Giải Mỹ mở rộng ngày thứ 7: Nỗi tuyệt vọng của Murray

06/09/2010 15:48 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - Nếu bạn mong chờ một cú sốc thì sự ra đi không hẹn trước của Andy Murray sau gần 4 giờ đồng hồ giao đấu với Wawrinka với các tỷ số 7-6(3), 6-7(4), 3-6 và 3-6 chính xác là một "vụ nổ" lớn của giải Mỹ mở rộng năm nay.

Bao năm rồi, Andy vẫn thế. Vẫn gương mặt yếm thế và cái nhìn khắc khổ. Có vẻ như số phận không muốn chiều lòng những người hâm mộ banh nỉ Vương quốc Anh. Kể từ sau khi Fred Perry đăng quang ở Wimbledon và Mỹ mở rộng năm 1936, họ đã mòn mỏi đợi chờ một danh hiệu quán quân Grand Slam của các tay vợt nam nhưng 74 năm rồi mà vẫn chưa có lấy một niềm vui tiếp nối.


Bao giờ, Murray?, Ảnh Getty

2 năm về trước cũng ở Flushing Meadows, Murray đã tiến đến ngưỡng cửa thiên đường nhưng cánh cửa vinh quang ấy đã bị Federer "nhẫn tâm" đóng sập lại. Trên đường vào chung kết năm ấy, anh đã bỏ lại nhiều đối thủ trong đó có chính Wawrinka, người đã khiến anh bại trận hôm nay. Khi Murray hạ gục cả Nadal lẫn Federer để lên ngôi ở Rogers Cup 2010, những người hâm mộ anh vui mừng lắm. Vương quốc Anh lại mơ giấc mơ đã ám ảnh họ hơn 7 thập kỷ. Nhưng một lần nữa giấc mộng không thành.

Một trận đấu kéo dài 4 set và gần như chỉ số chuyên môn nào cũng nói rằng Murray thua không phải hối tiếc. Suốt cả 236 phút đồng hồ giao tranh, anh chỉ có được 5 cú ace trong khi tay vợt Thụy Sĩ (nhưng không phải là Federer) giành ace tới 13 lần. Về đánh thắng điểm, Murray cũng thua kém đối thủ (43 so với 58 lần thắng điểm của Wawrinka). Lên lưới anh kém Wawrinka (30 so với 35 lần thành công), tận dụng break-point anh cũng không bằng (5 so với 8 lần Wawrinka giành break). Tóm lại anh chẳng có gì để phàn nàn hay tiếc nuối cả. Phải chăng Murray thua vì chấn thương và thể lực kém? Đúng là mới đánh tới set 2 anh đã phải cần bác sỹ chăm sóc tới 2 lần vì chấn thương ở khuỷu tay phải. Rồi chấn thương chân và cổ cũng ảnh hưởng tới sức mạnh của anh. Nhưng quá dễ để đổ tại tất cả cho chấn thương và thể lực.

Sau trận đấu, Murray không bào chữa như thế. Nhưng những phát biểu của anh có thể khiến tất cả các fan phải tuyệt vọng vì chính anh đã tỏ ra tuyệt vọng hơn bao giờ hết. "Tôi đã làm tất cả những gì có thể rồi. Về thể lực, tôi đã cố hết sức. Về luyện tập, tôi đã tỏ ra chăm chỉ đến mức không thể hơn được nữa. Vậy tôi còn có thể làm được gì nữa chứ? Tôi không biết liệu mình có thể giành được một danh hiệu vô địch Grand Slam nữa hay không". Nghe mà chua chát và bất lực làm sao. Andy đã sinh nhầm thế kỷ? Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần trước đó và bây giờ không có cách nào khác là người ta buộc phải nhắc lại nó. Cứ mỗi khi bước vào một giải đấu lớn (chỉ ngoại trừ Roland Garros diễn ra trên sân đất nện mà Murray không quen)  thì cả vương quốc Anh lại hy vọng ở nơi anh và rồi tay vợt này lại khiến họ phải thở dài buồn bã. Còn bao nhiêu nỗi buồn như thế nữa, hay là bao giờ thì cả vương quốc Anh mới được toại nguyện với giấc mơ được chứng kiến một người con của họ giơ cao cúp vô địch Grand Slam của nội dung đơn nam sau 74 năm trường không có lấy một niềm vui? Cái ngày Fred Perry giơ cúp đã thật xa. Và chưa biết bao giờ mới có một Perry thứ 2 làm sống lại những nụ cười Anh quốc.

Murray bước hụt chứ Nadal thì không. Dù có lúc chật vật, khó khăn, song "bò tót Tây Ban Nha" vẫn cứ tiến về phía trước để chinh phục giấc mơ anh ấp ủ. Chỉ cần 2 giờ đồng hồ và 3 set đấu, hạt giống số 1 đã "thanh toán" xong đối thủ người Pháp Gilles Simon của anh với các tỷ số 6-4, 6-2 và 6-2. Cùng theo bước Nadal vào vòng 4 còn có 4 đồng hương của anh là Robredo, Verdasco, Feliciano Lopez và David Ferrer.

Nội dung đơn nữ của ngày thi đấu thứ 7 ghi nhận nỗ lực vượt khó tuyệt vời của tay vợt Australia Stosur khi cô cứu được tới 4 match-point để vượt qua đàn chị Dementieva của Nga với các tỷ số 6-3, 2-6 và 7-6(2). Đây thực sự là chiến thắng đáng nhớ của á quân Roland Garros 2010 vì Dementieva là một trong những cựu binh ở các giải Grand Slam. Suốt từ năm 1999 đến 2009 cô không bỏ lỡ bất kỳ một giải đấu lớn nào và ở giải nào cô cũng từng vào tới bán kết, hay chung kết. Ngay ở Flushing Meadows, Dementieva từng là á quân năm 2004 và 3 lần vào bán kết các năm 2000, 2005 và 2008, trong khi Stosur chưa bao giờ tiến xa hơn vòng 2 trước đó. Vậy mà bây giờ cô đã có mặt ở tứ kết cùng với những Venus Williams, hay Kim Clijsters. Thách thức khổng lồ cho Stosur sẽ đến ở vòng tứ kết này khi Clijsters thực sự là bài test khó trong khi Venus Williams đụng Schiavone.

Kết quả một số cặp đấu

* Đơn nam
[1] R Nadal (TBN) - G Simon (Pháp) 6-4, 6-4, 6-2
[25] S Wawrinka (Thụy Sĩ) - [4] A Murray (Scotland) 6-7(3), 7-6(4) 6-3, 6-3
[10] D Ferrer (TBN) - D Gimeno-Traver (TBN) 7-6(2), 6-2, 6-2
[8] F Verdasco (TBN) - [31] D Nalbandian (Argentina) 6-2, 3-6, 6-3, 6-2
[12] M Youzhny (Nga) - [18] J Isner (Mỹ) 6-4, 6-7(7), 7-6(5), 6-4
[20] S Querrey (Mỹ) - [14] N Almagro (TBN) 6-3, 6-4, 6-4

* Đơn nữ
(16)Shahar Peer (Israel)- (3)Venus Williams (Mỹ) 6-7(3), 3-6
Ana Ivanovic (Serbia)-(2) Kim Clijsters (Bỉ) 2-6, 1-6
(6)Schiavone (Italia) - (20)Pavlyuchenkova (Nga) 6-3, 6-0
(5)Stosur (Australia)-(12)Dementieva (Nga) 6-3, 2-6, 7-6(2)

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link