03/11/2015 22:14 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Giải Goncourt, giải thưởng văn học hàng đầu của Pháp, đã được trao cho tiểu thuyết Boussole của Mathias Enard, tác phẩm đầy thơ mộng ca ngợi lịch sử lâu dài của những cuộc trao đổi văn hóa giữa phương Tây và phương Đông.
Enard là học giả về A Rập và Ba Tư. Boussole là tác phẩm thứ 9 của ông được xuất bản. Cuốn tiểu thuyết này khảo sát những tư tưởng của một nhà âm nhạc học người Áo bị mắc chứng mất ngủ. Khi thức giấc vào ban đêm, ông luôn hồi tưởng và suy niệm về những chủ đề khác nhau, song quan trọng nhất là những chuyến đi và trải nghiệm của ông ở Trung Đông.
Nhà văn Pháp Mathias Enard, "chủ nhân" giải Goncourt năm nay. Ảnh: Getty
Trước khi công bố giải thưởng vào bữa trưa ngày 3/11 tại nhà hàng Drouant ở Paris, cuốn tiểu thuyết này cũng nằm trong sự lựa chọn của giới phê bình.
Enard đã đánh bại những tác phẩm văn học yêu thích khác của giới đặt cược, như Les Preponderants của nhà văn Pháp gốc Tusinia Hedi Kaddour. Tiểu thuyết của Kaddour khảo sát thời kỳ thuộc địa lâu dài của Pháp ở châu Phi bằng cuộc thăm lại Tusinia trong những năm 1920, vào thời điểm nỗi oán giận sự thống trị của Pháp ngày càng gia tăng.
Thống lĩnh cuộc đua tranh giải năm nay là những cuốn sách viết về mối quan hệ yêu-ghét của phương Tây với thế giới Hồi giáo và A Rập.
Lọt vào danh sách chung tuyển năm nay có cuốn Ce pays qui te ressemble của nhà văn Tobie Nathan. Tác phẩm này là câu chuyện kể về thời thơ ấu của nhà văn và cảnh điền viên đã mất của thành phố Cairo.
Năm nay chỉ có một tác giả nữ duy nhất lọt vào danh sách chung tuyển, đó là Nathalie Azoulai với tiểu thuyết Titus n’aimait pas Berenice. Cuốn tiểu thuyết của Azoulai cũng có bối cảnh ở Trung Đông, viết về Berenice, hoàng hậu Palestine của kỷ nguyên La Mã, từ bi kịch lãng mạn của Racine.
Bìa cuốn Boussole, tiểu thuyết đoạt giải Goncourt năm nay. Ảnh: libraires-ensemble.com
Song 2084, tiểu thuyết của nhà văn Algeria Boualem Sansal có chủ đề gây tranh cãi nhất và nổi bật nhất lại không lọt vào danh sách chung tuyển, mặc dù từ lâu tác phẩm này đã được xem là ứng cử nặng ký cho giải thưởng năm nay. Tiểu thuyết này thể hiện nhãn quan về tương lai của Hồi giáo.
Tác phẩm mới nhất của Sansal, cuốn tiểu thuyết ăn khách Submission, là sự tưởng tượng đầy tranh cãi khi nước Pháp bầu ra một chính phủ Hồi giáo vào năm 2022.
Giải Goncourt, mang tên nhà văn, nhà phê bình kiêm nhà xuất bản Edmond de Goncourt, được sáng lập từ năm 1903. Đây là giải thưởng văn học lâu đời và thanh thế nhất của thế giới nói tiếng Pháp tôn vinh tác phẩm văn xuôi giàu tính tưởng tượng nhất năm. Giải thưởng này năm ngoái được trao cho cuốn Pas pleurer (Đừng khóc) của Lydie Salvayre.
Tuấn Vĩ
Theo AFP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất