09/05/2020 07:32 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Liên hoan phim Quốc tế Melbourne (MIFF) của Australia - một trong những liên hoan phim lâu đời nhất thế giới, mới đây đã công bố chuyển hình thức tổ chức như thường niên sang dạng online (trực tuyến).
Tính tới 12h ngày 7/5, Australia có tổng cộng 6.894 ca nhiễm bệnh, trong đó có 97 ca tử vong. Số ca được chữa khỏi là 6.040 và còn lại 757 ca dương tính, vẫn trong thời gian chữa trị. Có thể thấy, tình hình dịch bệnh tại nước này đang có những tiến triển tốt. Ngày 16/4 vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tuyên bố nước này sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 4 tuần để chống dịch Covid-19.
Các rạp chiếu phim trong nước cũng đang “rục rịch” chờ mở cửa trở lại. Thế nhưng, MIFF vẫn quyết định tổ chức dưới dạng online dù phải 3 tháng nữa mới đến thời điểm diễn ra. Được biết, Liên hoan phim sẽ diễn ra trong 3 tuần từ ngày 6 đến 23/8 và MIFF 68½ sẽ là tên gọi cho lần tổ chức năm nay. Đại ý để chỉ kỷ niệm 68 năm rưỡi của MIFF (lần đầu được tổ chức vào năm 1952).
Không “cần” chờ đến khi hết dịch, MIFF cho rằng đây là một “cải tiến” mới trong thời buổi này. “Đây không phải là một sự thay thế, đó là một phản ứng mang tính sáng tạo trong hoàn cảnh này của chúng tôi” - Giám đốc nghệ thuật Al Cossar trả lời phỏng vấn của The Sydney Morning Herald- “Đây như là khoảng thời gian để trải nghiệm về việc tìm kiếm cũng như giữ chân khán giả ngay tại thời điểm này”.
MIFF năm nay sẽ có số lượng phim chiếu ít hơn thường niên, với khoảng 40 đến 50 phim điện ảnh và phim tài liệu, 30 đến 40 phim ngắn được chọn trong 4 chủ đề bao gồm: Australia, hoạt hình, phim tài liệu và hoạt hình. Được biết, MIFF sẽ tổ chức online thông qua dịch vụ xem video theo yêu cầu (VOD) - Shift72 (New Zealand). Trước đó, Shift72 cũng đã từng được Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế Copenhagen và Liên hoan phim South By Southwest chọn làm nơi diễn ra online.
MIFF cũng tiết lộ 1 đại sứ mới là diễn viên từng đoạt giải Quả cầu Vàng, nhà sản xuất và đạo diễn Rachel Griffiths. Bà cũng đồng ý với ý kiến của Al Cossar và cho rằng: “Thông thường, mọi vấn đề liên quan đến văn hóa thích nghi với tốc độ rất chậm và không có gì khiến chúng thích nghi nhanh như chiến tranh hay đại dịch” - Rachel cho biết - “Chúng ta không thể đoán nó sẽ thay đổi những gì, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng sẽ có những sự thay đổi”.
Việt Anh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất