Giá dầu tăng 'nóng'- được và mất?

06/10/2021 21:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giá dầu thế giới liên tục xác lập các mức cao nhất nhiều năm trong những ngày qua, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, tiếp tục tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng dầu hiện có.

Giá dầu mỏ thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng

Giá dầu mỏ thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng

Trong các phiên giao dịch ngày 21/10 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu tăng vượt dự kiến.

Điều này làm tăng thêm áp lực lạm phát mà các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là liệu giá dầu thực sự sẽ tăng lên đến mức nào và sẽ đánh đi tín hiệu gì tới các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

*Tín hiệu từ đà tăng giá dầu

Phiên 5/10, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, còn giá dầu Brent tăng lên mức cao của ba năm, nới rộng đà tăng đạt được trong phiên trước đó, với giá của hai loại dầu này đều tăng hơn 2%. Ngân hàng Bank of America (BoA) thậm chí còn dự báo giá dầu nhiều khả năng sẽ cán mốc 100 USD/thùng ngay đầu mùa Đông năm nay do giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục.

Diễn biến đi lên của giá dầu được củng cố vững chắc hơn sau khi OPEC+, tại cuộc họp trực tuyến ngày 4/10, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11/2021 theo thỏa thuận đạt được trước đó hai tháng. Quyết định trên được các bộ trưởng OPEC+ đưa ra giữa bối cảnh tổ chức này đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Ấn Độ về việc tăng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng 50% kể từ đầu năm nay.

Chuyên gia phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch nhận định, nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế có thể sẽ tiếp tục đẩy giá dầu tăng. 

giá dầu tăng, khủng hoảng nhiên liệu, xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng, giá dầu tăng kỷ lục, giá dầu tăng cao nhất nhiều năm, ứng phó khủng hoảng nhiên liệu
Giá dầu tăng

Theo chuyên gia phân tích thị trường John Kemp của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), độ mạnh của các tín hiệu về giá phụ thuộc vào mức giá thực tế được điều chỉnh theo lạm phát và tốc độ thay đổi so với những năm gần đây.

Trong bốn thập kỷ từ năm 1990 đến năm 2030, thị trường năng lượng đang chứng kiến một loạt thay đổi đáng kể trong cả chính sách, hoạt động sản xuất và thói quen tiêu dùng, điều này làm cho việc so sánh về giá dầu trở nên khó khăn. Những thay đổi chính bao gồm công suất dư thừa lớn trong những năm 1990, cuộc cách mạng dầu đá phiến từ đầu những năm 2010 và sự ra đời của xe điện để cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch vào những năm 2020.

Xét về tốc độ biến động, giá dầu đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về nhu cầu tăng sản lượng và giảm mức tiêu thụ, do sự phục hồi nhu cầu đã vượt xa nguồn cung sau đợt sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 hiện đang được giao dịch ở mức hơn 82 USD/thùng, tăng so với mức dưới 38 USD/thùng vào cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng giá nhanh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm trong ba thập kỷ qua.

Giá dầu "leo thang" nhanh chóng là đặc điểm của năm đầu tiên đi lên theo chu kỳ, khi hoạt động tiêu thụ phục hồi và tăng trưởng vượt nguồn cung, trong khi các nhà sản xuất tiếp vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng do lo ngại về đợt sụt giảm hồi năm ngoái.

Sự thay đổi từ xu hướng giảm giá sang xu hướng tăng cho thấy nhiều khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ chuyển từ việc cắt giảm sang tăng sản lượng và người tiêu dùng sẽ sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn. Nhưng xét mức giá được điều chỉnh theo lạm phát, tín hiệu hiện tại đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng cho đến nay vẫn khá mơ hồ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày, trái chiều với mức giảm 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020.

Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch. Nhà phân tích Chiyoki Chen tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn Sunward Trading (Mỹ) cho hay, giới đầu tư vẫn lạc quan ngay cả khi nguồn cung dầu của Mỹ bị gián đoạn sau các trận siêu bão. Trong khi đó, hiện là thời điểm nhu cầu đang tăng mạnh do nhiều nước nới lỏng các biện pháp phong tỏa và triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 rộng rãi hơn.

giá dầu tăng, khủng hoảng nhiên liệu, xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng, giá dầu tăng kỷ lục, giá dầu tăng cao nhất nhiều năm, ứng phó khủng hoảng nhiên liệu
Thị trường phố Wall

* Tác động đối với kinh tế toàn cầu

Nhật báo Phố Wall mới đây đã đăng bài phân tích nhận định rằng, đợt tăng giá dầu gần đây khó có thể ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng khởi sắc ở các nền kinh tế phát triển sẽ giúp các nước hạn chế tác động từ cú sốc giá dầu tăng cao.

Các nhà kinh tế cho rằng các nước cần theo dõi áp lực từ đà tăng giá dầu hoặc chi phí mua dầu tính theo tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vốn được coi là yếu tố quyết định tác động của dầu mỏ đối với tăng trưởng kinh tế. Theo ngân hàng Morgan Stanley, chỉ số này dự kiến sẽ tăng lên mức tương đương 2,8% GDP toàn cầu vào năm 2021, với giả định giá dầu trung bình ở mức 75 USD/thùng trong năm nay. Tuy nhiên, con số này vẫn dưới mức trung bình dài hạn là 3,2% GDP.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất trong khoảng bốn thập kỷ qua. Theo chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, xu hướng tăng của giá dầu gần đây chủ yếu là do nhu cầu tăng, chứ không phải vấn đề nguồn cung. Còn theo các nhà kinh tế, đây là chỉ dấu cho thấy sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.

Các nền kinh tế phát triển ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng so với một thập kỷ trước, bởi ngành dịch vụ, vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn các ngành công nghiệp nặng, đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản lượng của các nền kinh tế. Theo dữ liệu từ EIA, hiện nay Mỹ chỉ cần khoảng một nửa lượng dầu để tạo ra 1 USD trong GDP so với cách đây 35 năm.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu không coi giá dầu tăng là mối đe dọa đối với sự phục hồi của châu lục này, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng của khối trong năm 2021 từ mức 4,2% lên 4,8%.

giá dầu tăng, khủng hoảng nhiên liệu, xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng, giá dầu tăng kỷ lục, giá dầu tăng cao nhất nhiều năm, ứng phó khủng hoảng nhiên liệu
Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu

Người tiêu dùng ở những thị trường mới nổi khác thường nhạy cảm hơn với giá dầu tăng cao vì thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn hơn. Ngân hàng trung ương của một số nước, bao gồm Brazil (Bra-xin) và Nga, đã buộc phải tăng lãi suất trong những tuần gần đây để chống lại tình trạng lạm phát gia tăng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD thì thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này lại tăng thêm hơn 4 tỷ USD và khiến Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào các quỹ nước ngoài để bù đắp thâm hụt và trả nợ nước ngoài.

Ở Nam Phi và Ấn Độ, giá dầu cứ tăng 10 USD cũng khiến tài khoản vãng lai của những nước này thâm hụt thêm 0,5%. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cũng góp phần gây ra tình trạng bất ổn xã hội ở những quốc gia như Brazil và Pakistan (Pa-kix-tan), nơi chính phủ đã phải ứng phó bằng cách tăng lương cho nhân viên nhà nước vào đầu năm nay.

* Ứng phó khủng hoảng nhiên liệu 

Các hộ gia đình ở Mỹ và các quốc gia giàu có khác đã tích lũy được một khoản tiết kiệm lớn chưa từng có trong thời kỳ đại dịch, có thể giúp họ ứng phó tình trạng giá xăng dầu cao hơn. Ngoài ra, sự gia tăng khai thác dầu đá phiến trong hai thập kỷ qua đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất Mỹ - đối tượng chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm mạnh ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, hiện đang được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch trên toàn cầu cũng góp phần giúp áp lực từ việc giá dầu tăng cao đối với các nước giảm bớt. Khoảng gần 20% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Âu đến từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời vào năm 2019, tăng so với mức 9,6% trong năm 2004.

Theo dự báo của EIA, đến năm 2050, các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) sẽ tăng tỷ trọng và chiếm tới 49% sản lượng điện toàn cầu. Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, sản lượng điện Mặt Trời sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, trong khi thủy điện có tốc độ tăng trưởng chậm nhất.

giá dầu tăng, khủng hoảng nhiên liệu, xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng, giá dầu tăng kỷ lục, giá dầu tăng cao nhất nhiều năm, ứng phó khủng hoảng nhiên liệu
Nhiên liệu đang là mối bận tâm của nhiều quốc gia

Giá dầu và khí đốt tăng cao khiến khủng hoảng nhiên liệu diễn ra tại Trung Quốc, Anh và một số quốc gia khác, gây mất điện diện rộng và người dân xếp hàng dài mua xăng. Chính phủ Anh đã đình chỉ luật cạnh tranh để cho phép các nhà cung ứng nhiên liệu chia sẻ thông tin quan trọng cũng như hợp tác hiệu quả hơn nhằm bảo đảm giảm thiểu việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nước này đã triển khai quân đội tham gia cung cấp xăng dầu cho các trạm nhiên liệu, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của quốc gia.

Những năm gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực giảm dần các nhà máy điện than. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ trọng than trong tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã giảm 12,5 điểm phần trăm, từ 69,2% xuống 56,7%, trong khi tỷ trọng tiêu thụ năng lượng sạch đã tăng từ 13,4% lên 24,4%.

Tuy vậy, cho đến nay, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dùng để phát điện ở nước này vẫn là khá lớn. Chính việc sử dụng năng lượng hóa thạch để cung cấp điện đã làm ảnh hưởng đến tính ổn định của mạng lưới năng lượng ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng điện lần này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang phát triển xanh với nhiều loại năng lượng sạch có nguồn cung ổn định hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Minh Trang (Tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link