Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu Mùa thu: Thành công dù không đông khán giả

23/08/2013 07:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu Mùa Thu vừa kết thúc tối qua (22/8) tại TP.HCM, khép lại mùa đầu tiên với 7 đêm nghệ thuật đa dạng và nhiều màu sắc.

Năm nay lần đầu tiên chương trình Giai điệu Mùa thu (GĐMT) đổi định dạng, từ một chương trình âm nhạc cổ điển dành cho các tài năng trẻ với 2, 3 đêm diễn mở rộng thành một liên hoan nghệ thuật với nhiều đêm diễn, từ hòa nhạc cổ điển đến vũ kịch, từ độc tấu piano đến múa đương đại…

Những điểm sáng

Năm nay, việc mở rộng chương trình GĐMT là một sức ép không nhỏ với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết ông và các cộng sự đã phải chuẩn bị hơn một năm với áp lực phải biến chương trình dành cho các tài năng trẻ trở thành chương trình nghệ thuật điểm của thành phố có quy mô lớn hơn. Với 7 đêm nghệ thuật, có thể thấy, những cố gắng của ban tổ chức đã phần nào được ghi nhận.


Tổ khúc dân ca Dòng chảy của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng là một điểm sáng của GĐMT năm nay.

Vẫn có những tài năng trẻ tỏa sáng như hai chị em Diệu Ân - Diệu Linh và đặc biệt  là  các tài năng trẻ của Quỹ Spivakov (Nga). Vì  trong biểu diễn âm nhạc cổ điển luôn có sự so sánh ngầm về trình độ nên ngay trong đêm biểu diễn, 7 tài năng trẻ cũng bị “soi” rất kỹ. Nhưng như lời của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, khi nhìn họ biểu diễn, ngoài sự so sánh, người ta còn cảm nhận được sức sống của cả một nền giáo dục âm nhạc tài năng của Nga và đó là điều quan trọng nhất. Quỹ Spivakov đã mang đến một hiện thực thú vị về cách đào tạo các tài năng âm nhạc, về sự hứng khởi trong cách chơi và cả một làn gió đẹp cho suốt chương trình.

Ngoài ra còn phải kể đến sự xuất hiện của Bùi Công Duy và nhóm Hà Nội Ensemble mà nhiều người đã đánh giá rằng không thể cảm nhận được hết nếu chỉ “nghe nói”. Có thể những tác phẩm trình diễn khá quen với những ai yêu thích cổ điển (Carnival Of Animals của Camille Saint-Saens) nhưng phần trình diễn của Hà Nội Ensemble vẫn đem đến những cung bậc khác lạ và cũng cho thấy một phong cách đặc biệt trong tiếng đàn.

Sự có mặt của pianist người Đức Hinrich Alpers và nhạc trưởng đồng hương Christian Schumann cũng mang lại giá trị về đẳng cấp cho GĐMT năm nay. Có thể nói việc một nghệ sĩ nổi tiếng và tài năng như Alpers đến Việt Nam biểu diễn là một trong những điểm sáng và để có được những nghệ sĩ như vậy đến tham dự thì BTC chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa chứ tự thân không thể đủ kinh phí để mời. Và cũng cần biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Apers và Schumann đến Việt Nam và cũng chẳng phải là lần đầu tiên viện Goethe (Đức) đứng ra mời hai nghệ sĩ này đến biểu diễn.

Thành công?

Đặt câu hỏi ấy cho nhạc trưởng Trần Vương Thạch, anh cho rằng năm nay có thể xem là một khởi đầu đẹp. Một con số thực tế không cần hoa mỹ là tổng thu tiền vé của 7 đêm biểu diễn là gần 500 triệu đồng, tính trung bình một đêm thu được chừng hơn 70 triệu, một con số khá khiêm tốn so với các live show ca nhạc nhưng cũng đủ tạo cho nhà tổ chức một sự lạc quan hơn cho lần tổ chức sau vào năm 2015. Tất nhiên sự khởi đầu nào cũng có những mặt cần xem lại, khán giả chưa đông như kỳ vọng, giá vé dù có giảm nhưng với những ai mê cổ điển và nghe hết các đêm diễn thì số tiền bỏ ra không phải là nhỏ.

Tuy mở rộng về quy mô nhưng chương trình vẫn còn thiếu nhiều loại hình nghệ thuật  xứng đáng có mặt. Công nhận điều này, nhưng nhạc trưởng Trần Vương Thạch vẫn cho rằng kinh phí là vấn đề đau đầu nhất, ít tài trợ, công tác quảng bá không được tốt... “Chắc chắn rằng năm 2015 sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa và chắc chắn sẽ có thêm phần biểu diễn của guitar cổ điển” – vị nhạc trưởng khẳng định.

N.M
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link