19/12/2011 09:00 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH)- Cách đây hơn 2 năm, ở Champions League mùa giải 2009/2010, khi Real Madrid và AC Milan gặp nhau ở vòng bảng, do 2 đội bóng này cùng có hợp đồng tài trợ áo đấu với hãng cá cược Bwin của Áo, nên UEFA đã yêu cầu đội bóng nào khi đá sân khách thì phải sửa lại tên nhà tài trợ trên áo đấu để tránh tình trạng 2 CLB ra sân với cùng một dòng chữ giống nhau trên ngực áo. Vậy là khi Milan tới sân Bernabeu làm khách thì chữ “Bwin” chỉ còn là “win” và tương tự như thế là Real Madrid lúc đến sân San Siro ở lượt về.
Chỉ với chuyện tài trợ áo đấu mà UEFA còn làm chặt đến thế, dù rằng với cách làm việc chuyên nghiệp đến mức xứng đáng được coi là chuẩn mực của các đội bóng châu Âu, việc một nhà tài trợ áo đấu can thiệp vào vấn đề chuyên môn của CLB được nhận tài trợ là điều không tưởng. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi UEFA tuyệt đối không chấp nhận tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” ở bóng đá châu Âu dưới bất kỳ hình thức nào.
Bằng giờ này năm ngoái, UEFA đã tuyên bố sẽ ngăn cản bằng mọi giá để không cho con trai của tỷ phú Roman Abramovich hỏi mua bất cứ CLB nào ở châu Âu. Lý do là vì lúc ấy ông chủ CLB Chelsea sắp sửa hoàn tất việc mua 30% cổ phần của CLB FC Copenhagen thuộc giải VĐQG Đan Mạch, và người đứng tên số cổ phần đó là Arkady, cậu con trai 16 tuổi của Abramovich. UEFA sợ rằng nếu FC Copenhagen gặp Chelsea ở vòng loại trực tiếp Champions League thì không loại trừ khả năng Abramovich sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động vào kết quả trận đấu, nên UEFA đã chọn phương án “phòng hơn là chống”.
Tình trạng "một ông chủ 2 đội bóng" như trường hợp của bầu Hiển kéo dài suốt 2 mùa giải thực sự là một bất cập khó ai hiểu nổi
Không lâu sau đó, kết quả bốc thăm thực tế đã đưa Chelsea đối mặt với FC Copenhagen ở vòng 1/16, nhưng khi đó ông chủ của Chelsea đã chẳng có chút cổ phần nào ở đội bóng Đan Mạch vì sự ngăn cản quyết liệt của UEFA, nên không có dị nghị hay nghi vấn nào xuất hiện sau khi Chelsea vượt qua FC Copenhagen để giành vé vào vòng 1/8.
Sẽ là rất khập khiễng nếu so sánh UEFA với VFF, hay thậm chí là cả VPF, nhưng rõ ràng một khi ở một môi trường bóng đá được coi là đỉnh cao thế giới và có lịch sử hàng trăm năm phát triển như châu Âu mà người ta còn thận trọng trước vấn đề một ông chủ hoặc một nhà tài trợ có quan hệ với nhiều hơn một đội bóng, kể cả không cùng hạng đấu, thì việc các nhà tổ chức ở V-League đã để tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” kéo dài suốt từ mùa giải 2009 đến nay thực sự là một bất cập mà không ai hiểu nổi.
Hay là vì các CLB và ông bầu ở V-League có ý thức chuyên nghiệp và tư cách đạo đức cao hơn hẳn so với những đồng nghiệp ở châu Âu, nên VFF và BTC V-League trước đây không phải lo xa như UEFA?
Nhật Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất