15/11/2013 07:29 GMT+7 | Biếm Họa
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua (14/11), báo TT&VH (TTXVN) đã chính thức khai mạc giải Biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần thứ IV. Sau giải lần thứ II, lần thứ III thi theo chủ đề, giải lần thứ IV đã trở về với đề tài vẽ tự do, với tiêu chí "Trao nhau nụ cười".
Tổng Biên tập báo TT&VH, bà Trương Lê Kim Hoa đã giải thích về tiêu chí này: "Chúng tôi đặt tiêu chí “Trao nhau nụ cười” với hi vọng, bất chấp rất nhiều khó khăn, thách thức trong những năm qua, như suy thoái kinh tế toàn cầu, toàn quốc; những vấn nạn môi trường, mà mới đây nhất là thảm họa kinh hoàng từ siêu bão Haiyan ở Philippines; bất chấp không ít những bức xúc, bất cập trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội… Các họa sĩ biếm, báo TT&VH, với trách nhiệm xã hội của mình muốn tiếp tục "trao nhau nụ cười" với tinh thần xây dựng, có tính phản biện xã hội cao, nhằm hướng tới một xã hội ngày một tốt đẹp, văn minh, tiến bộ hơn"...
6 năm vẫn… "chạy" tốt
"Suốt 40 năm vẽ biếm họa, đã chứng kiến nhiều cuộc thi chỉ được vài năm là “hết hơi”, tôi rất ngạc nhiên thấy giải Biếm họa Báo chí Việt Nam do TT&VH tổ chức vẫn tồn tại được, chất lượng ngày càng tốt, ngày càng chuyên nghiệp hơn, người dự thi đều cảm thấy rất hài lòng về khâu tổ chức", họa sĩ Văn Thanh bày tỏ.
Lễ khai mạc Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần IV.
Họa sĩ Hoàng Dzự (bút danh Dzím) chia sẻ: "Báo TT&VH nỗ lực tổ chức được giải ngần ấy năm quả thực là một sự cố gắng lớn. Mong BTC tiếp tục cố gắng, tự tin và điều quan trọng khi làm biếm họa là xác định trách nhiệm, ý thức của công dân với xã hội".
Ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc TTXVN, cho biết BTC rất trân trọng những ý kiến này vì "dẫu đặt ra mục tiêu đạt đến tầm quốc gia, nhưng mục đích chính của giải đặt ra là ủng hộ và nâng cao vị thế cho biếm họa và quan trọng hơn là vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp chung. Suốt 4 mùa giải, BTC đã rất nhiều công phu, trong điều kiện nguồn lực hạn chế để duy trì giải và nâng cao uy tín của giải".
Họa sĩ Thành Chương, một thành viên BGK, cho biết: "Một tờ báo tổ chức được 1 giải đã là khó khăn, riêng TT&VH hiện tổ chức 3 giải thưởng: Cống hiến, Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, giải Biếm họa Báo chí Việt Nam. Duy trì được cả 3 giải thực sự rất đáng ngưỡng mộ. Tôi ghi nhận đó là đóng góp xã hội rất lớn của TT&VH. Chính Cúp Rồng Tre đã thức tỉnh chúng tôi quan tâm tới các họa sĩ biếm hơn".
Sức mạnh thực sự của biếm họa
Cho tới thời điểm này, biếm họa vẫn chưa được đưa vào hệ thống giải Báo chí quốc gia, vẫn có những tranh cãi kiểu như họa sĩ biếm có phải nhà báo hay không.
“Biếm họa dẫu chỉ chiếm một diện tích rất khiêm tốn trên trang báo, nhưng cái mẩu tranh bé tí xíu ấy cực kỳ có giá trị. Ở Đức, nơi biếm họa rất phát triển, những bức biếm họa lịch sử được trưng bày cực kỳ trang trọng trong những nơi quan trọng nhất của Chính phủ. Tôi chưa thấy có bài báo nào được tôn vinh như thế đâu.
Biếm họa hiện nay đang phát triển kinh khủng. Trên thế giới có họa sĩ biếm triệu phú USD, tranh của họ được đăng trên hàng ngàn báo và tạp chí khác nhau trên thế giới, được hàng trăm triệu người xem" – Họa sĩ-KTS Lý Trực Dũng nói.
Ông còn cho rằng tranh biếm ở Việt Nam hiện nay vẫn nặng về châm biếm, xem rất nặng đầu và thiếu tính hài hước. Ông Dũng lấy ví dụ: "Một cuộc thi biếm họa rất lớn ở Berlin (Đức) lấy chủ đề Biên giới, đã trao giải cho một bức tranh cực kỳ đơn giản. Bức tranh có hình một bức tường, người bên này tường giơ mũ chào người bên kia tường. Không phải lúc nào vẽ theo những đề tài to lớn, kinh khủng mới chiến thắng".
Trong suốt 2 năm qua đã có bao sự kiện nóng bỏng xảy ra. Những mảng lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, biến đổi khí hậu, showbiz... đều nóng, là "mỏ" đề tài để các họa sĩ khai thác. Đây là cơ hội để các họa sĩ biếm họa tài hoa ở Việt Nam thi thố tài năng và cũng là cơ hội để biếm họa chứng tỏ sức mạnh thật sự của mình. Thực tế, qua 3 mùa giải, mỗi lần tổ chức triển lãm biếm họa ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều thu hút đông đảo công chúng và được đánh giá rất tích cực.
>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất