24/08/2024 10:59 GMT+7 | Bạn cần biết
Sau khi trồi sụt bất nhất trong các phiên giao dịch trong tuần, giá vàng thế giới tăng hơn 1% vào phiên giao dịch cuối tuần này, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell báo hiệu về khả năng hạ lãi suất vào tháng Chín tới.
Xu hướng chốt lời của các nhà đầu tư sau đợt vàng lập đỉnh đã khiến giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/8.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở Trung Đông, sự yếu đi của đồng USD và kỳ vọng ngày càng tăng của nhà đầu tư vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9/2024 đã giúp vàng đảo chiều đi lên ngay trong phiên giao dịch 20/8. Trước đó, ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhất trí với "đề xuất bắc cầu" do Washington đưa ra để giải quyết những bất đồng cản trở thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, đồng thời hối thúc lực lượng Hamas có động thái tương tự.
Giá vàng biến động trái chiều trong phiên 21/8, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7/2024 của Fed được công bố cho thấy đa số các nhà hoạch định chính sách cho rằng nếu dữ liệu tiếp tục cho thấy sự tiến triển như dự kiến, việc nới lỏng chính sách tại cuộc họp sắp tới có thể là phù hợp.
Còn trong phiên 22/8, giá vàng đi xuống trước khi quay đầu tăng trở lại vào phiên cuối tuần (23/8), theo sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole. Ông Powell cho biết "đã đến lúc" Fed cần hạ lãi suất và lạm phát đã tiến gần mức mục tiêu 2% của ngân hàng này. Lời phát biểu này đưa ra sự xác nhận rõ ràng về việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ sắp xảy ra.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 2.511,91 USD/ounce, nhưng đã thấp hơn so với mức cao kỷ lục là 2.531,60 USD/ounce đã ghi nhận vào ngày 20/8. Giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 1,2% lên 2.546,30 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,8% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm sau bài phát biểu của ông Powell, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, mặc dù giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng trở lại vào tháng 7/2024, song vẫn phù hợp với xu hướng lạm phát đang dần chậm lại và không làm thay đổi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi giảm 0,1% vào tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7/2024, CPI đã tăng 2,9%, sau khi tăng 3,0% vào tháng 6.
Không tính các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đã tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi tăng 0,1% vào tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 7, CPI lõi đã tăng 3,2%, mức tăng thấp nhất nhất kể từ tháng 4/2021, sau mức tăng 3,3% của tháng 6.
Theo nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại công ty môi giới tài chính LPL Financial, các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách đều nhận thấy báo cáo trên của Bộ Lao động là tín hiệu tốt cho thị trường và nền kinh tế, giúp Fed có thể cắt giảm lãi suất nhưng vẫn duy trì chính sách tiền tệ hạn chế nói chung.
Ông Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, nhận định: "Các thị trường tài sản đang phản ứng tốt với thông tin này, ít nhất là ban đầu, khi những nhận định chung nhưng có phần gợi mở của ông Powell cho thấy đã đến lúc Fed điều chỉnh chính sách. Vàng sẽ tăng cao trước cuộc họp tháng Chín của Fed và biểu đồ dot plot (biểu đồ ghi lại dự đoán của mỗi quan chức Fed về lãi suất ngắn hạn được cập nhật) sẽ cho biết có bao nhiêu đợt hạ lãi suất có thể xảy ra trong năm nay.
Lãi suất Mỹ thấp hơn cũng thường làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời như vàng. Nhà đầu tư hiện đang dự báo xác suất 59,5% Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2024, trong khi xác suất 40,5% Fed sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Giá vàng đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến nay và đang hướng đến năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2020. Thúc đẩy đà tăng này là hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, nhu cầu cao ở Trung Quốc và nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Theo số liệu tính đến tháng 5/2024 của Hội đồng Vàng Thế giới, quốc gia đang nắm giữ nhiều vàng nhất là Mỹ, với 8.133 tấn trị giá 628 tỷ USD. Một nửa lượng vàng dự trữ của nước này được lưu trữ tại Kho lưu trữ vàng của Mỹ, thường được gọi là Fort Knox. Đức xếp thứ hai với 3.351 tấn, tiếp theo là Italy với 2.452 tấn.
Các ngân hàng trung ương nắm giữ hầu hết vàng trên thế giới. Kim loại quý này là một loại tài sản dự trữ quốc gia do các đặc điểm về mức độ an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận. Các ngân hàng trung ương nắm giữ khoảng 20% tổng lượng vàng khai thác được trong suốt lịch sử.
Trong nửa đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua 483 tấn vàng - một mức cao kỷ lục mới. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, với lượng mua tổng cộng 45 tấn. Ấn Độ xếp thứ hai, khi mua tổng cộng 37 tấn vàng trong sáu tháng đầu năm.
Trung Quốc thường là nước mua vàng hàng đầu thế giới, nhưng gần đây đã giảm tốc độ mua kim loại quý này, tạm ngừng hoạt động mua vào trong tháng Năm và tháng Sáu. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tăng trữ lượng vàng trong 18 tháng liên tiếp.
Về phần mình, chuyên gia Aakash Doshi, tại tổ chức nghiên cứu Citi Research, nhận định động lực chính cho giá vàng đi lên là nhu cầu đầu tư tài chính, đặc biệt là hoạt động mua vào của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Bên cạnh đó, giá kim loại quý này cũng được hưởng lợi nhờ niềm tin vào khả năng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Chín.
Theo ông Doshi, giá vàng có thể vọt lên 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay và 3.000 USD/ounce vào giữa năm tới. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, cho biết tính đến ngày 19/8, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng lên 859 tấn, mức cao nhất trong bảy tháng.
Trong khi đó, giá bạc tăng 2,9% lên 29,83 USD/ounce trong phiên 23/8 và tăng gần 2,7% trong cả tuần. Nhập khẩu bạc của Ấn Độ đang trên đà tăng gần gấp đôi trong năm nay do nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà sản xuất tấm pin Mặt Trời và thiết bị điện tử. Trong khi đó, giá bạch kim tăng 1,8% lên 961,01 USD/ounce và giá palladium tăng 2,6%, lên mức 956,69 USD/ounce.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất