Giải trí trực tuyến: Dịch chuyển 3 tháng bằng 5 năm

16/02/2021 07:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - LHP Cannes, Met Gala, Eurovision Song Contest… là một vài trong rất nhiều sự kiện văn hóa giải trí phải hủy bỏ trong năm vì Covid-19, bên cạnh vô vàn dự án phim, âm nhạc, tour diễn đã lên lịch nay rơi vào trạng thái đóng băng, chưa rõ ngày khởi động lại.

Ra mắt bộ sách 'vén màn' công nghiệp giải trí thế giới

Ra mắt bộ sách 'vén màn' công nghiệp giải trí thế giới

Đây là combo sách về những chiến lược kinh doanh của 2 đế chế giải trí có ảnh hưởng lớn trên thế giới: giải bóng đá Ngoại hạng Anh và Disney's Land.

Đó là bức tranh ảm đạm của ngành giải trí nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung trong năm 2020. Nhưng trong cái khó vẫn ló cái khôn…

3 sinh kế sụp đổ cùng lúc

Trước khi đại dịch bùng phát, Lauren O’Brien có trong tay ba công việc: Cô là một diễn viên trước máy quay; một nghệ sĩ hài biểu diễn tại nhà hát Westside Comedy ở Santa Monica, California (Mỹ); và cùng với người chồng nhạc sĩ của mình, Matt Commerce, làm chủ một doanh nghiệp tổ chức sự kiện nhỏ. 

Cả 3 sinh kế ấy “bỗng sụp đổ cùng lúc” - O’Brien chia sẻ với tiếng thở dài khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại, nhớ lại thời điểm nhận lệnh giãn cách trên toàn tiểu bang. 

Mô hình làm việc tại nhà có thể không ảnh hưởng đến hiệu suất ở một số ngành nghề nhưng hoàn toàn không phải là ý hay với ngành giải trí, khi mà các diễn viên không thể tập hợp để quay phim, rạp hát phải đóng cửa còn các sự kiện bị hủy hàng loạt.

Nhà O’Brien nhanh chóng “thấm đòn” và phải tìm cách đối mặt với thực tế mới. Họ cắt giảm chi tiêu, xin gia hạn thanh toán thẻ tín dụng và lên kế hoạch nói chuyện với chủ nhà. 

Chú thích ảnh
Lady Gaga và dàn ngôi sao thế giới cùng hòa nhạc online

“Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận khó khăn, rơi nước mắt và cảm giác chống chếnh. Phải làm gì đây?” - nữ diễn viên bày tỏ và kể thêm vợ chồng cô là cha mẹ của một cậu con trai 3 tuổi - “Giờ chúng tôi đang bay với một bên cánh và chỉ còn biết cầu nguyện”.

Ngành giải trí điêu đứng

Các ngôi sao hạng A như Brad Pitt và Jennifer Lawrence sở hữu khối tài sản đủ để sống khỏe dù tình trạng đóng băng còn kéo dài nhiều năm. Nhưng họ chỉ đại diện cho vài phần trăm số người làm việc trong ngành giải trí. Đa số còn lại là những cá nhân như vợ chồng O’Brien, thậm chí vất vả hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Buổi diễn trực tuyến của BTS thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trực tiếp

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đánh giá biện pháp mà các chính phủ thực hiện để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Đối với các chuyên gia văn hóa và đối với toàn ngành giải trí, tác động thực tế có vẻ nghiêm trọng hơn so với ước tính trước đây. Dữ liệu do Tổ chức thu thập cho thấy hơn 10 triệu việc làm đã mất vào năm 2020; 1/3 số phòng trưng bày nghệ thuật phải cắt giảm phân nửa nhân viên. Bên cạnh đó, quá trình tạm đóng cửa trong năm qua có thể khiến ngành công nghiệp âm nhạc thiệt hại hơn 10 tỷ USD tiền tài trợ trong khi thị trường xuất bản toàn cầu dự kiến thu hẹp 7,5% .

Những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực giải trí và kinh doanh truyền thông cũng phải gánh chịu những tổn thất lớn. Walt Disney từ thế thống trị trước đại dịch đang cảm thấy đau đớn vì thiệt hại 7,4 tỷ USD. Gần đây, họ cũng tuyên bố kế hoạch sa thải 32.000 nhân viên, những người chủ yếu làm việc là tại các công viên trò chơi.

Giới chủ rạp không nằm ngoài “cơn lốc” khắc nghiệt. Riêng tại Mỹ, việc đóng cửa đột ngột gần như tất cả 5.477 rạp chiếu phim trên toàn quốc có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tác động kinh hoàng của thảm họa Covid-19, điều mà những người kỳ cựu trong ngành lo ngại sẽ gây ra thiệt hại “không thể vãn hồi”.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng 70% rạp chiếu quy mô vừa và nhỏ có thể phá sản nếu không nhận được sự trợ giúp của liên bang. Khi rạp tắt đèn trong thời gian dài, các hãng phim phải dời lịch chiếu loạt phim bom tấn sang năm 2021 hoặc chuyển thẳng sang các dịch vụ phát trực tuyến. Không có phim chiếu ngay cả khi được nới lỏng giãn cách, doanh thu cũng như quy mô hoạt động của phòng vé giảm gần 80% so với năm ngoái, theo Variety ghi nhận tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Rạp chiếu trong tình trạng đóng cửa im lìm nhiều tháng tại Mỹ

Bài toán thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

Trải nghiệm về cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra là điều chưa có tiền lệ so sánh trong lịch sử. Các doanh nghiệp đều không chắc chắn về thời gian hoặc tác động cuối cùng của việc ngừng hoạt động, phản ứng của chính phủ thông qua chính sách ứng phó với đại dịch thay đổi hàng ngày. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng cũng đang thay đổi. 

Nhưng xám xịt không phải là toàn cảnh của bức tranh. Hãy nhìn tốc độ thay đổi của các ngành khi phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Dù đau đớn nhưng quá trình dịch chuyển đang diễn ra mạnh mẽ. Trong ngành công nghiệp giải trí, hàng loạt nhạc sĩ, diễn viên, vũ công, người có sức ảnh hưởng và ngôi sao nổi tiếng, những người không thể biểu diễn trước công chúng vì đại dịch, đang tạo ra âm nhạc và sản phẩm giải trí mới từ ngôi nhà của chính họ rồi chia sẻ với công chúng.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, các buổi hòa nhạc, sự kiện và lễ trao giải dần chuyển sang hình thức trực tuyến. Dù đây là xu hướng chung của thế giới ngay cả khi Covid-19 không bùng phát, một nghiên cứu cho thấy đại dịch xảy đến đã đẩy nhanh sự dịch chuyển này trong vòng 3 tháng, thay vì 5 năm. 

Nhà ảo thuật kiêm thôi miên Nakul Shenoy của Bangalore đã cho ra mắt chương trình trực tuyến Sand Shadow Sorcery, kết hợp với nghệ sĩ vẽ tranh cát Raghavendra Hegde và nghệ sĩ chơi bóng Prahlad Acharya. Vé được bán trên trang Book My Show. 

Chú thích ảnh

Vào đầu tháng 7/2020, 756.000 fan trên khắp thế giới đã trả phí để tham gia show diễn trực tuyến của BTS, mang tên Bang Bang Con: The Live. Số lượng khán giả theo dõi đủ sức lấp đầy ghế ở 13 sân vận động tầm cỡ như Dodger, sân vận động bóng chày lớn nhất ở Mỹ. 

Doanh thu từ Bang Bang Con: The Live ước tính khoảng 20 triệu USD. Tạp chí Forbes nhận định: “Con số có thể không thấm vào đâu so với những gì ban nhạc lớn đình đám thế giới có thể thu được từ một chuyến lưu diễn toàn cầu hoàn chỉnh. Nhưng trong giai đoạn cách ly này, nó mang ý nghĩa lớn khi chứng minh việc sử dụng công nghệ để tiếp cận người hâm mộ hoàn toàn có tiềm năng kinh tế”.

Những người trong ngành đang truyền tai nhau một tôn chỉ tuyệt vời: “Các show diễn phải tiếp tục”. Dù tương lai là điều khó nói trước, đặc biệt là giữa lúc tình hình dịch bệnh còn nhiều biến số, nhưng khi đồng lòng và cùng nhau phát huy sức sáng tạo, chắc chắc ngày sân khấu sáng đèn trở lại khắp thế giới sẽ không còn quá xa! 

3 giải pháp vực dậy nền văn hóa, giải trí

Ngoài những cách tự cứu, chính phủ các nước cũng có các hướng hỗ trợ những người chịu tác động xấu vì Covid-19, trong đó có các nghệ sĩ và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giải trí. Cụ thể, UNESCO đã nêu ba biện pháp chính mà các chính phủ trên thế giới thực hiện, gồm: Hỗ trợ trực tiếp cho các nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa, hỗ trợ gián tiếp cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, và tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. 

Ví dụ, Uruguay và Zimbabwe đã thành lập quỹ hỗ trợ các nghệ sĩ, Philippines đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính cá nhân cho hàng trăm nhân viên trong ngành văn hóa bị ảnh hưởng bởi các hạn chế trong giai đoạn giãn cách và kiểm dịch, trong khi Đức và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ủy thác và mua loạt tác phẩm nghệ thuật như một hình thức cứu trợ và tạo thu nhập cho nghệ sĩ.

Duy An (tổng hợp)
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link