10/01/2012 08:29 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - “Bản thân anh Sơn sống dung dị, hồn nhiên, nhưng thường xuyên có điều gì buồn bã. Tôi rất thương những nỗi buồn của anh ấy mà có thể những người bình thường khác không hiểu được. Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ suy nghĩ về vị nhạc sĩ tài ba đã quá cố: Trịnh Công Sơn.
Ngày 1 và 2/2 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các ca khúc của Phú Quang và Trịnh Công Sơn sẽ cùng được biểu diễn trong chương trình Cho em và cho anh. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang về những ca khúc Trịnh Công Sơn và cả những ca khúc của Phú Quang.
Trịnh Công Sơn - người viết ca khúc hay nhất
* Kỷ niệm nào về tình thân giữa ông và nhạc sĩ họ Trịnh mà ông nhớ nhất?
- Tôi dám trêu chọc anh Trịnh Công Sơn những điều mà không phải người nào cũng dám nói. Hồi ấy, trong cuộc giao lưu ở TP.HCM trước hàng ngàn khán giả, một phóng viên hỏi tôi: Anh có xem nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là thần tượng? Tôi cũng ngang, bèn đáp lại rằng, nếu tôi xem anh Trịnh Công Sơn là thần tượng, chắc chắn tôi phải mặc giống anh ấy. Nhưng bạn thấy đấy, tôi không mặc như thế. Phóng viên đó lại hỏi tiếp: Anh có xem Trịnh Công Sơn là bậc thầy của mình? Tôi bèn trả lời: Tôi được học nhạc từ năm 7 tuổi, tôi chỉ tôn trọng thầy giáo dạy tôi lớp 1 mà thôi. Tôi không coi anh Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ, mà tôi gọi anh ấy là người viết ca khúc. Dưới hội trường bắt đầu có tiếng la ó. Nếu được, chắc có kẻ sẽ ném đá vào tôi thật. Nhưng tôi nói tiếp: Song anh ấy viết ca khúc hay nhất VN. Lúc đó, anh Trịnh Công Sơn mới lên tiếng: tôi đúng là người viết ca khúc…
Tôi còn nhớ mãi một lần, anh Sơn đến quán của tôi ngồi trầm ngâm nhìn trời mưa và dòng xe cộ tấp nập bên ngoài rồi nói: Đời đẹp quá. Câu nói của anh khiến tôi nghĩ đến cái kết của Bố già khi ông ấy dắt cháu ra ngoài, nhìn trời và nói: Đời đẹp quá, rồi quỵ xuống. Linh cảm của tôi đã đúng, hơn một tháng sau, anh Trịnh ra đi mãi mãi...
Nhạc sĩ Phú Quang
* Lý do của sự kết hợp nhạc Phú Quang và nhạc Trịnh Công Sơn, thưa nhạc sĩ?
- Năm nào tôi cũng làm chương trình và lần này muốn nó có màu sắc khác đi. Lúc anh Sơn còn sống, anh từng trách tôi sao không bao giờ đến nhà anh chơi. Tôi cũng “ngạo mạn” mà đáp trả rằng sao anh không đến nhà tôi chơi. Còn hồi những năm sau giải phóng, có lần anh Văn Cao bảo, Phú Quang là hiện tượng nhạc không lời, Trịnh Công Sơn là hiện tượng ca khúc, vậy lúc nào anh sẽ giới thiệu tôi với anh Sơn. Tôi bảo, chả có lý do gì để gặp cả…
Nhưng nói vậy thôi chứ sau đó, chúng tôi vẫn gặp gỡ nhau, ở quán của tôi, hoặc ở Hội Nhạc sĩ. Tôi rất quý và thương anh Sơn. Bản thân anh Sơn sống dung dị, hồn nhiên, nhưng thường xuyên có điều gì buồn bã. Tôi rất thương những nỗi buồn của anh ấy mà có thể những người bình thường khác không hiểu được.
Theo quan điểm của tôi, Trịnh Công Sơn là người viết ca khúc hay nhất VN. Nhiều người từng lên báo chê anh ấy, nhạc gì nghe là biết ngay, nhưng đố họ tìm được bài nào giống nhau đấy? Cái đó bây giờ người ta gọi là “style” (phong cách).
Phối mới các ca khúc Trịnh Công Sơn
* Như thế sẽ có sự kết hợp nào để không bị “lệch pha”?
- Trước đây, khi tôi làm đêm nhạc Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang, nhiều người bắt bẻ, sao chọn toàn bài hit của tôi làm lấn át cả nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn và đó có phải là sự cố tình không? Tuy nhiên, ngay sau đó, Bảo Yến khẳng định rằng, tôi tập kỹ các bài của anh Văn Cao và anh Trịnh Công Sơn thì dư luận mới lắng lại. Nếu tôi cố tình làm thế, thất bại đầu tiên sẽ thuộc về tôi.
Ở Cho em và cho anh, toàn bộ ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được phối lại, được nâng niu hơn.
* Vậy mà đã có dư luận cho rằng nhạc sĩ Phú Quang dựa vào tên tuổi Trịnh Công Sơn để… bán vé?
- Tôi không mượn tên Trịnh Công Sơn để bán vé. Nói thực, một chương trình nhiều tác giả càng khó bán. Nhưng với chương trình của tôi nhiều năm rồi lại hoàn toàn khác. Nó hầu như đã được bán ‘lúa non’ từ trước khi khai màn rất nhiều ngày.
* Được biết, cũng trong tháng 2/2012, nhạc sĩ sẽ ra mắt CD Mới thôi… mà đã một đời. Cái tên này nghe đầy tiếc nuối…
- Đúng là tiếc thật. CD tập hợp 14 ca khúc của những ca sĩ đã từng hát đỉnh cao bài hát mà tôi đã viết. Đó là cố NSND Lê Dung với bản thu Nỗi nhớ mùa Đông năm 1990, Tình khúc 24, Hồng Nhung thu năm 1992, Đâu phải bởi mùa Thu, Mỹ Linh thu năm 1990, hay Nỗi nhớ do Thanh Lam thể hiện năm 1987… Giọng hát lúc đó của họ có vẻ đẹp riêng. Tôi ví von nó như cơm, như rau, như canh. Trong khi hiện tại, nó trở thành đồ hộp mất rồi.
* Trong sự tiếc nuối những giọng ca một thời, dường như nhạc sĩ cũng bình tĩnh nhận ra mình… đã già?
- (Cười) Trong CD này, lần đầu tôi in chân dung và nói mấy câu lăng nhăng, rằng: Khi tác phẩm được vang lên, cũng là lúc tôi ngộ ra một điều: Âm nhạc là cứu cánh duy nhất của tôi… Việc viết nhạc với tôi là một cách để xả ra những buồn vui, hờn giận, yêu thương bởi nó mang lại cho tôi sự thanh thản hơn trước những biến động của cuộc đời… để tôi tin rằng, cuộc đời bên cạnh những kẻ xấu xa, vẫn còn những người tử tế…
* Ông nghĩ sao khi có những ý kiến nói rằng, những ca khúc “để đời” của ông hầu hết đều ‘ mượn’ lời thơ của người khác?
- Tôi đã nói về điều này. Đây sẽ là lần cuối nói lại nhé! Người nông dân xây nhà, họ có thể mang gạch, mang đá vào xây, rồi mang vôi, mang bùn trát vào đó. Nhưng khi đã xây nhà cao tầng, người ta không thể một mình ôm lấy tất tần tật các công đoạn… mà mỗi người phải chuyên làm một việc. Nhạc sĩ chỉ nên viết nhạc, lời là của nhà thơ. Thông lệ thế giới cũng như vậy. Nhiều nhạc sĩ khiếm khuyết về văn học, vậy mà vẫn viết lời ra được. Thực ra, tôi có thể đặt lời. Nhưng bài hát có 8 chữ của nhà thơ: Vội vã trở về, vội vã ra đi mà tôi vẫn đề tên tác giả lời. Tôi cũng ghi nhận những tứ như: Hàng cây lặng câm/ Tháp cổ mặc trầm… bởi vì không có tứ như vậy, không thể có bài hát được. Việc sửa lời thơ thành của mình, với tôi quá dễ, nhưng tôi không bao giờ làm như vậy.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất