09/05/2020 11:30 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Người mua vàng lỗ đến 500.000 đồng/lượng do chênh lệch mua vào - bán ra.
Giá vàng hôm nay 9/5 quay đầu giảm. Tính chung cả tuần, người mua vàng lỗ đến 500.000 đồng/lượng do chênh lệch mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh trong nước.
Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch sáng nay được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng ở mức 47,90 – 48,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch chiều 8.5. Chênh lệch giá mua – bán hiện vẫn duy trì ở mức 400.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 47,85 – 48,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 8.5. Chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua là 300.000 đồng/lượng.
Tính chung, nếu mua vàng đầu tuần và bán ra tại phiên chốt tuần, người mua đã lỗ đến 500.000 đồng/lượng dù giá vàng chỉ giảm rất nhẹ so, khoảng 100.000 đồng/lượng.
Nguyên nhân vẫn đến từ chênh lệch mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh trong nước. Mức an toàn được các chuyên gia khuyến nghị là dưới 300.000 đồng.
Giá vàng thế giới hiện được giao dịch quanh ngưỡng 1.702,9 USD/oz, giảm 22,3 USD/oz so với chốt phiên giao dịch cuối giờ chiều qua (theo giờ Việt Nam).
Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank (23.450), giá vàng thế giới tương đương 48,11 triệu đồng/lượng, cao hơn giá bán vàng SJC 190.000 đồng/lượng.
Trung Quốc có thể giảm lượng nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ trong những tháng tới để đối phó với những căng thẳng thương mại đang gia tăng và cuộc “đấu khẩu” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về nguồn gốc của COVID-19.
Mặt khác, báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ dự kiến được công bố ngày 8.5 sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên tới 16% trong tháng 4. Con số này sẽ phá vỡ kỷ lục thất nghiệp 10,8% được xác lập sau Thế chiến II vào tháng 11.1982. Những con số có thể cho thấy dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của đại dịch với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, đà tăng của chứng khoán cũng đè nặng sức ép lên vàng. Trong phiên ngày 8.5, chỉ số S&P 500 tăng 1,06% lên 2.910,5 trong khi cổ phiếu Úc cao hơn 0,76%, chỉ số CSI300 của blue-chip của Trung Quốc tăng 0,86%. Trong đó, Nikkei của Nhật Bản thậm chí tăng đến thêm 1,78%.
Các nền kinh tế lớn rục rịch mở cửa trở lại khiến cầu tăng, đẩy giá dầu Brent tương lai tăng trở lại 29 cent, tương đương 0,98%, ở mức 29,75 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng thêm 28 cent, tương đương 1,19%, lên 23,83 USD.
**** Giá vàng thế giới rơi khỏi mức đỉnh của hai tuần, vẫn tăng nhẹ trong tuần qua
Giá vàng thế giới rời mức cao nhất của hai tuần trong phiên 8/5, khi các nhà đầu tư ngày càng hy vọng về việc các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội để hạn chế lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Song nhìn chung, giá vàng vẫn ghi nhận một tuần tăng giá nhẹ.
Theo đó, giá vàng giao ngay phiên này giảm 0,8% xuống còn 1.704,53 USD/ounce lúc 1 giờ 31 phút (ngày 9/5 theo giờ Việt Nam) sau khi đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 27/4 là 1.722,56 USD/ounce.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,7% xuống khép phiên ở mức 1.713,90 USD/ounce.
Theo giới quan sát, yếu tố hạn chế sự hấp dẫn của vàng trong phiên 8/5 là số liệu việc làm tại Mỹ trong tháng Tư cho thấy 20,5 triệu người đã thất nghiệp, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 22 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong cùng giai đoạn là 14,7%, cũng không cao như mức 16% do thị trường đưa ra trước đó.
Ông David Meger, giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures nói rằng đúng là số liệu việc làm mới nhất của Mỹ vô cùng tồi tệ. Song ở mặt khác, thị trường đã thấy một chút lạc quan tiến về phía trước với nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở cửa lại từng bước.
Một yếu tố khác cũng tạo áp lực lên giá vàng là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc dường như đã “hạ nhiệt”, sau khi Bắc Kinh cho biết các nhà đàm phán từ cả hai nước đã đồng ý “cải thiện bầu không khí” để thực hiện thỏa thuận Giai đoạn 1. Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Nhìn chung, giá vàng thế giới đã có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen trong tuần qua.
Mở đầu tuần mới trong phiên 4/5, giá vàng tăng 0,73% do số liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố cũng ngày cho thấy lượng đơn hàng của các nhà máy giảm 10,3% do các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Lượng đơn hàng đặt mua hàng hóa không bền cũng giảm 5,8%.
Giá vàng thế giới duy trì ổn định trên mức 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch 5/5 với mức tăng 0,2%, khi các biện pháp kích thích quy mô lớn trên toàn cầu để giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19 đã hỗ trợ cho kim loại quý này.
Song giá vàng đã giảm 1% và tuột mốc 1.7000 USD/ounce trong phiên 6/5 do áp lực gia tăng từ đồng USD mạnh hơn, cùng kỳ vọng rằng nguồn cung vàng sẽ tăng lên khi các nhà máy tinh chế vàng nối lại hoạt động. Thông tin này đã chấm dứt sáu tuần gián đoạn nguồn cung vàng trên toàn cầu vốn khiến giá kim loại quý này ở New York và London nới rộng mức chênh lệch so với mức trung bình của những thập kỷ trước.
Sang phiên 7/5, giá vàng tăng hơn 2% khi một loạt số liệu kinh tế yếu kém tại Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong tuần kết thúc vào ngày 2/5, Mỹ đã tiếp nhận 3,17 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhiều chuyên gia lưu ý con số này xấu hơn nhiều so với dự kiến và vẫn ở mức cao kỷ lục.
Với mức giảm 0,8% trong phiên 8/5, giá vàng vẫn khép lại tuần giao dịch này với mức tăng nhẹ khoảng 0,3%.
Ông Tai Wong, người đứng đầu mảng giao dịch kim loại quý và cơ bản tại ngân hàng BMO cho biết các động lực chính thúc đẩy cho giá vàng – gốm lãi suất ở mức 0%, các kế hoạch chi tiêu lớn và mối quan tâm sâu sắc về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai - vẫn còn khá mạnh mẽ. Vì vậy, triển vọng của vàng vẫn khá “tươi sáng” trong trung hạn.
Trong khi đó, những dữ liệu kinh tế mới nhất trong tuần qua của Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng về các biện pháp kích thích mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thậm chí, thị trường đã đặt cược về một môi trường lãi suất âm tại nước này.
Lãi suất thấp hơn sẽ gây áp lực lên đồng USD và lãi suất trái phiếu Chính phủ, trong khi lại làm tăng sức hấp dẫn của những tài sản không sinh lời như vàng.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất