24/02/2019 11:14 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - “Người khôn ngoan nói, chỉ kẻ ngốc mới yêu cuồng si...”. Chậm rãi và ướt át, gần 60 năm từ ngày ra đời, Can't Help Falling In Love qua giọng hát huyền thoại của Elvis Presley vẫn luôn khiến người nghe say đắm như những kẻ ngốc và không ngừng dẫn đầu danh sách tình khúc bất hủ hàng đầu.
Suốt hơn nửa thế kỷ, Can't Help Falling In Love đã kết duyên cho bao đôi lứa, và đã làm nền cho không biết bao nhiêu cuộc tình tự. Ca khúc còn được mệnh danh là "thánh ca tỏ tình" bởi lời lẽ đậm chất ngôn tình trực diện đủ sức "thay lời muốn nói" và giai điệu như chỉ chực làm người ta tan chảy.
Vậy mà, cũng chính bản tình ca tưởng như trọn một màu hồng ấy,lại bất đắc dĩ trở thành nhân chứng cho thời khắc huy hoàng cuối cùng của người đã làm nên "cơn địa chấn" cho văn hóa đại chúng Mỹ.
Từ giai điệu có thâm niên hàng thế kỷ
Can't Help Falling In Love được phát hành vào năm 1961, dưới dạng soundtrack cho phim Blue Hawaii mà trong đó Elvis Presley đảm nhận vai chính. Bản thu của Elvis cũng chính là phiên bản đầu tiên.
Ba nhạc sĩ George Weiss, Hugo Peretti và Luigi Creatore được giao sáng tác toàn bộ soundtrack của phim Blue Hawaii. Và nếu coi đó là khá nhiều với một sáng tác thì với Can't Help Falling In Love, con số không chỉ dừng lại ở đó.
Thực tế giai điệu gốc của Can't Help Falling In Love đã xuất hiện từ mãi cuối thế kỷ 18 ở tận phía bên kia Đại Tây Dương. Bản nhạc gốc mang tên Plaisir d'Amour (Niềm vui tình), viết bởi nhà soạn nhạc gốc Đứcvới cái tên kiểu Italy Jean-Paul-Égide Martini.
Không rõ ngài Jean-Paul-Égide Martini quá cố sẽ phản ứng thế nào khi biết sáng tác của mình được "phái sinh" hoành trángđến vậy. Người đương thời chỉ biết rằng, nhờ sự nổi tiếng của Can't Help Falling In Love mà Plaisir d'Amour một lần nữa "sống dậy", khiến Jean-Paul-Égide Martini đến nay vẫn được gọi là Giovanni Martini, cố ý gợi liên tưởng đến nhà soạn nhạc người Italia nổi tiếng Giovanni Battista Martini.
Quá trình thu âm soundtrack cho Blue Hawaii được thực hiện từ ngày 21 đến 23/3/1961. Trong đó, Elvis thu Can't Help Falling In Love vào ngày cuối cùng và mất nhiều thời gian nhất. Bản nhạc gốc quá chậm khiến "ông hoàng" cảm giác như muốn "đứt hơi" buộc ê-kíp phải chỉnh sửa tăng nhịp độ nhiều lần.
Ca khúc bị phản đối trước khi thành hit
Thậm chí Can't Help Falling In Love còn từng phải đối mặt tới 2 vòng phản đối. Nhạc sĩ George Weiss cho biết nhà sản xuất phim Blue Hawaii không thích ca khúc ra mặt, nhưng Elvis không quan tâm và nhất quyết thu nó cho phim. Trong suy nghĩ của "ông hoàng nhạc rock'n'roll", một thứ gì đó rất kinh điển vừa mới được hoàn thành.
"Tham vọng và sự tập trung anh ấy đưa vào Can't Help Falling In Love trong ngày cuối cùng cho thấy anh nghiêm túc thế nào với bản ballad tuyệt đẹp này", chuyên gia thu âm Ernst Jorgensen kể lại. Quả thật, cứ nghe cách Elvis mân mê từng câu chữ bằng chất giọng tenor tầm trung mượt mà là đủ hiểu.
Thực hiện xong, Can't Help Falling In Love còn suýt chút nữa không được phát hành dưới dạng đĩa đơn. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích bởi một số BXH giá trị như Billboard Hot 100 chỉ xếp hạng đĩa đơn.
Số là trong tuần quảng bá phim, hãng đĩa RCA đề nghị phát hành đĩa đơn Can't Help Falling In Love. Nhưng quản lý của Elvis - Tom Parker - không đồng ý bởi cái lý rằng ca khúc đã ra thị trường rồi thì không phát hành lại nữa. Hơn hết, Good Luck Charm của Elvis Prelsey cũng đang được hoàn thành và chuẩn bị tung ra.
Cuối cùng, RCA phải đồng ý bảo đảm tiền bản quyền cho một triệu đơn vị thì Tom Parker mới chấp thuận. Và lòng tin của họ đã được chứng minh khi đĩa đơn Can't Help Falling In Love bán được một triệu bản chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ, đồng thời đứng Top nhiều BXH khắp thế giới trong đó có Billboard Hot 100.
Lời vĩnh biệt của "ông hoàng"
Khỏi phải nói Elvis Presley "yêu thương" Can't Help Falling In Love đến thế nào. Trong mọi show diễn kể từ năm 1961, Elvis đều kết thúc bằng Can't Help Falling In Love, đi kèm với một nghi thức đặc biệt.
"Bắt đầu, ông ấy nói với khán giả "Các bạn là những khán giả tuyệt vời", rồi bắt đầu vào bài Can't Help Falling In Love. Đến lưng chừng bài, ông làm động tác quay lưng về phía dưới khán đài, quỳ xuống rồi đưa 2 tay lên, giương cao chiếc áo choàng đặc trưng trong tư thế thể hiện niềm tôn kính khiêm nhường, cộng hưởng với lòng tự tôn mạnh mẽ rằng thế giới này, mọi ngôn ngữ đều chấp nhận Elvis" - tác giả cuốn tiểu sử của Elvis Presley - Peter Guralnick viết.
Và cũng chính với "nghi thức" ấy, Elvis Presley đã khép lại ánh hào quang sáng chói của mình trong concert tại Nhà thi đấu Market Square ở Indianapolis mà mãi về sau, người ta mới giật mình nhận ra: Đó chính là lần cuối cùng "ông hoàng nhạc rock'n'roll đứng trên sân khấu.
Đó là ngày 26/6/1977,gần 2 tháng sau thời điểm ấy, "ông hoàng" qua đời đột ngột tại nhà riêng sau một cơn trụy tim. Elvis Presley qua đời ngay lúc chuẩn bị lên máy bay đến Memphis để bắt đầu tour diễn mới.
Và như thế, Can't Help Falling In Love trong lòng người yêu mến Elvis Presley lại mang một vai trò riêng: Lời vĩnh biệt của "ông hoàng".
Elvis Presley - Người thay đổi văn hóa đại chúng Mỹ Elvis Presley (1935 - 1977) là một trong những biểu tượng văn hóa điển hình củathế kỷ 20. Bắt đầu đi hát từ năm 13 tuổi, ông được xem là người đưa rock’n’roll lên tầm cao mới, làm rung chuyển thế giới bằng các ca khúc bất hủ như Blue ShuedeShoé, Suspicious Minds,… Elvis Presley được gọi với cái tên “Vua nhạcrock’n’roll” hay đơn giản là “Ông vua” (The King). Elvis Presley qua đời vào chiều 16/8/1977 sau cơn đau tim đột ngột. Thời điểm quađời, sức khỏe của ông suy giảm trầm trọng với chứng huyết áp cao, tổn thươnggan, ung thư bạch huyết và phình ruột kết. Di sản Elvis Presley để lại qua 40 năm vẫn gây ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng,ở cả khía cạnh âm nhạc, điện ảnh cùng gu thời trang đặc trưng của ông. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất