17/05/2014 14:31 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Sinh năm 1975, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có “số vốn” đáng kể với dòng phim chiến tranh: Đường thư, Hà Nội Hà Nội, Những người viết huyền thoại, và mới nhất là bộ phim truyền hình đang phát sóng Đường lên Điện Biên. Coi làm phim chiến tranh là sự nghiệp, anh muốn cùng ê-kíp phát triển công nghệ làm phim chiến tranh.
Ở Hà Nội có rất nhiều gia đình làm nghề điện ảnh, cha truyền con nối. Là một người sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không có lợi thế của “con nhà nòi điện ảnh”. Nhưng kiến thức về chiến tranh, quân sự thu thập từ gia đình lại là một thế mạnh khác giúp Bùi Tuấn Dũng theo đuổi giấc mơ điện ảnh, được làm phim về chiến tranh Việt Nam.
* Ở Hà Nội, điện ảnh như là nghề cha truyền con nối, có rất nhiều gia đình dòng họ theo đuổi nghề này. Một người không sinh trưởng trong một gia đình làm nghề điện ảnh như anh có thuận lợi và khó khăn gì?
- Làm phim có hai nhóm đối tượng. Nhóm kỹ thuật và nhóm nghệ thuật. Suy cho cùng, kỹ thuật có thể học được nhờ cội rễ gia đình hay sự kiên trì học hỏi, nhưng khả năng nghệ thuật thì do trời ban tặng. Có học cũng chẳng được đâu.
Không có sự hỗ trợ nâng đỡ khi mới bước chân vào nghề. Sẽ phải cố gắng nhiều hơn, tự đứng trên đôi chân của mình… Khó khăn của tôi cũng chính là thuận lợi của tôi.
* Ngược lại, gia đình anh có truyền thống binh nghiệp, điều ấy có giúp ích nhiều cho công việc điện ảnh hiện tại của anh? Và những “đặc tính quân đội” trong gia đình có phần ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của anh không?
- Người nghiêm khắc nhất trong gia đình là mẹ tôi. Ai cũng có thể tạo ra một đứa con, nhưng tạo ra một người đàn ông lại là chuyện khác. Để hoàn thiện bản thân, tôi vẫn còn phải học nhiều hơn nữa. Mẹ chỉ muốn tôi thành một người đàn ông Việt Nam trưởng thành… Thực ra, trong gia đình, cho đến bây giờ tôi vẫn là một kiểu “cậu ấm”. Tôi được nuôi dạy theo một chế độ khá đặc biệt bởi nhiều sự kỳ vọng của gia đình. Từ nhỏ tôi được học nhạc, học vẽ, chơi thể thao và đọc sách. Từ thời bao cấp, sách trong gia đình tôi nhiều như một thư viện nhỏ. Sách dạy tôi nhiều hơn, còn mẹ dạy tôi đọc sách.
* Anh bắt đầu nghiên cứu tài liệu về chiến tranh từ khi nào? Lịch sử, đặc biệt là chiến tranh cách mạng ở Việt Nam hấp dẫn anh ở điều gì?
Nhận thức giúp ta sàng lọc như đãi cát tìm vàng. Lịch sử có cái biết để biết, có cái biết để hiểu, có cái biết để nhận thức và vạch ra con đường đi cho cuộc đời mình. Chính trị phức tạp và đa màu sắc. Lịch sử thì hồn nhiên và đơn giản hơn nhiều. Sau cùng thì mọi nhận thức cũng chỉ là nhận thức. Là người Việt, nếu không hiểu bản chất lịch sử của Tổ quốc, nhất là lịch sử của các cuộc chiến tranh, cũng là điều thiệt thòi.
* Yêu nước là một tình cảm rất tuyệt vời. Nhưng càng ngày người ta càng ít nhắc đến tình cảm đấy. Bây giờ người trẻ nào mà nói chuyện quá khứ, chia sẻ tình yêu nước nồng nhiệt sẽ dễ bị lạc lõng. Một người yêu thích lịch sử, tự nghiên cứu về chiến tranh như anh, hồi thanh niên, có bị lạc lõng giữa bạn bè?
- Tình yêu Tổ quốc thì không hay nhận ra đâu. Phải có cơ hội mới bộc lộ. Khi ta thấy một người Việt bị hành hạ, một vùng trời, vùng nước bị xâm lăng, văn hóa bị mất dần đi… tình yêu Tổ quốc lúc đó mới hình thành trong ta rõ nét. Bạn bè tôi, có người không phải con nhà lính, không đọc sách nhiều và cũng không tìm hiểu sâu về lịch sử, nhưng tôi biết trong số họ nhiều người yêu nước hơn tôi.
* Anh có hai con trai, anh giáo dục cháu thế nào về truyền thống yêu nước?
- Đầu tiên phải là những cậu bé tốt, bước đầu để trở thành những người đàn ông tốt. Những người đàn ông Việt tốt sẽ tự tìm thấy niềm tự hào ở Tổ quốc của mình. Phần tình yêu sẽ là nơi trái tim thuộc về, điều đó tự khắc có mà không cần phải dạy.
* Trong cuộc sống anh đặt niềm tin vào những gì? Lý tưởng của anh? Đã có giai đoạn nào trong đời lý tưởng và niềm tin của anh bị lung lay?
- Tôi nghĩ là ở tuổi hai mươi, khi nhận thức về con người về xã hội của tôi còn nhiều ngây thơ. Lý tưởng của tôi đơn giản lắm, cố gắng mỗi ngày để làm việc nhiều hơn, hoàn thiện nhân cách để mình, ít nhất là tốt hơn trong chính mắt mình thôi đã. Xưa tôi quậy lắm, là vì tôi còn nhiều niềm tin. Giờ thì tôi chỉ tin vào mình, giờ thì tôi là người biết kiềm chế.
* Dân tộc ta có rất nhiều niềm tự hào, nhưng bằng cách nào đó giới trẻ bây giờ lại không nghĩ như vậy. Họ hướng ngoại nhiều hơn, và học rất nhanh văn hóa nước ngoài với mong muốn được như người nước ngoài. Qua những câu chuyện về người Việt xấu xí, và những bình luận của các bạn trẻ cho thấy rõ họ thực lòng tin vào những điều xấu đó, và mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Theo anh, vì sao giới trẻ lại như vậy?
- Tôi nghĩ họ không đại diện cho giới trẻ Việt hiện tại. Xã hội là vậy, luôn có những đám lửng lơ mây mù. Và chúng ta thường không để ý đến trời cao, không để ý tới đất dày, chỉ thấy mây mù. Quên chúng đi! Đâu đáng để lưu tâm.
* Điều gì thôi thúc anh làm phim về chiến tranh?
- Tôi làm nhiều mà chẳng nói được mấy. Tôi hy vọng cuộc đời làm phim của tôi sẽ nói được điều gì đó đáng nói. Bộ phim của tôi chả quan trọng gì, đằng sau câu chuyện phim mà tôi muốn kể là gì, đó mới là điều quan trọng nhất.
* Anh tự nhận khi làm đạo diễn phim chiến tranh, anh chẳng khác nào một người lính chiến. Vì sao vậy?
- Vì nếu bạn muốn tạo ra một câu chuyện phim chiến tranh, bạn phải tạo ra một môi trường chiến tranh và thả nhân vật của mình vào đó. Tôi đã cố gắng để trở thành một người lính, nhưng điều đó cũng chẳng dễ dàng gì.
* Điều gì khiến anh và Phan Trọng Bích, Lý Thái Dũng, Vũ Quốc Tuấn, Vũ Anh Tú có thể hợp tác với nhau lâu như vậy? Một ê-kíp làm được với nhau lâu dài cần những điều kiện gì?
- Hiểu nhau và biết khả năng của nhau. Họ cũng là những đàn anh tốt. Họ lớn hơn tôi, người đầy sẹo. Những vết sẹo của họ sẽ không cùng vị trí với tôi. Tuy nhiên, tôi cũng sẹo đầy người. Làm nghề này không ngã vỡ mặt ra vài lần thì cũng chán. Phim cũng vậy, nhạt!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất