15/08/2011 10:52 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Chương trình Giai điệu mùa Thu 2011 sẽ diễn ra trong 3 đêm 17, 18 và 19/8 tại Nhà hát TP.HCM. Có thể nói đây là chương trình nghệ thuật hàn lâm có chất lượng nghệ thuật cao đã gây được tiếng vang trong công luận. Giai điệu mùa Thu là nơi hội tụ các tài năng hàn lâm ở trong nước và nước ngoài và cũng chính từ Giai điệu mùa Thu, một số nghệ sĩ đã trở về quê hương làm việc, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
Những năm trước đây số lượng nghệ sĩ từ nước ngoài về tham gia được xem như “thước đo” của Giai điệu mùa Thu. Nhưng năm nay, theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch, chương trình được xây dựng hướng vào “chiều sâu”, mời ít nghệ sĩ và dành nhiều thời gian hơn để họ biểu diễn trọn vẹn 1 tác phẩm nhằm thể hiện hết tài nghệ của mình. Đặc biệt, chương trình chú trọng giới thiệu những tác phẩm mới có hình thức âm nhạc lớn như giao hưởng, concerto của các nhạc sĩ trẻ Việt Nam và tác phẩm múa đương đại mang hơi thở Việt Nam.
TT&VH có cuộc trò chuyện với Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM - Trần Vương Thạch.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch
* Giai điệu mùa Thu đã bước sang năm thứ 7, lần này, chương trình sẽ có gì khác so với các năm trước?
- Nếu Giai điệu mùa Thu các năm trước là chương trình biểu diễn chủ yếu để giới thiệu những tài năng biểu diễn nghệ thuật hàn lâm thì năm nay chương trình đột phá vào một lĩnh vực khá quan trọng đối với một nền nghệ thuật đó là lĩnh vực sáng tác.
Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, về khí nhạc sẽ giới thiệu bản giao hưởng Vàng son của Vũ Việt Anh và Concerto cho violin và dàn nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Đây là hai nhà soạn nhạc trẻ tốt nghiệp nước ngoài và trở về công tác tại Nhà hát. Về múa thì giới thiệu một tác phẩm múa đương đại Việt Nam.
Tất cả đều nhằm mục đích giới thiệu những tác phẩm của những người sáng tác Việt Nam. Việc mạnh dạn giới thiệu những tác phẩm đương đại của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ nhằm thúc đẩy việc sáng tác của những người trẻ hôm nay, nhằm góp phần tạo nên diện mạo mới cho nghệ thuật hàn lâm Việt Nam trong thế kỷ 21.
* Anh có nhận xét gì về các tác phẩm đương đại Việt Nam trình diễn lần này?
- Tôi hy vọng nó sẽ mang lại những mới mẻ, hấp dẫn. Bao giờ cái mới cũng cần được thử thách và đây là cơ hội để thử thách. Thử thách thế hệ trẻ đã ra nước ngoài học tập, thành đạt và trở về nước làm việc, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
* So với các Giai điệu mùa Thu đầu tiên, năm nay ít nghệ sĩ Việt Nam về dự hơn?
- Có thể nói những năm trước như sự quy tụ, giới thiệu các tài năng nghệ thuật nhạc hàn lâm, sự có mặt của nhiều nghệ sĩ trở về từ nước ngoài làm cho không khí Giai điệu mùa Thu như một ngày hội. Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn đầu, những năm sau này cần đi vào chiều sâu hơn.
Quá nhiều nghệ sĩ trong một chương trình nên mỗi người chỉ biểu diễn một trích đoạn tác phẩm, điều đó không thể hiện hết tài năng của họ, cũng như không mang đến cho khán giả trọn vẹn một tác phẩm. Năm nay nghệ sĩ violin Trần Hữu Quốc sẽ trình diễn nguyên Concerto của Mendelsshon, nghệ sĩ Sergei Sivolgin (Nga) sẽ trình diễn nguyên Concerto của Nguyễn Mạnh Duy Linh, hợp xướng và dàn nhạc sẽ trình diễn trọn vẹn Opera Cavalleria Rusticana của P.Mascagni...
“Giai điệu mùa Thu 2011 hướng vào tính “nội lực”, những năm trước nhiều tài năng trẻ còn đi học, trở về nước tham gia như một dịp hội tụ, gặp gỡ. Nay trong số đó đã có nhiều người trở về làm việc cống hiến cho nghệ thuật hàn lâm TP.HCM. Và họ sẽ là lực lượng chính thiết kế chương trình đón tiếp những tài năng trẻ, để sau khi học xong, một số người cũng trở về như họ” - (Nhạc trưởng Trần Vương Thạch).
* Hai nghệ sĩ múa đương đại người Pháp và Bỉ, một nghệ sĩ violin người Nga, một pianist Hàn Quốc và gần 40 thành viên hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc, tất cả đều có bảng thành tích khá “dữ dội”, chúng ta có tốn nhiều chi phí cho lực lượng này?
- Như anh biết tài trợ của doanh nghiệp và hỗ trợ kinh phí của Sở VH,TT&DL TP.HCM là không đáng kể, chủ yếu là dùng kinh phí của Nhà hát. Nhưng cũng rất mừng là các nghệ sĩ nước ngoài đến với chương trình là do yêu quý và cảm thấy hãnh diện khi trình diễn trong một chương trình như thế. Tiền thù lao cho họ chỉ là tượng trưng, còn gần 40 thành viên của hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc thì họ tự lo kinh phí.
Các nghệ sĩ nước ngoài cũng đánh giá cao chương trình Gia điệu mùa Thu, một chương trình tôn vinh đúng nghĩa đối với nghệ sĩ hàn lâm mà cả ở nước ngoài hình như cũng ít nơi có.
* Anh nghĩ gì về chương trình Giai điệu mùa Thu trong bối cảnh biểu diễn âm nhạc hiện nay?
- Những năm trước, Giai điệu mùa Thu có biểu diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM) và được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Điều đó cho thấy không phải nghệ thuật hàn lâm quá khó thưởng thức đối với giới trẻ, mà do họ ít có điều kiện tiếp xúc. Trong tình hình biểu diễn nghệ thuật chung hiện nay, đa phần là những chương trình giải trí mang tính chất thị trường, còn quá ít những chương trình chuyên nghiệp có giá trị nghệ thuật cao. TP.HCM rất cần có những chương trình tương tự như Giai điệu mùa Thu để cân bằng sinh hoạt đời sống âm nhạc và mở ra nhiều lựa chọn phong phú cho khán giả.
* Xin cảm ơn anh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất