26/03/2013 07:39 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Giải thưởng càng có uy tín, Ban tổ chức càng chịu sức ép lớn của xã hội. Từ đó chúng tôi cũng khắt khe hơn trong công tác chấm giải. Tôi tin là chất lượng giải ngày càng tốt. Song có một sự thật khá buồn rằng những sách được giải (mà chúng ta cho là tinh hoa) số lượng phát hành chưa cuốn nào quá 2.000 bản”.
Đó là chia sẻ của giáo sư Chu Hảo, đại diện Ban tổ chức Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần VI tại tọa đàm về giải thưởng chiều qua (25/3) tại Nhà xuất bản Tri Thức (Hà Nội).
1. Như tên gọi giải thưởng, ban tổ chức vẫn kiên định tôn vinh những con người “canh tân văn hóa” theo chủ trương của cụ Phan Châu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Bởi thế, theo chia sẻ của BTC, tiêu chí chấm giải không hoàn toàn nằm ở số đông. “Hay nói cách khác, về ảnh hưởng xã hội, giải thưởng nhắm tới phân đoạn đầu, tức là giới tinh hoa đặc tuyển của xã hội. Những con người mang tính hạt nhân này với những hoạt động, sản phẩm của họ sẽ khai mở dân trí, văn hóa. Nên doanh thu không phải là sức ép tới những người chấm giải. Chúng tôi chỉ buồn vì người muốn đọc sách kinh điển thì không có tiền, người có tiền lại không muốn đọc sách kinh điển!”- GS Chu Hảo nói.
GS Chu Hảo, đại diện BTC, chia sẻ tại tọa đàm |
Nhân bàn tới chuyện doanh thu ế ẩm từ những tác phẩm được đánh giá cao, GS Chu Hảo cũng chia sẻ thêm rằng có một số tác phẩm (đã hoặc chưa đạt giải) chưa in đã biết trước… khó bán. Song bằng việc xoay xở kinh phí, tìm nguồn tài trợ, nhà xuất bản Tri Thức vẫn quyết in những tác phẩm “mà chúng tôi thấy đấy là tinh hoa, có ích cho văn hóa dân tộc”- GS Chu Hảo chia sẻ.
2. Là giải thưởng văn hóa uy tín hàng đầu đất nước song tài chính luôn là vấn đề của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (dù đã có hẳn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh). Theo chia sẻ từ những người trong cuộc, mỗi độ tổ chức giải thưởng, BTC lại loay hoay đủ bề để tìm Mạnh Thường Quân cho giải.
Tuy nhiên, không vì thế, BTC giải có phần nao núng. Để chuẩn bị cho một giải thưởng “canh tân văn hóa” dân tộc lâu dài, BTC đã tăng thêm 3 thành viên trẻ. Giải thích cho quyết định này, GS Chu Hảo thành thực: “Vì 7 người chúng tôi đều già cả rồi, chúng tôi cần đội ngũ kế cận cho giải. Bên cạnh đó, trong 3 người mới bổ sung có 2 người là những nhà kinh tế học rất giỏi hiện thời. Không phải chúng tôi muốn thêm hạng mục kinh tế vào giải thưởng, mà bởi chúng tôi muốn những con người này phát triển và vận hành Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh chuyên nghiệp hơn”.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao cho những người có những công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc, hoặc phổ biến giá trị văn hóa tinh hoa của Việt Nam và quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Năm nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao 4 giải thưởng: 1. Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục trao cho bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen) và ông Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường); 2. Giải Dịch thuật trao cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường); 3. Giải Nghiên cứu trao cho nhà sử học Lê Thành Khôi; 4. Giải Việt Nam học cho nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet. Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay được tổ chức vào lúc 19h ngày 29/3 tại Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất