Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân: “Ký ức” không dang dở

19/09/2011 13:20 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vũ Nhật Tân vừa nhận lời mời tiếp tục tham gia dự án Hòa nhạc giao hưởng Việt - Mỹ. Theo đó, anh sẽ phổ nhạc cho những lời thơ về đề tài chiến tranh Việt Nam của một nhà thơ phản chiến rất nổi tiếng của Mỹ…

Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, Vũ Nhật Tân đoạt những giải thưởng âm nhạc danh tiếng. Đó là giải Ba cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội với tác phẩm hòa tấu soạn cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam năm 1992 và giải nhất cuộc thi sáng tác Saint-German-en- Laye tại Pháp cho tác phẩm Ký ức năm 1995. Cũng từ Ký ức cái tên Vũ Nhật Tân được gắn liền với cổ điển đương đại, một lĩnh vực sáng tác còn quá hẹp ở Việt Nam. Nhưng từ Ký ức cũng đã quá lâu, người ta không thấy Vũ Nhật Tân trình làng một tác phẩm nào xuất sắc hơn thế.

Ký ức xem ra là một “ký ức dai dẳng” với anh. Hỏi anh con đường đi đã chọn, làm nhà soạn nhạc cổ điển đương đại, phải chăng là “dang dở” với anh khi những năm gần đây người ta chỉ biết nhiều đến anh qua những tác phẩm nhạc điện tử và tiếng ồn. Anh bảo “gặp được nhạc điện tử” cũng là lối thoát cho anh khi còn muốn tiếp tục theo đuổi đam mê âm nhạc. Bởi cổ điển đương đại là một “ký ức dai dẳng” không khi nào thoát ra được. Dù “để sống cùng nó”, cũng không dễ dàng chút nào.

* Anh được biết đến ngay từ khi là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia qua bản cổ điển đương đại Ký ức. Nhưng dường như “ký ức” quá dai dẳng khi đã hơn 15 năm qua nó vẫn được nhắc đến như một cái “mốc son” với Vũ Nhật Tân?

- Ký ức là một trong số rất ít những bản cổ điển đương đại của tôi và của Việt Nam được công chúng bên ngoài tán thưởng. Năm ngoái nó cũng cùng tôi lưu diễn trong chương trình Hòa nhạc giao hưởng Mỹ. Thật ra để viết được tác phẩm thuộc dòng cổ điển đương đại cũng giống như người ta viết một cuốn tiểu thuyết dài hay làm một bộ phim. Tổng thời gian thai nghén tác phẩm cho đến lúc hoàn thành ít ra cũng phải đến vài năm, nhanh cũng phải hai năm. Như dự án nằm trong chương trình hợp tác giao lưu Hòa nhạc giao hưởng Việt-Mỹ, chương trình tiếp theo họ đã khởi động từ năm nay cho đến tận giữa năm sau, tức là mất 18 tháng, để chuẩn bị.

Ảnh: Dino Trung

* Thực tế, lâu lắm rồi, tôi cũng không nghe ai nhắc tới những tác phẩm cổ điển đương đại...

- Đúng vậy, cổ điển đương đại là một dòng tương đối hẹp nên việc trình diễn nó không phổ biến lắm. Ở VN hiện nay chưa đủ điều kiện để có được một dàn nhạc hay một nhóm nhạc chuyên chơi các tác phẩm cổ điển đương đại. Ở Hà Nội có bốn dàn nhạc chính thức nhưng thực sự ra chỉ có hai cái là hoạt động: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc.

Nhưng nếu có hoạt động thì họ cũng chơi tác phẩm cổ điển phương Tây cho tiện lợi, đỡ mất công mất sức tập luyện. Bởi các tác phẩm cổ điển đương đại thường là mới mẻ và có sự phối hợp của nhiều loại hình âm nhạc, trong đó có cả âm nhạc dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng, vì thế tập một tác phẩm cổ điển đương đại cũng vất vả và tốn thời gian hơn rất nhiều. Do đó các dàn nhạc ít khi họ chọn các tác phẩm cổ điển đương đại vào chơi trong các chương trình của họ. Nên thực ra tôi vẫn hoạt động khá nhiều trong lĩnh vực này nhưng chỉ là ít khi tác phẩm được trình diễn đến công chúng.

* Để những tác phẩm cổ điển đương đại đến được với công chúng rộng hơn, chẳng lẽ không có cách nào?

- Ở dòng cổ điển đương đại khi soạn một tác phẩm xong thì mình phải trình tác phẩm đấy cho chỉ huy dàn nhạc. Chỉ huy dàn nhạc sẽ phải đi làm việc với phía đầu tư. Công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư này không dễ gì trong thời nay. Có đầu tư rồi thì phải tập luyện rất công phu. Sau đó dàn nhạc sẽ phải đi tìm địa điểm để biểu diễn chương trình. Để một tác phẩm cổ điển đương đại ra mắt được công chúng không khác gì người ta làm một bộ phim. Nó có thể kéo dài 4 hoặc 5 năm nếu không có sự hỗ trợ nào từ phía các quỹ văn hóa nước ngoài. Quá trình tìm đường để “con đẻ” của mình được ra mắt công chúng này quá cồng kềnh, quá phức tạp và tốn kém trong điều kiện ở ta.

* Những khó khăn trên có làm anh nản khi theo đuổi con đường trở thành một người soạn nhạc cổ điển đương đại không?

- Nản thì không nhưng khi dòng nhạc này chưa phổ cập được thì đương nhiên là mình phải tìm hướng đi khác khi mình vẫn còn muốn theo đuổi âm nhạc. Gốc của tôi là một người soạn nhạc cho dàn nhạc giao hưởng (chơi cả nhạc cụ phương Tây lẫn nhạc cụ dân tộc) nên không có chuyện sẽ từ bỏ nếu gặp khó khăn .

Mới đây nhất tôi đã nhận làm một dự án tiếp theo trong Chương trình hòa nhạc giao hưởng Việt - Mỹ. Họ gửi một tập thơ về đề tài chiến tranh Việt Nam của một nhà thơ phản chiến rất nổi tiếng của Mỹ. Họ muốn tôi phổ nhạc cho những lời thơ này và soạn nhạc cho dàn nhạc giao hưởng chơi. Có thể sang năm tác phẩm này sẽ trình diễn tại Mỹ trước sau đó là quay trở lại Việt Nam. Dự án này khá cầu kỳ. Trước tiên là phải đọc thơ, sau đó nhà thơ sẽ bay qua Việt Nam gặp tôi trao đổi để lên được một kịch bản sơ lược. Sau đó ông ta sẽ quay lại Mỹ để bàn bạc với dàn nhạc bên kia... Thường một kịch bản như thế đến lúc lên được nhạc cũng mất một năm thời gian chuẩn bị.

* Anh chọn cổ điển đương đại trước tiên và giờ là nhạc điện tử. Hai hướng đi này đều tương đối hẹp để tiếp cận công chúng?

- Thật ra đường nào cũng có khó khăn và thuận lợi. Khó khăn của tôi là đường đi hẹp, công chúng ít nhưng thuận lợi là mình ít bị cạnh tranh. Đấy là nói thật. Còn bây giờ mà nhảy sang lĩnh vực nhạc pop thì sự cạnh tranh lại khốc liệt lắm.

* Vậy cuộc sống của một người nghệ sĩ đương đại có dễ dàng?

- Thực ra để mà sống thì sống được. Nhưng mà là một cuộc sống của một công chức bình thường. Còn để như giới showbiz mua xe, mua nhà, xài đồ hiệu thì đương nhiên là không thể. Bởi tôi không muốn, không thích và đương nhiên là sẽ không làm theo họ.

Việt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link