31/05/2019 07:48 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thiếu nhi được xem là những mầm non tương lai của đất nước và âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của thiếu nhi. Thời gian dài vừa qua, mảng âm nhạc thiếu nhi gần như bị bỏ ngỏ, chương trình đình đám nhất trên truyền hình tồn tại vài năm qua là The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí thì cũng từng bị ta thán là “thiếu nhi hát nhạc người lớn” với một số bài không phù hợp với tâm sinh lý, suy nghĩ của lứa tuổi này.
Có ý kiến cho rằng vì hiện nay không có những sáng tác đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thiếu nhi nên thiếu nhi mới hát nhạc người lớn. Dẫu đó là một ý kiến có thể còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, để nói lên chất lượng và số lượng ca khúc sáng tác cho thiếu nhi hiện nay ở đất nước ta như thế nào là một đề tài quá rộng lớn, vì vậy trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói đến tình hình sáng tác nhạc thiếu nhi tại TP.HCM, nơi có Hội Âm nhạc với số lượng hội viên lớn và là một thị trường âm nhạc tập trung nhạc sĩ tài năng với số lượng lớn thuộc bậc nhất của cả nước.
Ca khúc chưa đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi
Âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn, những giai điệu cho thiếu nhi cũng cần phù hợp với tâm sinh lý, suy nghĩ, ước mơ… của thiếu nhi ở thời đại mà thiếu nhi đang sống.
Nhìn chung, đại đa số, ca khúc viết cho thiếu nhi thời gian gần đây về mặt chất lượng chưa có những chuyển biến khác biệt so với vài chục năm trước, nhưng tâm lý, suy nghĩ, môi trường sống, xu hướng âm nhạc được tiếp cận… của thiếu nhi hiện nay thì đã khác trước đây rất nhiều.
Giai điệu, tiết tấu âm nhạc không mới, không bắt kịp với xu hướng thưởng thức, cảm thụ của thiếu nhi hiện nay. Nếu nghe những bài hát nước ngoài được hát bằng lời Việt trong các phim hoạt hình nước ngoài trên kênh HTV3 (kênh dành cho thiếu nhi), hoặc những bài hát tiếng Anh dạy học vần, đếm số… chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tác giả “thời đại mới” của những ca khúc thiếu nhi được yêu thích như Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Vui đến trường, Món quà tặng cô… cho rằng: “Âm nhạc cho thiếu nhi cần ngôn ngữ mới hơn, tiết tấu âm nhạc cần cập nhật xu hướng của âm nhạc thiếu nhi thế giới, cần thêm những bài tiết tấu nhanh, độ khó trong giai điệu, cần sử dụng cả nhạc EDM, rap… để mảng âm nhạc thiếu nhi được phong phú”.
Nói về “độ khó” của ca khúc, phải chăng trong quá khứ và hiện nay ca khúc thiếu nhi thiếu những bài hát “đỉnh cao” để các thiếu nhi thể hiện “đẳng cấp” giọng hát của mình nên thí sinh The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí chọn những ca khúc người lớn để thể hiện?
Về nội dung thì: “Ngoài đề tài quê hương đất nước, gia đình, mái trường…, cần đi sâu vào thế giới chung quanh cuộc sống của thiếu nhi như: Các ngày lễ - Tết (Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu, Lễ Vu lan, Ngày sinh nhật, Noel, Halloween…); đề tài cổ tích (Thạch Sanh, Bạch Tuyết, Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá…); đề tài thú vật (chó, mèo, gà, thiên nga…); khám phá thế giới (Cầu vồng, hoa hướng dương…) v.v… - Nguyễn Văn Chung nói tiếp.
Về những điều này, tại hội thảo về “Âm nhạc thiếu nhi trong đời sống âm nhạc TP.HCM” (tháng 11/2018), một số ý kiến cho rằng, các nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi cần “đổi mới tư duy về đề tài, ngôn ngữ”, bởi lứa tuổi từ 8-15 hiện nay tâm sinh lý, suy nghĩ rất khác với các thế hệ trước, nên ca khúc dành cho họ cũng phải thay đổi mới phù hợp; cần có những ca khúc “có chiều sâu và mang hơi thở của thời đại”.
Nói chung là cần có những ca khúc mới, hiện đại và gần gũi với tâm tư, suy nghĩ của thiếu nhi.
Cung và cầu chưa gặp nhau
Nói về lĩnh vực sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, thì việc phổ biến cũng vô cùng quan trọng, nếu ca khúc không được sử dụng, nó ảnh hưởng rất lớn đến động lực sáng tác của các nhạc sĩ.
Số lượng nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi không nhiều bằng nhạc sĩ sáng tác ca khúc nhạc người lớn, điều này thì ai cũng biết, bởi sáng tác ca khúc tình yêu cho thị trường âm nhạc thì dễ có cơ hội nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, với số lượng sáng tác ít ỏi đó, dù ca khúc có chất lượng, thời gian quacũng rất khó để được phổ biến rộng rãi.
Hàng năm tại TP.HCM, 24 quận huyện gần như đều có Liên hoan văn nghệ thiếu nhi vào mùa Hè, ngoài ra còn có Liên hoan Ca múa nhạc thiếu nhi Hè toàn thành. Các nhà thiếu nhi là nơi rất cần những ca khúc mới, nhưng không biết tìm ở đâu. Các nhạc sĩ có ca khúc mới thì không biết đưa cho ai. Nghĩa là lực lượng cung - cầu đều có, nhưng họ lại không gặp nhau, có chăng cũng chỉ là quan hệ cá nhân mang tính chất “nhỏ lẻ”.
Trước đây, còn có các “đầu nậu” in sách nhạc để bán, nhưng từ khi Internet phát triển thì các tập nhạc in thành sách gần như không còn tồn tại nữa.
Một khía cạnh khác là chất lượng ca khúc đang bị thả nổi. Theo một nhạc sĩ (xin được giấu tên) đã gắn bó với âm nhạc thiếu nhi TP.HCM trong nhiều thập niên qua cho rằng: “Một số nhạc sĩ gạo cội viết nhạc cho thiếu nhi thế hệ trước, không có điều kiện để thực hiện những thu âm để đăng trên YouTube hoặc các trang nhạc trực tuyến - phương tiện quảng bá phổ biến hiện nay. Ngược lại những ca khúc kém chất lượng lại làm được điều này, làm cho diện mạo ca khúc thiếu nhi không được phản ánh đúng thực tế. Khác với trước đây, những chương trình nhạc thiếu nhi trên các đài phát thanh, truyền hình được biên tập, chọn lọc kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng”.
Những tín hiệu đáng mừng
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được xem là người tiên phong trong việc “chấn hưng” ca khúc thiếu nhi ở TP.HCM. Với nỗ lực cá nhân, anh đã miệt mài sáng tác trong 3 năm và hoàn thành tập sách 100 ca khúc nhạc thiếu nhi vào năm 2017. Sau đó, 1.000 tập sách đã được bán hết và tiếp theo anh in thêm 5.000 cuốn tặng cho 60 trường mầm non, cấp 1 tại TP.HCM và 20 trường ở Hà Nội. Anh cũng có nhiều buổi giao lưu biểu diễn tại các trường học ở TP.HCM.
Năm 2018, tại TP.HCMcũng đã có những chuyển động được xem là những tín hiệu đáng mừng để vực dậy âm nhạc thiếu nhi. Trước khi “Liên hoan Ca múa nhạc thiếu nhi Hè toàn thành” được tổ chức với chủ đề Em yêu làn điệu quê hương, Hội Âm nhạc TP.HCM đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca và thực hiện đĩa CD gần 20 bài hát chất lượng gửi cho 24 nhà thiếu nhi quận huyện của TP.HCM.
Một số ca khúc đã được các đơn vị chọn lựa để dàn dựng chương trình tham gia liên hoan. Đó là một việc làm thiết thực để giải quyết yếu tố cung - cầu cho ca khúc thiếu nhi.
Tháng 11/2018, Hội Âm nhạc TP.HCM cũng đã tổ chức một hội thảo về “Âm nhạc thiếu nhi trong đời sống âm nhạc TP.HCM”, tại đây Hội Âm nhạc và đại diện 24 nhà thiếu nhi quận huyện đã tìm được tiếng nói chung trong việc phổ biến ca khúc.
Đại diện Hội đồng Đội TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Hội Âm nhạc để các nhạc sĩ gặp gỡ các cháu thiếu nhi nhằm lắng nghe tâm tư tình cảm, sở thích âm nhạc của các cháu nhằm có những sáng tác sát thực.
Hội Âm nhạc sẽ thực hiện 1 tập ca khúc thiếu nhi khoảng 150 bài,là các sáng tác dự thi ca khúc thiếu nhi của Hội trong những năm gần đây để các nhà thiếu nhi có thêm nhiều tư liệu về ca khúc thiếu nhi. Và mở đầu việc “tạo nguồn” cho các nhà thiếu nhi là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tặng sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi cho 24 nhà thiếu nhi quận, huyện của thành phố.
Một thư viện âm nhạc cũng được nêu ra và nhận nhiều ý kiến tán thành. Hội cũng sẽ nghiên cứu để có thể thực hiện trong tương lai.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, Đài Truyền hình TP.HCM - HTV cần có những chương trình ca nhạc mà ở đó “thiếu nhi hát nhạc thiếu nhi” như cuộc thi Tiếng hát măng non.
Nếu các nhạc sĩ và các đơn vị liên quan có những phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với tất cả tâm huyết, chúng ta hy vọng âm nhạc thiếu nhi TP.HCM và cả nước sẽ được “chấn hưng”.
(Còn nữa)
Hữu Trịnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất