Nghệ sĩ Trần Lương: Nâng tầm biếm họa như một môn nghệ thuật hàn lâm

30/03/2010 13:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không chỉ tham gia với tư cách thành viên Ban Giám khảo và Ban Cố vấn của Giải biếm họa báo chí VN lần thứ II - Cúp Rồng Tre với chủ đề “Giao thông thời... hội nhập”, nghệ sĩ Trần Lương còn làm bất cứ việc gì có thể như: vẽ biểu tượng, tham gia thiết kế vựng tập, Cúp Rồng tre… Nghệ sĩ Trần Lương chia sẻ với TT&VH cái nhìn của mình về giải năm nay nói chung và tác phẩm dự thi nói riêng.

* Thưa anh, là người theo dõi sâu sát Giải Biếm họa báo chí VN cả lần một và lần hai, anh có nhận xét chung về giải này như thế nào?

- Về mặt đề tài, giải lần này tập trung vào chủ đề Giao thông thời hội nhập, trong phạm vi hẹp về một vấn đề xã hội đòi hỏi nghệ sĩ cần có sự liên tưởng và tầm nhìn trong tư duy.

Tuy là giao thông nhưng đề tài này lại là tấm gương phản ánh tổng hợp các vấn đề xã hội của thời hội nhập: Phân hóa giàu nghèo, vấn đề giáo dục ý thức xã hội của mỗi công dân, vấn đề quy hoạch và hoạch định chính sách... Tuy không có những giá trị nghệ thuật đột biến, những phong cách mới, nhưng trong hoàn cảnh xã hội và những điều kiện khách quan hiện nay thì hình thức nghệ thuật của giải biếm họa lần này là tích cực và khá đa dạng. Số lượng và tác phẩm ở giải lần này đã thể hiện tình yêu nghề, trách nhiệm xã hội vẫn còn nguyên trong trái tim các tác giả tranh biếm họa Việt Nam, họ cho thấy dù còn nhiều khó khăn và không thể sống được bằng nghề, nhưng biếm họa vẫn là niềm tự hào, là tình yêu của các họa sĩ!

Về mặt xã hội, giải đã quy tập được tác phẩm của các nghệ sĩ từ các vùng và thành phố khác nhau. Các lứa tuổi khác nhau (có cả tranh của các cháu thiếu nhi) và các thành phần tham gia đa dạng từ họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp, nghiệp dư, cho đến học sinh, sinh viên lần đầu thử thách với loại hình nghệ thuật rất mang tính xã hội, nhưng có một điều “lạ” là rất hiếm tác giả biếm họa nữ!

* Lần đầu tiên làm giám khảo cho một cuộc thi biếm họa mang tính chất truyền thống và đậm tính báo chí như thế này anh có cảm nghĩ gì?

- Tôi cảm thấy khá thoải mái trong quan hệ với các cộng sự, ban tổ chức và các thành viên hội đồng giám khảo.

Thực ra đã lâu tôi không chỉ hoạt động như một nghệ sĩ sáng tác thuần túy, mà đã làm tổ chức sự kiện nghệ thuật, các dự án phát triển cộng đồng và các công việc tổ chức nghệ thuật có tính phát triển xã hội. Có người đã lớn tiếng chỉ trích đại khái “mấy ông biết gì về biếm họa mà dính vào vụ này”. Tôi không e ngại trong mong muốn làm thay đổi cách suy nghĩ hẹp hòi và bảo thủ trước kia là ai làm nghề nào chỉ biết và vun vén cho nghề đó!


Tranh của Hoàng Định
* Vậy ấn tượng của anh đối với các tác phẩm biếm họa dự thi năm nay?

- Như đã nhận xét ở trên là không có những phong cách đột biến, mới lạ. Việc sáng tác bằng các hiệu ứng kỹ thuật số là không còn mới mẻ, nhưng cách vẽ bằng vi tính mang tính khái niệm là điều tôi thấy thích thú, cụ thể như tác phẩm Loading của tác giả Phạm Thành Chung. Hay một tác giả khác mà tôi rất chú ý và coi là quan trọng của giải lần này là Hoàng Định, anh đã cho thấy biên độ đa dạng về hình thức mà biếm họa vốn có. Tranh biếm ở các nước phát triển hay tranh châm biếm từ mỹ thuật dân gian không chỉ vẽ bằng cách “biếm và cường điệu” và còn có cả “một chân trời” những cách vẽ và phương tiện hội họa mang tính hàn lâm (miễn là vấn đề và nội dung tranh đặt ra có tính phản biện, châm biếm với ngôn ngữ mang tính báo chí). Các nghệ sĩ biếm họa chuyên nghiệp hàng đầu thế giới luôn cho thấy phía sau tác phẩm của họ là cả một quá trình đào tạo, nghiên cứu chính quy, họ có thể tiếp cận đề tài hay chuyển đổi hình thức nghệ thuật một cách đĩnh đạc có phương pháp và kỹ thuật vững vàng.

Thật đáng tiếc về khâu đào tạo ở ta, nhưng nếu giải quyết được điều này sẽ nâng tầm tranh biếm họa lên như một môn nghệ thuật hàn lâm, chứ không bị nằm ở vị trí không tương xứng như ở Việt Nam hiện nay.

Các tác phẩm có phong cách thể hiện mang hơi thở thời đại của các tác giả Hà Xuân Nồng, Nguyễn Ngọc Quân... đã thực sự là đóng góp đa dạng cho tranh biếm họa Việt Nam hôm nay.

Tranh Loading của Phạm Thành Chung
* Theo anh, biếm họa có phải là hội họa không? Cũng như yếu tố thị giác mà biếm họa đạt được?

- Biếm họa hoàn toàn là hội họa. Yếu tố thị giác của biếm họa rất quan trọng! Biếm họa ta vẫn còn viết nhiều chữ minh họa cho tranh quá! Chữ càng ít đi thì “phẩm cấp” tranh càng cao lên. Cần tăng thêm chất lượng của yếu tố thị giác thì ta mới có nền biếm họa hàn lâm và mạnh khỏe!

* Để giải Biếm họa lần thứ ba được tốt hơn nữa, theo anh cần có những thay đổi gì?

- Cần sự ủng hộ hơn nữa tinh thần và vật chất của các cơ quan văn hóa và xã hội Việt Nam. Giải nên được sự đồng tổ chức và bảo trợ của các cơ quan mỹ thuật đầu ngành. Hy vọng ở những giải tiếp theo sẽ chuyển triển lãm các tác phẩm biếm họa đến nhiều thành phố, nhiều vùng khác nhau. Và vựng tập được in nhiều hơn, phát hành toàn quốc, sẽ góp tiếng nói tích cực trong phát triển xã hội. Các nghệ sĩ biếm họa nên tự tổ chức hiệp hội để thuận tiện trong việc giao lưu với nghệ thuật biếm họa thế giới, tổ chức sự kiện và nâng cao chất lượng nghề, cũng như để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên.

* Xin cảm ơn anh

1 /4, trao giải và triển lãm Giải Biếm họa

Sau hơn 5 tháng phát động, chiều 1/4/2010, Giải “Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ II - Cúp Rồng tre” với chủ đề “Giao thông thời... hội nhập” do báo TT&VH tổ thức sẽ tiến hành tổng kết, trao giải và triển lãm tại Nhà triển lãm 29 - Hàng Bài, Hà Nội. Tiếp sau đó, lần đầu tiên, Giải Biếm họa sẽ được đưa vào triển lãm tại TP.HCM, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/ 2010. Triển lãm sẽ kết hợp trao giải cho một số tác giả đoạt giải ở phía Nam.

BTC

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link