loạn trên Titanic.

Tại sao các nhạc công chấp nhận hy sinh?

Tác giả Steve Turner, người viết cuốn The Band That Played On gây chú ý, nói rằng đây là câu hỏi ông nhận được nhiều nhất sau khi cuốn sách ra đời. Liệu có phải các nhạc công đã được thuyền trưởng yêu cầu chơi tới phút chót? Liệu đó có phải là một phần công việc của họ khi ký hợp đồng làm việc trên Titanic? Hay đơn giản là họ nghĩ mình sẽ được cứu vào phút chót?

Turner chỉ ra rằng các nhạc công không phải nhân viên của White Star Line. Do không phải là nhân viên tàu, họ có đủ quyền như mọi hành khách khác, nghĩa là được rời tàu trước, trên các con thuyền cứu hộ. Thuyền trưởng có thể đề nghị họ chơi nhạc, nhưng ông sẽ không thể ra lệnh cho họ. Vì thế, Turner kết luận rằng ban nhạc đã ra quyết định dũng cảm chơi nhạc tới phút chót chỉ dựa trên chủ nghĩa anh hùng thuần túy.

Ông cũng đánh giá sự can đảm của các thành viên trong ban nhạc có được nhờ yếu tố tinh thần của thủ lĩnh nhóm Wallace Hartley. "Hartley luôn khẳng định âm nhạc là vũ khí mạnh nhất trên Trái đất để ngăn chặn tình trạng rối loạn" - Turner nói - "Khi lâm nguy như trong trường hợp Titanic, ông ấy hiểu rõ vũ khí mình có và tôi tin ông đã chứng minh được sức mạnh của nó".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link