Lấp lửng giá xăng dầu

21/05/2012 08:26 GMT+7

Có lời lớn do giá thế giới liên tục giảm mạnh trong gần nửa tháng qua, nhưng các đầu mối xăng dầu ung dung tuyên bố phải chờ Bộ Tài chính ra quyết định mới giảm giá bán. Điều này trái ngược hoàn toàn với cảnh mỗi khi giá nhập khẩu tăng, doanh nghiệp (DN) nhấp nhổm đòi tăng giá, thậm chí gây sức ép bằng việc bán nhỏ giọt hoặc ngừng bán.

Theo con số công khai của Petrolimex, bình quân 30 ngày tính tới 17.5, giá xăng bán lẻ của đơn vị này đang lãi khoảng 633 đồng/lít và lãi gần 400 đồng/lít dầu diesel. Tuy nhiên, theo một đầu mối xăng dầu phía nam, nếu tính bình quân 15 ngày trở lại đây, con số lãi thực tế của các DN cao hơn nhiều, xấp xỉ ở mức 700 - 1.500 đồng/lít xăng dầu. Nhưng thay vì chủ động đề xuất giảm giá, các đầu mối lựa chọn cách tăng chiết khấu hoa hồng để giữ chân đại lý và sử dụng phần lãi này để “bù lỗ” kinh doanh của thời gian trước đó. Đáng nói nhất, giữa lúc cơ hội giảm giá nhìn thấy rõ, cơ quan quản lý giá vẫn im lặng.

Sở dĩ có cảnh tréo ngoe trên là do việc duy trì quá lâu cơ chế tính giá bình quân 30 ngày với xăng dầu nhập khẩu theo Nghị định 84, dẫu giá thế giới biến động tăng giảm liên tục. Theo các chuyên gia, cơ chế quản lý giá này đang giúp các DN sống khỏe, cơ quan quản lý thì khá “nhàn”, chỉ người tiêu dùng chịu thiệt. Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, bất hợp lý ở chỗ Nghị định 84 quy định giá theo thị trường do DN tự quyết, nhưng bản chất thị trường xăng dầu vẫn là độc quyền khi 3 DN đầu mối lớn là Petrolimex, Saigon Petro và PVOil đã chiếm tới trên 70% thị phần. Mặt khác, Nghị định quy định DN được điều chỉnh giá khi thị trường biến động, nhưng trên thực tế cơ quan quản lý vẫn quyết định giá, dẫn đến cơ chế thị trường nửa vời, mà hậu quả tất yếu là DN chỉ “kêu khóc” khi giá thế giới tăng, nhưng âm thầm hưởng lợi nhuận khi giá thế giới giảm.

Cơ quan quản lý thì luôn nói tới việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và DN, tuy nhiên, trong thế kiềng 3 chân này, lợi ích người tiêu dùng luôn bị xếp cuối cùng. Minh chứng là khi giá thế giới tăng, DN sẽ được hỗ trợ tối đa bằng các công cụ như xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu về 0%... Tới khi giá thế giới giảm, thường là sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, việc điều chỉnh giảm giá mới được tính đến. Thậm chí, rất nhiều lần, thay vì giảm giá cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý chỉ khôi phục thuế nhập khẩu.

Việc sửa đổi Nghị định 84 đã được nhắc tới rất nhiều lần, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giao cho Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Tài chính xem xét sửa đổi những điểm không hợp lý của cơ chế này, nhưng đến thời điểm này chưa có dấu hiệu gì cho thấy việc sửa đổi đang được thực hiện. Sự chậm trễ khó hiểu này của các cơ quan quản lý, cùng với tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” liên tục của giá xăng dầu khiến dư luận ít nhiều phải đặt câu hỏi: liệu có lợi ích nhóm nào đang chi phối cách điều hành và quản lý thị trường xăng dầu?

Theo các chuyên gia, việc duy trì dự trữ lưu thông trong thời gian dài là cần thiết, nhưng cơ chế tính giá không thể cứng nhắc bình quân 30 ngày mà có thể nới lỏng 7 ngày hoặc 15 ngày để linh hoạt hơn với giá thị trường, đồng nghĩa với việc cấp thiết phải sửa đổi ngay Nghị định 84. Sau cú sốc tăng giá lên tổng cộng 3.000 đồng/lít xăng tháng trước, quyết định giảm giá xăng dầu kịp thời của cơ quan quản lý vào thời điểm này là cách tốt nhất để hỗ trợ cho các DN sản xuất vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đồng thời lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng vào một thị trường xăng dầu thực sự “minh bạch”.

Theo Thanh Niên


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link