07/09/2018 19:00 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Bom tấn truyền hình Diên Hy Công Lược (The Story of Yanxi Palace) chỉ là minh chứng gần đây nhất đặt vấn đề về cách "đối xử" với nghệ thuật của Hoàng đế Càn Long. Ông không thể cưỡng lại được việc viết vào bên lề của các bức tranh. Càn Long được miêu tả là một người cai trị văn hay chữ tốt, am hiểu nghệ thuật, ngoại trừ sở thích để lại các dấu ấn trên ất cả các kiệt tác trong bộ sưu tập của ông.
Hãy nhìn vào bức tranh có niên đại từ thế kỷ 13 Mưa thu trên núi Kiều và núi Hoa (Autumn colours on the Qiao and Hua mountains) của học giả, họa sĩ nhà thư pháp nổi tiếng đời Nguyên Triệu Mạnh Phủ (1254-1322), bạn sẽ thấy có rất nhiều con dấu. Tất cả những con dấu đó đều do Càn Long đóng lên tranh.
Bức tranh được đề cập đến trong phim Diên Hy Công Lược này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung ở Đài Loan (Trung Quốc). Cho đến nay, bức tranh vẫn lưu các con dấu của Vua Càn Long và những dòng chữ mà Hoàng đế viết vào chỗ trống của bức tranh.
Càn Long là vị vua trị vì Trung Quốc lâu nhất, kéo dài hơn 6 thập kỷ trong thế kỷ 18. Triều đại của Càn Long là thời kỳ cực thịnh về kinh tế, nghệ thuật cũng như quân sự của nhà Thanh. Công lao của Vua Càn Long đã được khai thác nhiều trong các tiểu thuyết lịch sử và phim truyền hình cổ trang.
Bộ sưu tập nghệ thuật của Càn Long được Bảo tàng Cố cung đánh giá là "đỉnh cao của 5.000 năm nền văn minh Trung Hoa".
Song Các nhà biên kịch phim Diên Hy Công Lược không phải là những người đầu tiên nêu vấn đề về hành vi "khác người" của Vua Càn Long.
Hồi năm 2016, trang blog nghệ thuật Trung Quốc "Flying Bird" đã đăng tải bài viết có tựa đề: "Ung Chính: "Ta không có một đứa con trai ngu ngốc như con" (Yongzheng: I don’t have such a village idiot son like you)", trong đó so sánh thị hiếu nghệ thuật của Càn Long với vua cha mình là Ung Chính.
"Thị hiếu của Ung Chính rất được ngưỡng mộ, theo ít nguyên tắc hơn. Nhưng phong cách triều Thanh bỗng nhiên thay đổi đến thời của Càn Long" – bài viết giải thích đồng thời đăng bức ảnh chụp các bình hoa do Ung Chính và Càn Long ủy quyền làm.
"Trông bình hoa của Ung Chính đơn giản và thanh nhã, trong khi bình hoa của Càn Long thì nhiều màu sắc và nhiều họa tiết, cứ như thể ai đó mặc trên người cùng lúc những món đồ của nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Prada và Gucci. Chi hàng đống tiền nhưng vẫn thiếu tính thẩm mỹ”.
Bài viết này đã được lan truyền rộng trên mạng khi mọi người phát hiện ra một khía cạnh khác của vị vua huyền thoại.
Thậm chí Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng tham gia vào cuộc này. Chương trình lịch sử The Nation’s Greatest Treasures hồi năm 2017 cũng cho thấy Càn Long đã "tác động" vào tác phẩm của nhiều nghệ sĩ như thế nào.
Cụ thể, Càn Long đã đóng hàng chục con dấu và viết vào hơn 70 chỗ trong kiệt tác Letter On A Snowy Day của nhà thư họa nổi tiếng thời Đông Tấn Vương Hi Chi (303-361 sau Công nguyên).
Nam diễn viên Vương Khải, người lột tả chân dung Hoàng đế Càn Long trong The Nation’s Greatest Treasures, nói rằng Hoàng đế viết những dòng chữ và thơ vào các bức tranh nhằm giúp thế hệ hậu duệ hiểu được những tác phẩm mà ông ngưỡng mộ.
Thị hiếu lạ lùng của Càn Long được cho là đã góp phần nâng cao nghề làm sứ. Bình hoa The Mother of all China trong đời Càn Long được làm với ít nhất 15 loại men của phương Tây và phương Đông. Bình hoa này hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh.
Song nhờ có sự ủy quyền làm các bình hoa như vậy từ Vua Càn Long, tay nghề của các nghệ nhân làm đồ sứ được nâng cao hẳn.
"Bình hoa này cho thấy thành tựu của kỹ thuật làm gốm. Bình hoa này được làm cho Càn Long để Hoàng đế có thể đánh giá các thành tựu kỹ thuật được thể hiện trên bình hoa" - Judith Dowling, thuộc hãng đấu giá Skinner, nói.
Hồi năm 2014, một chiếc bình chị em của The Mother of all China đã đạt giá kỷ lục: 24,7 triệu USD tại cuộc đấu giá do Skinner tổ chức ở Boston.
Việt Lâm
Theo SCMP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất