29/06/2020 20:20 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng châu Á tăng
Giá vàng châu Á tăng trong phiên 29/6, giữa bối cảnh những lo ngại về diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu đã làm giảm kỳ vọng về triển vọng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản đảm bảo.
Vào lúc 13 giờ 44 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.772,3 USD/ounce, còn giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,3% lên 1.786 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 32 phút, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,97-49,34 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Nhà phân tích Daniel Hynes tại ANZ nhận định, hoạt động mua vàng đang diễn ra khá sôi nổi giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, và đây thực sự là yếu tố chi phối tâm lý của giới đầu tư vào thời điểm hiện tại.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters đều nhận định, triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu đã xấu đi. Còn hãng MKS PAMP trong một lưu ý nhận định với số ca nhiễm dịch COVID-19 gia tăng tại Mỹ, lãi suất thực rơi vào vùng âm và các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục được triển khai, qua đó có lợi cho giá vàng.
Lượng vàng do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tăng 0,3% trong phiên 26/6.
Giá palladium phiên này tăng 0,7% lên 1.873,7 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,8% lên 805,57 USD/ounce và giá bạc tăng 0,6% lên 17,85 USD/ounce.
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống phiên 29/6
Các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 29/6, sau khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại một số nước, trong đó có Mỹ, khiến các nhà chức trách áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát, điều gây lo ngại về đà phục hồi kinh tế.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,3%, xuống 21.995,04 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,01%, xuống 24.301,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải để mất 0,61%, xuống 2.961,52 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sụt 1,93%, xuống 2.093,48 điểm.
Sau nhiều tuần nới lỏng phong tỏa trên toàn cầu, hiện có những dấu hiệu về làn sóng lây nhiễm thứ hai ở các thành phố lớn, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư, vốn là yếu tố đưa đến sự phục hồi mạnh của các thị trường từ mức thấp hồi tháng Ba.
Tại Mỹ, các quán bar ở Los Angeles và sáu quận ở California, với tổng dân số hơn 13 triệu người, đã buộc phải đóng cửa trở lại, chỉ hơn một tuần sau khi được mở cửa, trong khi San Francisco dừng lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Số ca nhiễm cũng tăng mạnh tại Texas và Florida, hai trong số các bang đông dân nhất của Mỹ, với tổng dân số là 50 triệu người.
Các bang lớn khác như Arizona và Georgia cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm COVID-19.
Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vu nhân sinh Mỹ Alex Azar, đây là một tình huống hết sức nghiêm trọng và cánh cửa để nước Mỹ hành động, đưa tình hình vào tầm kiểm soát đang bị khép dần.
Nhà phân tích Stephen Innes tại AxiCorp cảnh báo việc các bang mở cửa trở lại có thể đã dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm gần đây, từ đó khiến các hoạt động kinh tế giảm sút, đặc biệt là tại các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhà phân tích Jeffrey Halley, thuộc OANDA, nói thêm sự gia tăng số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn là mối lo ngại chính đối với các nhà đầu tư. Theo ông Halley, khi tiêu dùng là chỗ dựa cuối cùng của các nước khác trên thế giới lâu nay, khả năng nền kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái sau giai đoạn phục hồi ngắn chắc chắn sẽ gây ra những tác động.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt đối với nửa triệu dân ở một tỉnh gần Bắc Kinh để kiểm soát ổ dịch mới, khi một quan chức cho rằng tình hình là nghiêm trọng và phức tạp.
Tại thị trường trong nước, chỉ số VN-Index giảm 22,62 điểm, hay 2,65%, xuống 829,36 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 3,13 điểm, hay 2,76%, xuống 110,32 điểm.
Loạt cổ phiếu ngân hàng lên kế hoạch chuyển sàn sang HOSE
Theo lộ trình sắp xếp Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, còn sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Điều này đã khiến nhiều ngân hàng có cổ phiếu đang giao dịch trên HNX và UpCOM lên kế hoạch chuyển sang sàn HOSE trong năm 2020.
Cuối tuần qua, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã thống nhất thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu LPB từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UpCOM) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE).
Theo LienVietPostbank, hiện đã hoàn thiện phương án, lựa chọn đơn vị tư vấn và sẽ triển khai theo tiến độ chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Dự kiến, việc niêm yết cổ phiếu LPB tại HOSE sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 theo phê duyệt của đại hội đồng cổ đông.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) năm 2020 cũng nhất trí thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết toàn bộ cổ phiếu của ngân hàng từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE. Đồng thời, ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định lựa chọn thời điểm thực hiện và hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc chuyển đăng ký niêm yết với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo ACB, việc chuyển đăng ký niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào các rổ chỉ số HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%); VNDIAMOND (10%); VNFINSELECT (12%): VNFINLEAD (12%)… Từ đó, có thể giúp làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu ACB và đem lại lợi ích cho các cổ đông. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu để đo lường hiệu quả đầu tư.
Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu SHB của ngân hàng từ HNX sang HOSE.
Trong tờ trình gửi đại hội đồng cổ đông, SHB nêu rõ, kế hoạch này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán.
Cổ đông cũng thống nhất giao Hội đồng quản trị ngân hàng quyết định thời điểm chuyển đăng ký niêm yết, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện tư vấn việc chuyển đăng ký niêm yết; quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ ngân hàng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích hợp pháp của SHB và của cổ đông. Cùng với đó, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các nội dung nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài các ngân hàng trên, dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng trình đại hội thông qua tờ trình chuyển niêm yết từ UpCOM sang HOSE trong năm nay.
Hiện trong hệ thống ngân hàng đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Trong đó, 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, VPB, EIB, STB); 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 5 cổ phiếu trên UpCOM (LPB, VIB, VBB, BAB, KLB).
Ngoài ra, theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Quy định này giới hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2020 cũng buộc nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam… đẩy mạnh kế hoạch niêm yết trong năm nay.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc một số ngân hàng có kế hoạch chuẩn bị niêm yết và chuyển sang sàn HOSE trong năm nay sẽ giúp cho các ngân hàng dễ dàng huy động vốn nhiều hơn thông qua thị trường chứng khoán. Đặc biệt, khi niêm yết, các ngân hàng sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Đây sẽ là điểm cộng cho sự phát triển cũng như thương hiệu của các ngân hàng trong thời gian tới…
Vàng trong nước tăng 70.000 đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng 29/6 biến động nhẹ. Lúc 10 giờ 50 phút, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC được niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 48,99 - 49,36 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần qua, mức giá này tăng 90.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC tăng 20.000 đồng/lượng ở chiều mua và 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 49,08 - 49,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,08 - 49,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần qua, mức giá này được điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/6, giá vàng châu Á tăng cao giữa bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng mạnh trên toàn cầu làm các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm phục hồi trở lại và qua đó thúc đẩy họ tìm đến kim loại quý này như một kênh đầu tư an toàn.
Vào lúc 7 giờ 15 phút sáng (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.772,61 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 1.785,9 USD/ounce.
Trước đó, ngày 28/6, chính quyền bang California (Mỹ) ra lệnh đóng cửa một số quán bar, động thái đầu tiên tác động đến những nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế tại bang đông dân cư nhất ở Mỹ, giữa lúc số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục từng ngày qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho rằng, triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong tháng vừa qua đã trở nên xấu đi hoặc vẫn như trước đó.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ ở Nhật Bản trong tháng Năm sụt giảm với tỷ lệ hai con số so với cùng kỳ năm trước và là tháng sụt giảm mạnh thứ hai liên tiếp, giữa lúc bùng phát đại dịch và các biện pháp phong tỏa đã giáng đòn nặng nề đối với niềm tin người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Theo giới chuyên gia, vàng được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ nắm giữ đã tăng 0,3% lên 1.178,9 tấn vào thứ Sáu (26/6).
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất