Trao giải Hội Nhà văn Hà Nội 2013: Những tác phẩm và những cuộc đời

11/10/2013 08:58 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - 1.200 trang sách của Nguyễn Huệ Chi, tập bút ký đầy gắn bó về Tây Nguyên của Nguyên Ngọc, Phan An Sa viết về cuộc đời người cha Phan Khôi… Hội Nhà văn Hà Nội đã có một mùa giải đầy ý nghĩa.

Sáng 10/10, đúng ngày kỷ niệm 59 năm Giải phóng thủ đô, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trao giải thưởng văn chương hàng năm của hội năm 2013 tại Thư viện Hà Nội.

1. Điểm nổi bật là giải năm nay vắng bóng các tác giả trẻ. Những người đoạt giải đều cao tuổi, loanh quanh hoặc sắp đến 80, trẻ nhất là nhà thơ Giáng Vân đã ở tuổi trung niên.

Các tác phẩm là công trình tâm huyết cả đời, ghi dấu sự nghiệp của các tên tuổi: Phan Khôi (do người con Phan An Sa biên khảo), Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (trái) trao giải cho các chủ nhân giải thưởng năm nay (từ trái sang): nhà văn Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Giáng Vân, nhà văn Nguyên Ngọc và tác giả Phan An Sa. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn của Phan An Sa phác họa sự nghiệp làm báo và dựng lại cuộc đời của học giả lớn thế kỷ 20 - Phan Khôi.

Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: "Trao giải cho cuốn sách là cách chúng ta chia sẻ cùng Phan Khôi nỗi niềm ông bộc lộ 3 năm trước khi mất: Nắng chiều đẹp có đẹp/ Tiếc tài gần chạng vạng/ Mặc dù gần chạng vạng/ Nắng được thì cứ nắng". Thông điệp "Nắng được thì cứ nắng" cũng có thể gửi gắm cho những người chiến thắng cao tuổi năm nay.

2. Với bút ký Các bạn tôi ở trên ấy, nhà văn Nguyên Ngọc trở về với mảnh đất ông gắn bó máu thịt - Tây Nguyên. Phát biểu nhận giải, nhà văn thừa nhận một điều, tuổi càng cao ông viết càng buồn hơn.

Theo Hội Nhà văn Hà Nội, cuốn sách là kết quả của những chuyến "đi - thấy - nghe - nghĩ" của tác giả, thể hiện "một Tây Nguyên thực tại của hôm qua và hôm nay, che chở và chuyên chở những giá trị trường tồn của tộc người, của dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử".

Nhà văn Nguyễn Huệ Chi nhận giải thành tựu sự nghiệp nghiên cứu văn học cho tuyển tập Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật - công trình nghiên cứu cả đời. Khi nhận giải, nhà văn nói đùa mình là hội viên trẻ (mới kết nạp 1 năm) của Hội Nhà văn Hà Nội mà đã được giải thành tựu. Tuyển tập của ông mới ra mắt vào ngày 19/9 năm nay, Hội đã kịp chọn để trao giải.

Dịch giả Phạm Vĩnh Cư chuyển ngữ thơ của Marina Tsvetaeva (1892 - 1941), được coi là "nhà thơ số một của thế kỷ 20" của nước Nga. Sinh thời, Tsvetaeva cũng là một thi hào có số phận bi thảm ngay trên chính quê hương.

Còn Giáng Vân, vốn là nhà báo và nhà thơ, đã hơn 20 năm rồi không xuất bản thơ, nay trở lại với tập thơ thứ ba Đường gió, và được vinh danh.

"Những tác phẩm được giải chứa đựng những giá trị đã được tích lũy và khẳng định" - Ban tổ chức giải nhận định. Khác với năm ngoái, Hội từng trao cho bản dịch gây tranh cãi Lolita của dịch giả Dương Tường.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link